Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bắc Quang, Triển Vọng Từ Nhiều Mô Hình Kinh Tế

Bắc Quang, Triển Vọng Từ Nhiều Mô Hình Kinh Tế
Ngày đăng: 15/12/2014

Qua quá trình khảo nghiệm, giống lúa Bắc thơm 7 kháng bạc lá mang đến cho nông hộ những mùa vàng năng suất, chất lượng cao. Rồi giống lạc L23 được phòng chuyên môn đề xuất với chính quyền địa phương bổ sung vào cơ cấu giống mới của huyện. Hay cách chăn nuôi lợn quy mô trang trại theo hình thức khép kín mang lại nhiều lợi ích kinh tế...

Đó là những điển hình trong nhiều mô hình (MH) sản xuất nông nghiệp (SXNN) có triển vọng của ngành Nông nghiệp huyện Bắc Quang trong năm 2014.

Để chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, bổ sung giống mới, thay thế các giống cũ năng suất, chất lượng thấp đang được gieo, trồng tại địa phương; nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2014, huyện Bắc Quang đã chú trọng đầu tư thực hiện các MH khảo nghiệm giống mới mang lại giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, nông hộ ở các xã, thị trấn cũng tự đầu tư MH SXNN, góp phần nâng cao thu nhập.

Vụ Xuân 2014, huyện Bắc Quang tiếp tục khảo nghiệm giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, tại xã Quang Minh, Bằng Hành với tổng diện tích 1ha. MH này được Nhà nước hỗ trợ 100% giá giống và 50% vật tư chính (gồm phân đạm, lân, kali, vôi bột). Quá trình triển khai MH trên cho thấy: Đây là giống lúa đẻ nhánh khỏe, có khả năng chịu rét và chống đổ tốt, đặc biệt là kháng bạc lá tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất canh tác ở địa phương.

Từ đó, hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, được nhiều nông hộ đánh giá cao về chất lượng do hạt gạo dẻo, thon gọn, có vị thơm và năng suất trung bình cao, đạt 80 tạ/ha... Trong thời gian tới, huyện từng bước nhân rộng MH sản xuất đại trà và đề nghị đơn vị hữu quan bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng nhằm thay thế những giống lúa cũ năng suất, chất lượng thấp.

Song song với thời điểm thực hiện MH trên, tại 2 xã Đồng Yên và Vĩnh Phúc đã thực hiện MH trồng lạc L23. Theo đánh giá tổng kết, MH này được Phòng Nông nghiệp huyện đề xuất với chính quyền địa phương bổ sung vào cơ cấu giống của huyện và có chính sách nhân rộng trong thời gian tới. Bởi đây là giống lạc có thời gian sinh trưởng ở vụ Đông – Xuân dưới 130 ngày, có khả năng chống đổ tốt, chịu thâm canh cao, vỏ trắng sáng và đều củ.

Đặc biệt, lạc L23 có khả năng chịu hạn tốt, nếu gặp thời tiết hạn hán kéo dài từ 1-2 tuần, cây không bị héo như những giống lạc khác đang trồng tại địa phương; đồng thời, có khả năng kháng bệnh cao với: Gỉ sắt, héo xanh vi khuẩn, héo rũ..., đạt năng suất từ 42 đến 55 tạ/ha.

Bên cạnh những MH tiêu biểu trên, nhiều nơi bà con đã chủ động phát triển kinh tế hộ. Hiện nay, toàn huyện có 508 hộ chăn nuôi trâu, bò theo MH tập trung, với quy mô từ 5 đến trên 20 con và trên 300 hộ chăn nuôi lợn thịt theo quy mô tập trung ở gia đình với số lượng từ 30-50 lợn thịt/lứa nuôi, kết hợp với làm bể khí biogas.

Đây được đánh giá là phương thức chăn nuôi cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Trong đó, có sự kết hợp giữa kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống và kỹ thuật nuôi dưỡng tiên tiến. Điển hình như MH nuôi bò hàng hóa gắn trồng gần 1ha cỏ của anh Vũ Danh Dự (xã Hùng An), thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm.

Với kinh nghiệm: “Khi nuôi vỗ béo, từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 3, giảm chăn thả bò nhằm tăng khả năng tích lũy thịt” nên đàn bò (dao động từ 10-20 con) của gia đình anh có chất lượng nạc hàng hóa cao. Sau 2,5-3 tháng vỗ béo, bò thịt được bán ra thị trường, phục vụ nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng. Ngoài ra, anh còn vỗ béo bò non từ 24-26 tháng tuổi để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bên cạnh đó, MH chăn nuôi lợn quy mô trang trại của gia đình anh Đỗ Duy Hiển (xã Hùng An) được cơ quan chuyên môn đánh giá cao, thu hút nhiều hộ chăn nuôi tham quan, học tập. MH này có quy mô nuôi 70 con lợn/năm, sử dụng lợn mẹ là giống Móng Cái lai với lợn bố là giống lợn lai siêu nạc và con lai F1 được nuôi thành lợn thịt thương phẩm.

Từ việc chú trọng kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch, bệnh cùng đặc tính: Con lai F1 dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu tại địa phương, có sức đề kháng cao, ít bị dịch bệnh, tỉ lệ nạc cao và được thị trường ưa chuộng, mỗi năm gia đình anh Hiển thu lợi (sau khi trừ chi phí) đạt trên 90 triệu đồng...

Bên cạnh những MH trên, huyện Bắc Quang còn có nhiều MH SXNN khác, có sự đầu tư của Nhà nước hoặc do các hộ dân tự đầu tư, như: Nuôi cá Rô phi đơn tính, lợn không mùi, trồng rau an toàn trong nhà lưới, sản xuất lạc hàng hóa hay ghép cải tạo cam Vinh trên gốc bưởi Diễn...

“Đây đều là những MH được Phòng đánh giá cao về hiệu quả kinh tế và đề xuất với chính quyền địa phương có chính sách nhân rộng. Qua đó, còn bổ sung cách làm hay, tạo sự phong phú cho cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, từng bước mang đến nhiều chuyển biến tích cực cho ngành Nông nghiệp Bắc Quang” - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Quang, Phạm Xuân Tình, chia sẻ.

Nguồn bài viết: http://baohagiang.vn/?lang=V&func=newsdetail&newsid=32800&CatID=150&MN=26


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Dê Thoát Nghèo Ở An Giang Nuôi Dê Thoát Nghèo Ở An Giang

Không đòi hỏi diện tích và chi phí cao nhưng lại cho lợi nhuận khá hấp dẫn, nuôi dê thịt đã và đang là mô hình được nhiều hộ tại xã Long Hòa (Phú Tân - An Giang) thực hiện. Cũng nhờ mô hình này mà ông Nguyễn Văn Kìa, ngụ ấp Long Hòa 1 đã có điều kiện cải thiện kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

24/05/2012
Trồng Mía Trên Vùng Phèn, Mặn Trồng Mía Trên Vùng Phèn, Mặn

Là vùng đất phèn, qua nhiều thế hệ, người dân xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh (Hậu Giang) đã quen với cây khóm, loại cây đặc sản của vùng đất Hậu Giang. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, nhiều người đã cải tạo đất trồng mía thay khóm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

12/05/2012
Thị Trường Thịt Lợn Và Những Dự Báo Thị Trường Thịt Lợn Và Những Dự Báo

Bước sang đầu tháng 8 giá thịt lợn đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức rất cao. Cụ thể, giá lợn hơi khu vực phía Bắc ở mức 64.000 - 65.000 đồng/kg trong khi tại khu vực phía Nam là 57.000 - 58.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 7

13/08/2011
Cánh Đồng Mẫu Lớn Mô Hình Hay Cánh Đồng Mẫu Lớn Mô Hình Hay

Vất vả làm ra hạt lúa, người dân lại phải tự tìm kiếm sân phơi, rồi bán tháo, bán đổ với giá thấp để trang trải chi phí đầu tư… nên từ lâu, nhiều nông dân chưa thể làm giàu trên chính mảnh ruộng của họ. Nghịch lý này có thể được khắc phục dần nếu lãnh đạo các tỉnh, thành tích cực hơn trong việc đẩy mạnh mô hình hợp tác, liên kết sản xuất mới để doanh nghiệp cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro với nông dân

30/09/2011
Ốc Bươu Vàng Ốc Bươu Vàng "Hoành Hành" Trên Diện Rộng

Khoảng gần một tháng qua, hàng trăm hộ dân ở 2 huyện Quảng Xương, Hậu Lộc (Thanh Hóa) ăn không ngon do ốc bươu vàng hoành hành, phá nát hàng trăm hecta lúa mới cấy, nguy cơ mất mùa rất lớn

15/08/2011