Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bài Toán Nào Cho Cà Phê Già Cỗi Ở Tây Nguyên?

Bài Toán Nào Cho Cà Phê Già Cỗi Ở Tây Nguyên?
Ngày đăng: 05/11/2012

Thay đổi cà phê già cỗi là một vấn đề nan giải, đặt ra cho 3 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý một bài toán khó. 
Tây Nguyên hiện có hơn 450 nghìn ha cà phê, chiếm trên 90% diện tích cà phê cả nước. Tuy nhiên, cả trăm ngàn héc ta cà phê ở Tây Nguyên đã trở nên già cỗi, làm sụt giảm cả sản lượng và chất lượng chung của cà phê toàn vùng. 
Chính vì vậy, việc trồng lại hoặc phục hồi diện tích cà phê già cỗi ở Tây Nguyên đang được đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, đây lại không phải là vấn đề đơn giản bởi thời gian tái canh rất dài, chi phí cải tạo đất cao, rủi ro bệnh hại lớn là những lực cản cần phải khắc phục. 
Sau vài mô hình chưa thành công, nhiều nhà khoa học, cơ quan quản lý tiếp tục tìm “thuốc chữa” cho cà phê già cỗi, còn về phía nông dân họ đã và đang tự mày mò tìm hướng ra cho vườn cà phê già của mình.

Nỗi lo bệnh già

Theo thống kê của Viện khoa học Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, trong số hơn 450.000 ha cà phê của khu vực hiện đã có hơn 120.000 ha bị già cỗi (hơn 20 năm tuổi), năng suất dưới 1,5 tấn/ha. Dự tính, đến năm 2020, hơn 70% diện tích cà phê ở khu vực này cũng sẽ lâm vào tình trạng tương tự. Các diện tích cà phê ở đây đều có tuổi đời từ 20 - 30 năm, mặc dù trong quá trình khai thác vẫn cho sản lượng quả, tuy nhiên hiện sản lượng và năng xuất của diện tích cà phê này đang có dấu hiệu giảm dần theo từng niên vụ. 
Ngay tại tỉnh Đắc Lắc - địa phương có diện tích cà phê lớn nhất Tây Nguyên với hơn 190.000 ha, hiện đã có hơn 60.000 ha cà phê ở tuổi từ 18 đến 25 năm bắt đầu “lão hóa”, hết chu kỳ kinh doanh cho hiệu quả cao, cần phải cưa đốn, phục hồi, hoặc trồng tái canh. 
Ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT tỉnh Đắc Lắc cho biết, trong quy hoạch đối với cây cà phê sắp tới, Đắc Lắc cố gắng đưa tổng diện tích về 150 nghìn ha nhưng sản lượng vẫn đảm bảo hơn 450.000 tấn mỗi năm. Quy hoạch là vậy, song bài toán tái canh, phục hồi cà phê già cỗi vẫn còn nan giải, trong khi mỗi năm lại có thêm hàng nghìn ha cà phê già đi, bước qua độ tuổi sung sức. Tại các tỉnh Đắc Nông, Lâm Đồng, nhiều diện tích cà phê nông dân vẫn đang tiếp tục canh tác với năng suất rất thấp nhưng chưa có điều kiện tái canh hay thay thế cây trồng khác… 
Loay hoay với tái canh

Để giải quyết tình trạng này, nhiều người dân đã nghĩ đến việc phá đi trồng lại, nhưng vẫn rụt rè. Bởi đa số những mô hình tái canh đi trước dù đã được các nhà khoa học hướng dẫn, các chuyên gia khuyến nồng hỗ trợ nhưng lại không thành công. Vườn cây tái canh chỉ sinh trưởng tốt đến năm thứ 2, thứ 3, sau đó tàn lụi dần. 
Chỉ riêng ở huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc có 36.000 ha cà phê thì đã có đến gần 20.000 ha cà phê đã ở tuổi 25. Nhiều năm qua, hàng trăm hộ nông dân phá đi trồng lại cà phê nhưng tỷ lệ cây sống chỉ đạt hơn 50%, trong đó nhiều cây sống một cách yếu ớt vì nhiều lý do. Như ông Ama Xoan ở xã Chư M’Gar; ông Nguyễn Văn Hóa ở xã Quảng Tiến tái canh cách này tỷ lệ cây sống năm thứ 4 chỉ đạt 20%. Các hộ dân cà phê phải duy trì cuộc sống, trang trải sinh hoạt hàng ngày trong quá trình tái canh dựa vào hoa màu trồng trong vườn… 
Sử dụng chế phẩm sinh học, vườn cà phê già của bà Nguyễn Thị Lương, ở xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar đã “trẻ lại” 
Theo tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện khoa học Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên thì tái canh cà phê luôn gặp khó vì nguồn sâu bệnh tích lũy trong đất qua mấy chục năm canh tác. Nguy hiểm nhất trong số này là tuyến trùng hại rễ. 
Với những vườn không bị nhiễm tuyến trùng, đất phải được nghỉ ít nhất 2 năm, còn nếu có tuyến trùng, thời gian nghỉ có thể lên 4 năm. Trong thời gian đó, nhà nông không được trồng các loại cây lấy củ, như sắn, khoai lang, làm đất thêm bạc màu và nhiễm nhiều mầm bệnh. Thay vào đó, chỉ được trồng các loại cây họ đậu. 
Vấn đề đặt ra là các loại cây họ đậu mỗi héc ta chỉ cho thu nhập tối đa 35 triệu đồng/1 năm, giá trị kinh tế không “đua” nổi với cà phê. Ngay cả các doanh nghiệp, cũng chỉ dám chuyển đổi dần dần vì không chịu nổi chi phí cho 4 đến 6 năm, vừa để đất nghỉ vừa để kiến thiết cơ bản vườn cây. 
Không chỉ việc buộc phải cưa đốn cây để tái canh ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân mà chi phí tái canh cũng là một áp lực không nhỏ. Tính toán cho thấy với chi phí tái canh bao gồm giống, phân bón, kỹ thuật chuyển giao công nghệ… cho 1 ha cà phê từ 100 - 160 triệu đồng, tổng chi phí tái canh cho 135.000 ha cà phê lên tới 13.000 - 18.000 tỷ đồng. 
Đây là vấn đề nan giản khi người dân không có đủ tài chính, mà địa phương thì cũng không có khả năng hỗ trợ. Thay đổi cà phê già cỗi là một vấn đề nan giải, nó đặt ra cho 3 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý một bài toán khó, bởi nếu như không có chính sách hỗ trợ gì cho người nông dân, rất ít người dám cả gan chặt bỏ cây cà phê của mình để trồng mới và phải chờ đến 4 -6 năm sau mới cho thu hoạch. 
Tự đi tìm “thuốc chữa”

Nhìn vườn cà phê xanh tốt, cây khỏe, lá và trái sum suê, của ông Nguyễn Hồng Minh, ở thôn 7 xã Ea Bhốc, huyện Chư Quynh, tỉnh Đắc Lắc, không ai tin được đây là cà phê tái canh mà không cho đất nghỉ. Vụ cà phê năm nay, vườn cây cho thu hoạch lứa thứ hai với năng suất ước đạt hơn 5 tạ nhân xô/sào. 
Ông Minh cho biết, 4 năm trước đây là vườn cây già cỗi, với hơn 400 cây cà phê đã hết xí quách, ông nhổ bỏ và trồng cây mới. Hơn 1 năm sau thì cả vườn đổ bệnh vàng lá. Theo tìm hiểu sách báo, ông Minh tìm mua chế phẩm sinh học A-H; N-H của Công ty cổ phần Thanh Hà về sử dụng cho cà phê tái canh. Sau thời gian dùng liên tục, vườn cà tái canh của ông Minh trở nên xanh tốt, năm ngoái thu hoạch vụ bói đạt năng suất gần 2 tạ/sào, vụ năm nay dự kiến năng suất tăng hơn gấp đôi. 
Ông Nguyễn Anh Kết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Hà, đơn vị đã đồng hành cùng nhà nông trong mấy năm qua cho rằng: mấu chốt của việc tái canh cà phê là phải giảm được thời gian đất nghỉ, mà vẫn đảm bảo an toàn vườn cây trước nguy cơ bệnh hại. 
Tất cả những vùng đất đã trồng cà phê, ít hay nhiều đều có tuyến trùng gây bệnh, nên việc rút ngắn thời than nghỉ của đất lại càng khó, cần có giải pháp riêng: vừa nâng cao sức đề kháng của cây, vừa ức chế sự phát triển của mầm bệnh. Các loại chế phẩm sinh học như A-H, N-H, không chỉ dùng cho các vườn cà phê tái canh, mà còn dùng để kéo dài tuổi thọ các vườn cây. 
Hiện nay, nhiều nông dân ở Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum… đã sử dụng chế phẩm sinh học, đem lại sức sống mới cho vườn cà phê già cỗi và tái canh an toàn cho vườn cây. Riêng UBND huyện Đắc Hà, vùng cà phê trọng điểm của tỉnh Kon Tum đã chi đến hơn 1,3 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân tái canh và phục hồi cà phê già cỗi bằng chế phẩm sinh học. 
Với hiệu quả bước đầu, chế phẩm sinh học đang giúp người trồng cà phê ở Tây Nguyên giải được bài toán trước mắt của cà già là giảm chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian nghỉ của đất và không gián đoạn thu nhập. Những thử nghiệm này có sự phối hợp giữa ngành khuyến nông, doanh nghiệp và nhà nông đang mở ra hướng mới cho cà phê già cỗi ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, cần có thời gian kiểm chứng về tính bền vững của cách thức này. 
Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng: Cần phải có thời gian đủ để đánh giá các mô hình sử dụng chế phẩm sinh học vì cà phê trồng lại không phải năm đầu chết ngay, có thể 2 - 3 năm sau, thậm chí khi đã cho thu hoạch cây cà phê vẫn chết. Do vậy, cần kiểm chứng thận trọng khi áp dụng đại trà. 
Ông Trương Văn Cao, Trưởng trạm khuyến nông huyện Krông Pách, tỉnh Đắc Lắc cũng cho rằng về lâu dài, những diện tích cà phê già cỗi tất nhiên phải tái canh theo đúng quy trình bền vững. Nhưng trước mắt, hiệu quả từ áp dụng chế phẩm sinh học ở các mô hình này cần được kiểm chứng và nhân rộng.


Có thể bạn quan tâm

Tôm Hùm Giống Đầu Vụ Giá Cao Kỷ Lục Tôm Hùm Giống Đầu Vụ Giá Cao Kỷ Lục

Trong 3 ngày từ ngày 6 đến 8.12, thời tiết se lạnh, biển có sóng nên tôm hùm giống (THG) xuất hiện nhiều ở vùng biển ven bờ, hàng trăm thuyền nghề làm mành tôm, mành bủa của ngư dân TP Quy Nhơn đã tập trung bám biển khai thác và trúng đậm tôm hùm giống đầu vụ. Mỗi thuyền nghề khoảng 5-6 người khai thác một đêm được 500 - 600 con, có thuyền khai thác được đến 1.000 con THG.

10/12/2013
Dưa Chuột VietGAP Trên Đất Đông Sơn Dưa Chuột VietGAP Trên Đất Đông Sơn

Về Đông Sơn vào thời điểm này, trong những mảnh vườn của nhiều gia đình, bên cạnh những gốc đào phai khẳng khiu là những luống dưa chuột xanh ngút ngàn. Anh Nguyễn Ngọc Lâm vui vẻ cho biết: Mọi năm vụ đông đất bỏ không, năm nay đưa vào trồng 6 sào dưa chuột bao tử.

30/12/2013
Tạm Chi Hơn 10,1 Tỷ Đồng Hỗ Trợ Người Nuôi Nghêu Bị Thiệt Hại Tạm Chi Hơn 10,1 Tỷ Đồng Hỗ Trợ Người Nuôi Nghêu Bị Thiệt Hại

UBND tỉnh Tiền Giang vừa duyệt tạm chi cho UBND huyện Gò Công Đông số tiền hơn 10,1 tỷ đồng để chi hỗ trợ giống thủy sản cho các hộ nuôi nghêu khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai từ nguồn ngân sách Trung ương tạm ứng cho ngân sách tỉnh và nguồn tồn quỹ ngân sách cấp tỉnh năm 2013.

10/12/2013
Giá Gừng Tăng Vọt Vào Cuối Năm Giá Gừng Tăng Vọt Vào Cuối Năm

Hiện nay, gừng được thương lái thu mua tại ruộng với giá 20 ngàn đồng/kg, với mức giá này nhiều nông dân trồng gừng phấn khởi khi trúng mùa, trúng giá.

30/12/2013
Làm Giàu Từ Nuôi Gà Lai Đông Tảo Theo Hướng Công Nghiệp Làm Giàu Từ Nuôi Gà Lai Đông Tảo Theo Hướng Công Nghiệp

Về thôn Đào Xá, xã Nghĩa Dân (Kim Động - Hưng Yên) hỏi thăm trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Đào Văn Nam (sinh năm 1973) người dân ở đây ai cũng biết.

10/12/2013