Vĩnh Long sử dụng túi bao trái giải pháp hiệu quả
Trong khi một số loài sâu đục trái trên bưởi, xoài… chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu, thì nhiều nhà vườn đã sử dụng túi bao trái, kết hợp biện pháp phòng trị tổng hợp bước đầu mang lại hiệu quả.
Biện pháp này vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng vừa bảo vệ môi trường.
Đến các xã Quới An, Tân Quới Trung, Trung Chánh (Vũng Liêm, Vĩnh Long) vào những mùa xoài ra trái, sẽ không khó bắt gặp những trái xoài được bao bọc bằng túi chuyên dụng phủ trắng khu vườn.
Ông Lê Thành Phúc (xã Tân Quới Trung) cho biết, vào mùa xoài rộ có rất nhiều trái bị sâu, ong chích làm giảm chất lượng. Nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật xua đuổi sâu, bọ chỉ tác dụng một thời gian rồi sau đó trở lại gây hại. Ông cũng như một số hộ trồng xoài xung quanh đã sử dụng túi bao trái hay giấy báo để bao trái mang hiệu quả cao. “Quả xoài được bao cẩn thận sẽ giúp màu sắc, chất lượng đảm bảo, không còn hiện tượng bị ong chích làm giảm phẩm chất.”- ông cho biết.
Trong khi các nhà khoa học nghiên cứu thuốc đặc trị sâu đục trái bưởi thì nhiều nhà vườn trồng bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh) đã sử dụng biện pháp bao trái cho hiệu quả khá tốt.
Anh Bùi Văn Rở trồng 5 công bưởi Năm Roi ở xã Đông Thạnh (TX Bình Minh) cho biết, đã thực hiện bao trái nhiều năm qua. Khi trái non bằng cỡ trái chanh là lúc chuẩn bị bao trái. Trước khi bao, phải phun thuốc trừ sâu, loại thuốc sinh học để diệt trứng, sâu non và bướm, sau đó tiến hành bao trong vòng 1 - 3 ngày, kết quả thường đạt từ 90% trở lên.
Cũng theo anh Rở, hiện có trên thị trường có bán loại bao xốp chuyên dùng cho bưởi. Loại dày giá khoảng 1.400 đ/bao, loại mỏng 900 đ/bao, sử dụng được 2 lần.
“Nếu tính tiền mua bao cho 5 công bưởi khoảng 2,5 triệu đồng, trong khi sử dụng thuốc trừ sâu mỗi tháng phải 4 lần phun xịt chi phí lên tới gần 5 triệu đồng. Bưởi được bao trái có màu vàng tươi rất đẹp, vỏ trái mịn, không bị nám nắng, thương lái mua giá cao hơn.”- anh Rở tính toán.
Ngoài sử dụng các túi bao trái thông thường, nhiều nhà vườn còn sử dụng túi bao chuyên dụng có khả năng chuyển đổi sắc tố trên trái cây, làm cho trái cây có màu sắc lạ mắt và hấp dẫn người tiêu dùng hơn.
Ông Trần Văn Trung - Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất xoài tứ quý vàng Thuận Thành (xã Tân Phú- Tam Bình) nhiều năm qua thu lời cao từ việc “biến” những trái xoài tứ quý vốn màu xanh thành màu vàng óng ánh bằng việc sử dụng bao trái. Ông Trung đã học cách làm này của một nhà vườn ở Tiền Giang. Theo ông, loại bao này có xuất xứ từ Đài Loan, giá khoảng 1.500 - 2.000 đ/bao. Thời điểm bao trái hiệu quả khi xoài ra trái khoảng 1 tháng rưỡi.
Trước khi bao, cần phun thuốc phòng trị các bệnh như thán thư, côn trùng… sau đó chăm sóc bình thường. “Nhờ màu sắc bắt mắt nên giá thường cao gấp 2 lần so giá thị trường. Hiện xoài tứ quý vỏ vàng của tôi tiêu thụ rất nhiều nơi, cung cấp cả cho các siêu thị lớn”- ông Trung phấn khởi.
Theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại - Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, điều đáng quan tâm nhất ảnh hưởng đến xuất khẩu của trái cây hiện nay do trầy xước, màu sắc trái nhìn không bắt mắt do quá trình phát triển bị sâu, bọ tấn công.
Để khắc phục, ngoài việc áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh gây hại trên vườn cây ăn trái như: nuôi kiến vàng, sử dụng bẫy côn trùng gây hại, sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học, khoáng, thiên nhiên… thì sử dụng túi chuyên dụng để bao trái là xu hướng hiện nay ở các nước tiên tiến trên thế giới.
Ở Vĩnh Long, hiện ngoài bưởi, xoài thì nhiều nông dân cũng đã áp dụng bao trái cho mận, ổi cho chất lượng trái đều tốt. Từ hiệu quả thực tế, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đang xây dựng mô hình thí điểm phòng trừ sâu đục bưởi bằng biện pháp tổng hợp tại xã Mỹ Hòa. Trong đó, đặc biệt khuyến cáo nông dân thực hiện bao trái hạn chế sâu rầy tấn công. Sau thời gian thực hiện, kết quả tỷ lệ trái không bị sâu tấn công đạt hơn 60%.
Cũng theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, đối với từng loại trái cây, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu từng loại túi bao chuyên dụng riêng biệt. Đối với loại bao màu vàng, phía trong màu đen thì thích hợp cho xoài cát chu, cát Hòa Lộc, thanh ca…
Đối với túi bao màu đục hoặc túi bao màu trong thì thích hợp cho xoài Úc, xoài Đài Loan… Ngoài tác dụng giảm thiệt hại do sâu bệnh, một số túi bao còn giúp tăng khả năng quang hợp, chuyển đổi sắc tố của trái cây, từ đó giúp tăng trọng lượng, làm cho trái có màu sắc đẹp.
Hiện trên thị trường có nhiều loại túi bao được sản xuất từ nhiều loại chất liệu khác nhau như: túi xốp sử dụng cho bao trái ổi, túi bao chuyên dùng sử dụng trên cây xoài, túi lưới dùng để bao nhãn, túi ny-lông… Các sản phẩm túi này được nhập khẩu và sản xuất trong nước. Nếu biết cách thì có thể sử dụng được 2 - 3 năm. Tùy vào túi tiền và đặc tính sinh trưởng của loại cây trồng mà nông dân có thể chọn loại bao thích hợp.
Có thể bạn quan tâm

Thông tin tại hội nghị, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn - nhà vận chuyển thủy nội địa hàng đầu tại ĐBSCL - cho biết từ năm 2010 đến nay, dù sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng container từ ĐBSCL đến TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu tăng bình quân 8%/năm nhưng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu vận chuyển của toàn vùng, khoảng 17-18 triệu tấn/năm.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, nửa đầu tháng 7, cả nước nhập siêu khoảng 200 triệu USD. Nhìn bức tranh xuất nhập khẩu của các tháng đầu năm 2014, có thể thấy đây là thời điểm con số nhập siêu giảm sâu nhất (trong 6 tháng đầu năm, xuất siêu của Việt Nam đạt gần 1,51 tỷ USD).

Nông dân Võ Văn Cường, thôn Suối Méc, xã Ninh Thân (TX Ninh Hòa), một người trồng bí đỏ có thâm niên cho biết: Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi nên cây bí sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất tương đối ổn định, dao động từ 12-15 tấn/ha, tăng từ 2-3 tấn/ha so với năm ngoái.

Hơn 500 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lí và DN ngồi chật kín hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc tế tham dự Hội thảo Khoa học công nghệ gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM do Bộ NN-PTNT và Bộ KHCN đồng tổ chức ngày 6/12 tại Hà Nội cho thấy sức hút của khoa học công nghệ (KHCN) với phát triển nông nghiệp hiện rất lớn.

Vụ nuôi tôm hùm năm 2014, các chủ lồng nuôi đã thay đổi hình thức nuôi tôm bằng cách hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn tươi. Cụ thể là sau khi làm vệ sinh lồng bè xong, người nuôi thả tôm hùm con với mật độ 5 con/m2. Trong ba tháng đầu, chủ lồng không cho tôm ăn thức ăn tươi mà chỉ bón phân gây tảo trong từng ô để tạo thức ăn tự nhiên cho tôm.