Bắc Ninh Cung Ứng 80.000 Con Cá Lưu Qua Đông Năm 2014
Yên Phong là một huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh, có diện tích nuôi trồng thủy sản rất lớn, trên 300 ha nuôi thâm canh, tập trung ở các xã Đông Thọ, Tam Đa, Yên Trung, Văn Môn, Thuỵ Hoà, Dũng Liệt và Tam Giang.
Vào mỗi mùa thả cá giống, số lượng cá cung cấp trên thị trường có rất nhiều chủng loại, kích cỡ và có nguồn gốc từ rất nhiều cơ sở cung ứng khác nhau. Do vậy, việc quản lý được chất lượng, kích cỡ cá giống là không hề dễ.
Để hạn chế vấn đề trên và chủ động hơn trong quá trình nuôi, được sự nhất trí của UBND tỉnh Bắc Ninh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Phong đã liên hệ với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I cung cấp và làm thủ tục hỗ trợ 50% giá cá giống nuôi lưu qua đông (tương ứng 80.000 con) để làm giống cho vụ xuân nhằm giúp các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện giảm chi phí đầu vào, đặc biệt là chủ động được lượng con giống.
Điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ cá qua đông là mỗi cơ sở chỉ được nhận định mức hỗ trợ tối đa 50% giá cá giống quy định nhưng số tiền không quá 50 triệu đồng/cơ sở.
Cơ sở đủ điều kiện nhận cá giống hỗ trợ để nuôi lưu đông: Ao ương nuôi cá giống lưu đông phải đáp ứng đủ các tiêu trí, điều kiện như: diện tích ao từ 500 - 1.500 m2/ao; độ sâu >2,5 m; ao ở vị trí kín gió, có nguồn nước cấp và thoát thuận lợi; hộ gia đình có điều kiện kỹ thuật, đầu tư kinh phí chăm sóc nuôi dưỡng cá giống và nuôi cá thâm canh cho năng suất, chất lượng cao; ao giữ giống phải được che phủ bằng nilon trắng hoặc phủ bạt cách mặt nước tối thiểu 0,5 m để chống gió bắc hoặc phủ kín mặt nước ao bằng bèo tây (bèo được thả trong các khung tre để ổn định, tránh bị trôi dạt).
Diện tích che phủ phải đảm bảo chiếm 35 - 50% diện tích ao. Diện tích, số lượng cá giống nuôi lưu đông của các hộ, cơ sở dựa trên nhu cầu số lượng cá giống rô phi đơn tính, cá chim trắng phục vụ cho diện tích nuôi cá thâm canh năm 2015 của hộ, cơ cở. Cơ sở phải có đơn đăng ký, có xác nhận của địa phương gửi về Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Phong để Phòng tổ chức kiểm tra, thẩm định điều kiện ao nuôi giữ cá qua đông của cơ sở.
Cơ sở chỉ được tiếp nhận số lượng cá giống theo diện tích ao ương hiện có và đã được thẩm định đủ điều kiện nuôi lưu giữ cá qua đông.
Lưu ý: Các hộ, cơ sở đã được hỗ trợ cá giống nuôi lưu đông liên tiếp trong 2 năm 2012 và năm 2013; các hộ đã được hỗ trợ cá giống nuôi thâm canh năm 2014 thì không được hỗ trợ cá giống nuôi lưu đông năm 2014.
Ngoài ra, các cơ sở nuôi cá thâm canh còn được nhận hỗ trợ theo Quyết định 318/2014/QĐ-UBND về việc ban hành “Quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn, giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” ngày 08/7/2014 của UBND tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Trên cánh rừng hoang nghèo kiệt chỉ có lau lách và cỏ dại, cô lập với khu dân cư, trong gần 6 năm khởi nghiệp, Nguyễn Văn Hảo trở thành tỉ phú trẻ nhất xã Tam Dị, doanh thu đạt gần 2 tỉ đồng/năm.
“Thất bại không phải là vấn đề, quan trọng nhất là biết mình thất bại ở đâu. Trong nuôi tôm công nghiệp, ai thành công đều phải nếm trải nhiều lần thất bại mới rút ra được kinh nghiệm xương máu cho mình” – ông Trần Quang Hiên, ngụ ấp 5, xã Tân Thành, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) bộc bạch.
Nhờ vào sự linh hoạt và mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất, ông Đinh Văn Sơn (xã Yên Thắng, Yên Mô) đã xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp có thu nhập đạt trên 150 triệu đồng/năm.
Gần đây, hội viên nông dân Nguyễn Quốc Thắng, Chi hội Nông dân ấp Bình Lợi, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chủ động xây dựng mô hình nuôi dê nhốt chuồng quy mô lớn (thí điểm), khởi đầu cho phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi do Hội Nông dân xã phát động.
Để giúp người trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật và từng bước thay thế phương thức canh tác bất hợp lý, đảm bảo tính bền vững, giữ gìn và cải thiện môi sinh nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Chư Pưh đã triển khai dự án phát triển hồ tiêu bền vững bằng các chế phẩm sinh học.