Bắc Ninh Nuôi Cua Đồng, Mô Hình Mới Phát Triển Kinh Tế
Cua đồng có giá trị dinh dưỡng cao, là món ăn phổ biến dân dã. Hiện nay, do khai thác quá mức và không có ý thức bảo vệ, tái tạo nên cua đồng trong tự nhiên ngày càng khan hiếm.
Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ cua đồng trên thị trường rất lớn và giá thành ngày một tăng cao, ông Nguyễn Văn Lộng, thôn Thanh Hà, xã An Thịnh (Lương Tài - Bắc Ninh) mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cua đồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2011 dù đang “ăn nên làm ra” từ việc kinh doanh vật liệu xây dựng tại thành phố Thái Nguyên nhưng gia đình ông Lộng từ bỏ để về quê hương sinh sống. Qua xem trên truyền hình Việt Nam thấy mô hình nuôi cua đồng được nhiều nông dân các tỉnh phía Nam triển khai hiệu quả, nhận thấy điều kiện nuôi, chăm sóc hoàn toàn có thể áp dụng tại địa phương.
Ông Lộng quyết định xây 1 bể cua giống nuôi thử với ý nghĩ “làm cho vui”, nhưng không ngờ kết quả rất khả quan, cua phát triển, sinh sản rất nhanh. Nhưng nuôi trong bể kỳ công vì mỗi lần thay nước phải ra ngoài đồng gánh nước về, nước máy không phù hợp, không có nguồn dinh dưỡng.
Năm 2012, ông Lộng thuê khu đất ruộng với diện tích 1 ha của thôn, thời gian 20 năm để nuôi cua kết hợp cấy lúa, đồng thời tiến hành cải tạo, chia thành 3 ao, tu sửa bờ bao, vét bùn đáy ao và làm vệ sinh bằng vôi bột, đóng cọc căng lưới cước chắc chắn xung quanh ao, trên bờ trồng chuối.
Sau đó bơm nước vào đồng thời thả thêm bèo tây, rau muống để tạo môi trường cho cua sinh trưởng, trú ẩn và tạo thêm nguồn thức ăn tự nhiên cho cua. Tháng 4-2013 ông mua 100 kg cua giống từ những người khai thác tự nhiên về thả.
Tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong ao như bèo, các loại phù sinh ông Lộng còn bổ sung thêm nguồn thức ăn cám gạo, bột ngô ngâm chua trộn với cá tạp, ốc bươu vàng băm nhỏ… Mỗi ngày, cho cua ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều tối sau khoảng một thời gian cua lớn thì giảm dần lượng thức ăn, tuần cho ăn 2 đến 3 lần.
Lúc ông bắt đầu nuôi là những tháng hè vì vậy đàn cua sinh trưởng và lớn rất nhanh. Với 100 kg giống ban đầu sau 2 tháng nuôi ông bắt đầu thu được khoảng 300 kg cua thịt với giá bán buôn tại nhà là 90.000 đồng/kg, bán được khoảng 27 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, thức ăn còn lãi khoảng 15 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lộng cho biết: “Cua đồng được nuôi tại đồng đất chiêm trũng là phù hợp nhất, cua nhanh lớn và sinh sản nhanh.
Nuôi cua có rất nhiều lợi thế, cua là loài ăn tạp, rất dễ nuôi, nguồn thức ăn dễ tìm kiếm, giá rẻ, chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, cua lại ít bị bệnh, khả năng kháng bệnh tốt, chi phí đầu tư thấp, thời gian nuôi ngắn, không tốn công chăm sóc, đặc biệt hiệu quả kinh tế đem lại rất cao, so với cấy lúa thì nuôi cua đồng nhàn và lãi cao hơn rất nhiều”.
Cua đồng là loài sinh sản gần như quanh năm, tập trung từ tháng 4 đến tháng 8 do vậy nuôi cua chỉ mất vốn mua giống đầu tư ban đầu sau đó cua tự đẻ. Cua phát triển mạnh nhất vào những tháng hè, chỉ 2-3 tháng nuôi là có thể cho bán cua thịt.
Tuy nhiên về mùa đông cũng có thể nuôi cua nhưng điều kiện về nhiệt độ, môi trường không thuận lợi ảnh hưởng đến sự tăng trưởng nên cua phát triển chậm hơn kéo dài thời gian được xuất bán là 4 tháng. Như vậy mặc dù “làm chơi” nhưng mỗi năm gia đình ông cũng thu về trên 60 triệu đồng/năm.
Cua đồng một món ăn dân dã nhưng hiện nay được thị trường tiêu thụ với số lượng lớn, cua sản xuất ra không đủ bán chính vì thế mà ông Lộng chưa khi nào nghĩ đến việc mình làm lại không có đầu ra cho sản phẩm. Có nhiều nơi cũng đã tìm đến gia đình ông để đặt trước việc thu mua, song hiện tại nuôi với số lượng ít nên cũng không đủ lượng giao bán cho khách hàng.
Ông Lộng cho biết: “Tuy mới thử nghiệm mô hình trong thời gian ngắn song hiệu quả đem lại đã thấy rõ. Có tiền, tôi vừa tái đầu tư sản xuất, vừa cải tạo lại ao nuôi, xây hệ thống cấp thoát nước và xây tường rào xung quanh ao nuôi. Sau khi được cán bộ thuỷ sản của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh tư vấn, hướng dẫn, trong thời gian tới tôi sẽ mở rộng quy mô đưa thêm con chạch đồng, con ốc vào nuôi.
Từ mô hình nuôi cua đồng của gia đình ông Lộng, nhiều người dân trong và ngoài xã quan tâm và đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Tuy nhiên hiện nay khó khăn của người nuôi cua đồng phần lớn là do người dân nuôi tự phát nên kỹ thuật nuôi còn hạn chế, con giống chủ yếu được đánh bắt ngoài tự nhiên nên tỷ lệ hao hụt cao, giá cả thị trường không ổn định. Để nhân rộng mô hình cần có sự quan tâm của nhà nước về hỗ trợ nguồn giống tốt, chuyển giao kỹ thuật để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên (Bắc Giang), năm nay 20 ha vú sữa ở xã Hợp Đức cho sản lượng ước đạt hơn 100 tấn.
Bệnh viện cây ăn quả ĐBSCL (Sofri) cho biết: khi thấy trái dừa nứt trên cây hay thấy trái rụng, lấy dao bằm vỏ thấy khu vực đầu trái có nhiều vết thâm đen là do nấm đã tấn công vào mầu dừa (đài trái nằm giữa cuống và trái).
Hiện nay, do thị trường khu vực TP.HCM và Hà Nội tiêu thụ chậm, đồng thời các vườn ổi Đài Loan trên địa bàn huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, nên thương lái trên địa bàn huyện thu mua ổi với giá 1.200 đồng/kg.
Năm 2015, huyện Bát Xát (Lào Cai) sẽ trồng mới 200 ha cây chuối mô, nâng tổng diện tích trồng chuối mô trên địa bàn huyện lên hơn 700 ha.
Vừa qua, ông Bùi Thế Sương, ở ấp Bình Đông 1, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam, đã phát hiện một loài sâu hại mới gây hại trên trái dừa, làm hư trái hàng loạt.