Bắc Ninh Nhân Giống Và Bảo Tồn Loài Cá Bản Địa Chày Mắt Đỏ
Cá chày mắt đỏ là một trong những loài cá bản địa sống ở các sông, hồ tự nhiên khu vực phía Bắc, đến nay trở nên quý hiếm do sản lượng ngày càng suy kiệt. Việc nhân giống cá chày mắt đỏ và phổ biến quy trình nhân giống có ý nghĩa lớn trong bảo tồn đa dạng sinh học tự nhiên, đồng thời gợi mở cho các hộ nuôi trồng thủy sản một hướng phát triển kinh tế tiềm năng.
Năm 2012, với sự phối hợp của Trung tâm Tư vấn thiết kế và chuyển giao công nghệ (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1), Xí Nghiệp Thái Giang thực hiện đề tài khoa học “Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chày mắt đỏ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tại Bắc Ninh” thuộc chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn từ nay đến năm 2015”.
Chia sẻ về quá trình làm đề tài, ông Phạm Đức Lương - một người có niềm đam mê lớn với thủy sản cũng là Giám đốc Xí nghiệp Thái Giang cho biết: “Ngoài tự nhiên, cá chày mắt đỏ thành thục và tham gia sinh sản sau một năm tuổi, kích cỡ từ 0,2 kg trở lên và nguồn giống cá hiện nay vẫn chủ yếu là từ tự nhiên.
Vì vậy, chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian khảo sát thực địa ở các sông suối, lòng hồ vùng sâu, vùng xa của Hòa Bình, Hà Giang để tuyển chọn đàn cá bố mẹ. Sau nhiều năm nghiên cứu, Xí nghiệp Thái Giang đã tìm ra được công nghệ sản xuất nhân tạo giống cá này với mục đích lớn nhất là lưu giữ nguồn gen quý, góp phần khôi phục và tái tạo nguồn lợi loài cá bản địa quý”.
Từ đó, cùng với việc cung ứng giống và trực tiếp nuôi thả tại 8 điểm nuôi mô hình, các cán bộ kỹ thuật phổ biến, chuyển giao cho nông dân 5 quy trình công nghệ bao gồm: Quy trình nuôi vỗ cá chày mắt đỏ bố mẹ; Quy trình chọn cá bố mẹ cho đẻ, ấp trứng, nuôi dưỡng cá bột; Quy trình ương cá bột lên cá hương, ương cá hương lên cá giống; Quy trình tẩy dọn ao nuôi cá thương phẩm, chuẩn bị vật tư, thiết bị; Quy trình công nghệ nuôi cá thương phẩm (mật độ, tỷ lệ, thức ăn, chăm sóc, quản lý ao).
Được biết, trước khi có chương trình, việc thả nuôi loài cá này còn rất thưa thớt và các hộ nuôi đều gặp khó khăn khi mua giống. Sau 2 năm, đề tài sản xuất được 1 triệu con cá giống, ngoài việc cung cấp cho các mô hình nuôi cá thương phẩm của dự án và người dân các địa phương, một phần được cung cấp cho các tỉnh miền núi phía Bắc thả ra sông, hồ (sông Đà, hồ chứa nước thủy điện Hòa Bình,...).
Qua đó, giúp các hộ chủ động được con giống có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển nuôi cá thương phẩm tại địa phương.
Theo anh Nguyễn Hữu Công, thôn Đông Xuyên, xã Đông Tiến (Yên Phong), năm 2013, gia đình anh thử nghiệm nuôi 2ha cá chày mắt đỏ lấy giống từ xí nghiệp Thái Giang. Sau 8 tháng, anh thu hoạch được hơn 20 tấn cá thương phẩm, thu nhập 300-400 triệu đồng, trừ chi phí vẫn lãi 1 nửa.
Vì vậy, anh đăng ký lấy giống để tiếp tục triển khai nuôi trong năm tới. Theo kinh nghiệm của anh, nuôi cá chày cần chú ý vào việc vệ sinh môi trường ao nuôi, do loài cá này thường sống ở tầng nước giữa và tầng mặt nên phải thường xuyên vớt rác, bèo trên mặt ao. Kết quả chung tại các hộ tham gia đề tài cũng cho thấy, năng suất nuôi trung bình đạt 11,234 tấn/ha, lợi nhuận tính trên 1ha ao nuôi đạt trung bình 131,5 triệu đồng.
Mặc dù có giá trị thương phẩm khá cao nhưng hiện nay, nuôi cá chày mắt đỏ mới chỉ phù hợp với những hộ có điều kiện đầu tư về thức ăn công nghiệp.
Trên cơ sở đó, để giúp người dân tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn, tiết kiệm chi phí, Xí nghiệp xây dựng quy trình nuôi ghép cá chày mắt đỏ với 1 số loài cá như mè, chép, trắm đen, rô phi... trong cùng một khu vực ao nuôi với tỷ lệ thả ghép chiếm 40 - 50% tổng lượng cá trong ao. Quy trình này sẽ được chuyển giao cho nông dân trong thời gian tới nhằm mở rộng diện tích nuôi cá chày mắt đỏ và giúp các hộ đa dạng loài cá thương phẩm.
“Cá chày mắt đỏ có chất lượng thơm ngon, bổ dưỡng với người già và trẻ nhỏ nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Với các quy trình nuôi và nguồn giống sẵn có, các hộ nuôi trồng thủy sản có thể nghiên cứu, thử nghiệm loài cá có giá trị này để tăng thêm thu nhập cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường” - ông Lương bày tỏ tin tưởng.
Có thể bạn quan tâm
Khu vực Núi Cấm thuộc địa bàn 3 xã An Hảo, An Cư và Tân Lợi, huyện Tịnh Biên (An Giang) có diện tích phủ rừng khoảng 3.400 ha. Số diện tích này được giao khoán cho 3.638 hộ nhận chăm sóc và giữ rừng.
Một nông dân ở Tây Nguyên đã từng nhìn vài hecta Mắc ca của mình, nói: “4 năm nữa là tôi có thể đi máy bay ra thăm Hà Nội đấy”. Người nông dân này hoàn toàn có thể đi máy bay ra Hà Nội khi cây Mắc ca được trồng theo quy hoạch, mang lại hiệu quả cao… Tuy nhiên, hiện cây trồng này chưa thực sự nhận được sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng.
Cấp chứng chỉ bền vững (chứng chỉ FSC) cho rừng trồng là một chứng nhận về mặt kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích cho bản thân chủ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. Thấy rõ lợi ích này, nhiều hộ nông dân đã tự nguyện tham gia nhóm hộ trồng rừng thực hiện chứng chỉ FSC. Trồng rừng nguyên liệu gắn với việc cấp chứng chỉ rừng nâng cao chất lượng là một hướng đi đúng của lâm nghiệp Quảng Trị.
Mấy năm nay, rải rác khắp các xã trong huyện Chư Pưh (Gia Lai), diện tích tiêu chết xuất hiện ngày càng nhiều, dù đây là khu vực đất trồng tiêu tốt nhất vùng. Tính trên địa bàn Tây Nguyên, hàng nghìn hộ trồng tiêu cũng gặp tình cảnh tương tự.
Nói về nghề nuôi cá nước ngọt có truyền thống lâu đời trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thì có lẽ ở Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có thôn Long Hưng còn ở Triệu Phong có thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung. Về thôn Đạo Đầu, đi qua các đường làng ngõ xóm người ta dễ dàng bắt gặp những chiếc hồ nuôi cá ngay trong khuôn viên gia đình.