Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bắc Ninh Phát Triển Nuôi Trồng Giống Thủy Sản Mới

Bắc Ninh Phát Triển Nuôi Trồng Giống Thủy Sản Mới
Ngày đăng: 09/05/2012

Những năm qua, ngành Thủy sản tỉnh Bắc Ninh chủ trương đa dạng hóa các đối tượng nuôi theo hướng ổn định, bền vững với các giống cá mới, hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) thâm canh và bán thâm canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa.

Nhằm khuyến khích người dân đưa vào nuôi trồng những giống thủy sản mới, năm 2010 UBND tỉnh đã ra Quyết định số 166/2010/QĐ - UBND về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2011 - 2015”. Theo đó, UBND tỉnh trích ngân sách hỗ trợ 70% giá giống thủy sản mới. Năm 2010, UBND tỉnh trích ngân sách hơn 2,5 tỷ đồng hỗ trợ giá giống cho 5 loại cá: Rô phi đơn tính, chim trắng, rô đồng, chép lai 3 máu và cá chày mắt đỏ với số lượng hơn 8.325 nghìn con cho 375 hộ NTTS với diện tích 291,1 ha.

Sau 1 năm, qua theo dõi quá trình nuôi trồng và tìm hiểu nhu cầu thị trường, ngành Thủy sản đã tham mưu với Sở Nông nghiệp & PTNT và UBND tỉnh tập trung hỗ trợ 3 giống cá: Rô phi đơn tính, chim trắng và chép lai 3 máu. Năm 2011, tỉnh trích ngân sách gần 7,3 tỷ đồng hỗ trợ gần 11.850 nghìn con cá giống cho 3.358 hộ với diện tích nuôi trồng 2.290 ha, chiếm hơn 42% tổng diện tích nuôi trồng. Nhờ đó, các giống cá mới cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường được đưa vào nuôi trồng ngày càng nhiều.

Đến nay, toàn tỉnh có 4.896 ha diện tích mặt nước NTTS theo phương thức thâm canh và bán thâm canh, chiếm 91% tổng diện tích nuôi trồng. Trong đó, phương thức nuôi cá bán thâm canh chiếm 75% diện tích và nuôi cá thâm canh chiếm 16% diện tích. Nuôi cá theo hai phương thức này cho năng suất từ 6 - 10 tấn/ha, các giống mới như: rô phi đơn tính, chim trắng, chép lai 3 máu… cho năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha. Việc hình thành các vùng thủy sản tập trung cũng tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nuôi trồng các con thủy sản giống mới. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 165 vùng NTTS tập trung (quy mô từ 10 ha trở lên) với diện tổng diện tích 3.288 ha, chiếm 60,4% diện tích nuôi trồng.

Để giúp người dân có thêm kiến thức chăm sóc các loại cá giống mới Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với phòng Kinh tế và phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện phát hàng nghìn quyển hướng dẫn nuôi thâm canh và cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở hướng dẫn trực tiếc. Nhằm bảo đảm chất lượng nguồn giống, Chi cục phối hợp với các cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh ký hợp đồng cung ứng cá giống mới các loại cho người nuôi trồng.

Trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở sản xuất giống thủy sản, mỗi năm sản xuất được 110 triệu con cá bột các loại để ươm nuôi được khoảng 80 triệu con cá giống. Được hỗ trợ giá giống và tư vấn kỹ thuật nuôi trồng nên nhiều hộ gia đình trong tỉnh đã tìm được hướng đi bền vững và trở thành những tỷ phú, triệu phú nhờ NTTS giống mới. Điển hình như: Hộ ông Nguyễn Duy Kiếm ở Bình Dương (Gia Bình); Nguyễn Hữu Thao ở Long Châu (Yên Phong); Đào Viết Xuê ở Phù Lương (Quế Võ); Lưu Xuân Dũng ở Trạm Lộ (Thuận Thành)…

Năm 2010, gia đình ông Nguyễn Hữu Thao ở thôn Mẫn Xá, Long Châu (Yên Phong) đưa vào nuôi trồng 2.400 con cá rô phi đơn tính, mật độ 3 con/m2. Sau 6 tháng cho thu hoạch, năng suất đạt hơn 10 tấn/ha, trừ chi phí cho thu lãi gần 65 triệu đồng/ha. Trung bình mỗi tháng chỉ tính thâm canh cá rô phi cho thu lãi gần 9 triệu đồng/tháng. Anh Thao cho biết: “Rô phi đơn tính là loại cá ăn tạp, dễ nuôi, tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon. Khi thu hoạch không sợ bị tư thương ép giá như các loại cá truyền thống”.

Đưa vào nuôi trồng các giống thủy sản mới góp phần nâng cao năng suất và sản lượng thủy sản. Năm 2011, sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh đạt 32.450 tấn, tăng 27.190 tấn so với năm 1997, năng suất đạt 5,7 tấn/ha, tăng gấp 4 lần so với năm 1997. Giá trị sản xuất thuỷ sản (theo giá cố định) tăng từ 43,57 tỷ đồng năm 1997 lên 285 tỷ đồng năm 2011. Ông Nguyễn Văn Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Phát triển nuôi trồng thủy sản giống mới theo phương thức thâm canh và bán thâm canh là hướng đi vững chắc để ngành thủy sản phát triển theo hướng hàng hóa, bền vững”.

Mục tiêu đến năm 2015 của ngành Thủy sản tỉnh là đưa diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 5.500 ha, trong đó, diện tích nuôi cá thâm canh đạt 1.100 ha, sản lượng thuỷ sản đạt 35.000 tấn, giá trị sản xuất thuỷ sản theo giá hiện hành đạt 900 tỷ đồng. Để hoàn thành các mục tiêu này, thời gian tới ngành Thủy sản tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, xử lý môi trường. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống và thức ăn thủy sản, đảm bảo cung cấp nguồn giống, thức ăn có chất lượng tốt phục vụ cho nuôi trồng thủy sản.

Có thể bạn quan tâm

Bệnh Nấm Trên Cây Mía Đang Bùng Phát Bệnh Nấm Trên Cây Mía Đang Bùng Phát

Hiện nay tại địa bàn xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), các loại nấm bệnh trên cây mía đang bùng phát mạnh và có mức độ lây lan nhanh, khiến nông dân vô cùng lo lắng. Niên vụ mía 2013 - 2014, xã Sông Cầu có 395ha mía. Vì thế, việc xử lý các loại dịch bệnh là một yêu cầu bức thiết.

05/08/2013
Ông Chamaleá Hái Thoát Nghèo Bền Vững Ông Chamaleá Hái Thoát Nghèo Bền Vững

Ông Chamaleá Hái, 70 tuổi ở thôn Tà Lọt (xã Phước Hòa, huyện Bác Ái) chịu thương chịu khó làm ăn vươn lên thoát nghèo nhờ sản xuất nông nghiệp

29/07/2013
Sâu Đục Trái Gây Hư Hại Mít Trồng Sâu Đục Trái Gây Hư Hại Mít Trồng

Vừa qua, tại thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) có khoảng 3 sào mít, trong đó có 15% cây mít đang mùa thu hoạch bị sâu đục trái gây hư hại.

30/07/2013
37 Hộ Chăn Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học 37 Hộ Chăn Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học

Tại các huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Phú Tân, thị xã Tân Châu (An Giang)… có 37 hộ chăn nuôi vịt theo phương pháp an toàn sinh học, với quy mô mỗi hộ từ 500 con đến 4.000 con.

06/08/2013
Nông Dân Nguyễn Quới Vươn Lên Làm Giàu Nông Dân Nguyễn Quới Vươn Lên Làm Giàu

Theo chân ông Huỳnh Hùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Công Hải, Thuận Bắc, chúng tôi tìm về thôn Hiệp Kiết gặp ông Nguyễn Quới, gương nông dân sản xuất điển hình của địa phương.Ông vui vẻ kể lại những ngày đầu lập nghiệp khó khăn của hai vợ chồng. Năm 1983, tích lũy được ít vốn, vợ chồng ông mua chiếc máy cày 30 triệu đồng làm đất cho bà con thôn xóm.

30/07/2013