Nuôi Lươn Không Bùn Hướng Đi Mới Trong Nuôi Trồng Thủy Sản
Nuôi lươn không bùn dễ quản lý số lượng thức ăn dư thừa và dịch bệnh, lươn phát triển nhanh, ít hao hụt…
Đó là ưu điểm của mô hình nuôi lươn không bùn được Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Bắc Ninh lần đầu tiên triển khai tại gia đình anh Nguyễn Đình Cảnh ở thôn Tập Ninh, xã Chi Lăng, huyện Quế Võ. Mô hình đã đem lại kết quả khả quan, mở ra hướng nuôi trồng thuỷ sản mới cho bà con nông dân địa phương.
Anh Nguyễn Đình Cảnh, tình cờ xem qua truyền hình kênh VTV16 được biết đến mô hình nuôi lươn không bùn đang phát triển mạnh tại các tỉnh miền Nam. Nhận thấy hiệu quả của mô hình này, đầu năm 2013, anh lận đận vào tận tỉnh Long An thăm quan một số cơ sở nuôi lươn. Về nhà anh quyết định xây 3 bể và nuôi thử 1.000 con (10 kg), với giá 70.000 đồng/kg.
Do mua ngoài chợ chất lượng giống không đảm bảo, cộng với bể mới xây chưa hết nước xi măng lươn chết hàng loạt. Sau khi được Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bắc Ninh chọn là mô hình điểm để thử nghiệm nuôi lươn không bùn, anh rất phấn khởi. Anh thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ thuỷ sản về chuẩn bị bể nuôi, thả giống, chăm sóc và quản lý đàn lươn.
Với 3.000 con lươn giống, kích cỡ 10- 12 cm/con, mật độ thả 60 con/m2, do tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên lươn phát triển tốt. Sau 8 tháng nuôi, lươn đạt trọng lượng bình quân từ 0,2- 0,25 kg/con, tỷ lệ sống đạt 70%, sản lượng đạt gần 500 kg lươn. Giá bán hiện nay từ 150.000-160.000 đồng/kg, anh thu được 80 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí ước tính anh thu được lợi nhuận gần 50 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Cảnh cho biết: “Nuôi lươn không bùn rất dễ nuôi, tốn ít công chăm sóc và tỷ lệ hao hụt thấp, lươn ít bị bệnh, mau lớn, thu nhập từ lươn cao gấp đôi nuôi cá, thị trường tiêu thụ dễ dàng. Hiện nay, giá con giống hơi cao, khó mua phải chuyển từ khu vực phía nam ra, rất khó khăn cho việc lựa chọn con giống chất lượng. Người nuôi cần phải có kinh nghiệm mới chọn được giống lươn tốt”.
Theo kinh nghiệm nuôi lươn trong bể không cần bùn của anh rất đơn giản. Bể nuôi có thể tận dụng bể chứa nước, chuồng nuôi lợn không sử dụng hoặc tận dụng góc vườn lót bạt để nuôi lươn. Bể nuôi lươn có diện tích từ 2- 4 m2 là phù hợp, dễ quản lý, dưới đáy bể có ống thoát nước, ở trên có gắn đường nước vào thuận lợi cho việc thay nước.
Trước khi thả lươn giống bơm nước vào để ngâm bể khoảng 1 tuần rồi rửa sạch bể và xả hết nước, sau đó bơm nước mới vào. Trong bể đặt những vỉ tre làm nơi trú ẩn cho lươn. Mỗi bể thả nuôi 1.000 con lươn giống. Mức nước trong bể nuôi khoảng 30- 40 cm. Định kỳ hàng ngày thay toàn bộ nước trong bể vào buổi sáng để nước luôn trong sạch.
Cũng theo anh Cảnh muốn lươn nhanh lớn, tỷ lệ sống cao, khâu quan trọng nhất là chọn giống. Bên cạnh việc chọn giống, nước sạch cũng là một yêu cầu quan trọng vì nếu nước bẩn, lươn sẽ bị mắc bệnh và chết. Trong quá trình chăm sóc, cũng cần phát hiện, phân loại lươn bệnh. Cần cho lươn ăn đúng giờ, ngày 2 lần sáng, tối.
Thức ăn của lươn là cá tạp, ốc bươu vàng xay nhuyễn và trộn thêm bột cám để tạo độ dẻo, thức ăn được đặt trên vỉ để tránh thoát nước. Cứ trung bình 4 kg thức ăn thì cho 1 kg lươn thương phẩm. Cho lươn ăn theo “4 định”: định khối lượng thức ăn, định chất lượng thức ăn, định vị trí cho ăn, định thời gian cho ăn thì lươn rất nhanh lớn. Anh Cảnh dự định trong thời gian tới sẽ nuôi thêm 3 bể và đưa lươn ra ngoài đồng nuôi chung với trồng lúa.
Nhận xét về mô hình nuôi lươn không bùn, ông Nguyễn Văn Xuyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Nuôi lươn không bùn là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm việc làm cho người nông dân đồng thời đa dạng hoá đối tượng nuôi. Chúng tôi sẽ khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện mô hình này để giúp bà con tăng thu nhập, vươn lên làm giàu bền vững”.
Có thể bạn quan tâm
Bị lừa bịp, mắng chửi, phải mua lén lút, đó là tình cảnh khốn khổ của người dân khi muốn mua thịt lợn VietGAP tại chợ Hòa Bình, quận 5, TP.HCM, đến mức có người phải thốt lên: "Mua thịt lợn VietGAP mà tôi thấy giống như đi mua heroin vậy, căng thẳng, vất vả...”.
Họp bàn về sản xuất, tiêu thụ muối mà chính quyền tỉnh "họp kín", phóng viên các báo thường trú không được tham dự, quả là chưa hề có tiền lệ!
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, XK thủy sản của Việt Nam sang 11 nước thành viên tham gia TPP chiếm trên 45% tổng giá trị XK. Các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ngay lập tức khi TPP có hiệu lực với 90% các loại thuế XNK sẽ giảm.
TPP không chỉ mang lại sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ sang Nhật mà sẽ tác động đến thu nhập của ngư dân khai thác cá ngừ.
Thời gian gần đây, dấu hiệu của thị trường đã ảnh hưởng rất xấu đối với ngành chè của tỉnh Lâm Đồng, khiến cho ngành kinh tế thế mạnh này của tỉnh đang lâm vào cảnh lao đao.