Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghề Nuôi Cá Lồng Trên Sông Thấp Thỏm Theo Con Nước

Nghề Nuôi Cá Lồng Trên Sông Thấp Thỏm Theo Con Nước
Ngày đăng: 26/12/2014

Thời điểm cuối năm và dịp Tết là lúc thị trường tiêu thụ cá trắm cỏ nhiều nhất. Nhiều người nuôi cá cho biết, giá cá trắm cỏ bán thường 100.000 đồng/kg nhưng nhiều lúc không có để bán.

Không cần lặn lội đi xa mới mua được con giống vì ở trong tỉnh Quảng Ngãi đã có nơi cung ứng giống cá này. Thức ăn “xanh” cho cá chủ yếu là cỏ và lá mì có sẵn ở địa phương. Vật liệu làm lồng nuôi chỉ bằng tre… Nhiều hộ nuôi cá trắm cỏ đã tận dụng lợi thế, khai thác được con nước sông Trà Khúc chảy qua địa phương để phát triển kinh tế.

Có thể nói, nuôi cá trắm cỏ trong lồng trên sông là một trong những công việc “xanh” thân thiện với môi trường, mang thu nhập ổn định, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên thời điểm cuối năm cũng là khoảng thời gian người nuôi thấp thỏm lo lắng khi nước sông Trà Khúc không ổn định, lên xuống liên tục vào mùa mưa bão.

Cá trắm cỏ là loại cá nước ngọt, dễ nuôi, mau lớn... Lồng nuôi cá làm bằng tre, chi phí không cao mà có thể sử dụng đến 4 - 5 năm tùy theo chất lượng tre. Anh Trần Đức Công ở thôn An Tây, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) cho biết, anh là một trong những người đầu tiên ở địa phương nuôi cá trắm cỏ trong lồng trên sông. Ban đầu với vốn đầu tư gồm chi phí cá giống, vật liệu làm lồng nuôi... tốn khoảng 30 triệu đồng.

Anh thả nuôi 2.000 con cá giống, gần 2 năm là có thể thu hoạch được. Sau đó rút ngắn lại một năm thu hoạch 1 lần. Cá bán chạy nhất là vào dịp Tết. Trung bình mỗi đợt thu hoạch cá trắm cỏ mang lại cho gia đình anh số tiền khoảng 50 - 70 triệu đồng. Có ngày cao điểm, số tiền thu về từ bán cá lên đến 10 triệu đồng.

Hiện nay, anh Nguyễn Ngọc Lương, cùng địa phương với anh Công cũng đang thực hiện nuôi cá trắm cỏ trong lồng trên sông Trà Khúc đoạn qua xã Nghĩa Thắng. Anh Lương cho hay, trước đó anh đã thử nghiệm nuôi tuy nhiên không đạt hiệu quả. Đến năm 2012, anh tái nuôi cá trắm cỏ trong lồng, chưa kịp vui mừng thu hoạch thành quả thì đợt lũ năm 2013, nước dâng cao đột ngột đã kéo luôn các lồng cá trôi đi, khi chỉ còn vài hôm nữa là cá đến kỳ xuất bán.

Vừa qua được Trung tâm Khuyến nông huyện Tư Nghĩa hỗ trợ, anh Lương đã đóng 4 lồng tre thả trên sông, bên trong có lưới để ngăn không cho cá ra ngoài. “Lúc mới thả cá giống hoặc cá đang nuôi bị xuất hiện đốm đỏ, dùng lá sầu đông non (còn gọi là lá xoan) cột thành bó treo ở bốn góc lồng để khử trùng nước. Nếu có cá chết phải kiểm tra kỹ để phát hiện nguyên nhân, chữa bệnh dứt điểm cho cá để ngăn ngừa lây lan, tái phát bệnh”, anh Lương chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá của mình.

Cả thôn Tây, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) có gần 50 hộ làm nghề nuôi cá trong lồng trên sông Trà Khúc. Tháng 4.2014 vừa qua, hơn 4.000 con cá trắm cỏ của 25 hộ bị chết hàng loạt, thiệt hại khoảng 360 triệu đồng khiến người nuôi khốn đốn. Dù nguyên nhân cá chết được xác định là do bệnh đám đỏ và lở loét do vi khuẩn Aeromonas sobria gây ra, thế nhưng với những người nuôi đã gắn bó hơn chục năm liền với nghề nuôi cá trắm cỏ, rành rọt từng con nước, nắm chắc kỹ thuật nuôi cá nơi đây thì... không phục.

Nuôi cá trắm cỏ trong lồng trên sông mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Ông Lê Thái Sơn (58 tuổi) ở xóm Vĩnh Phước, thôn Tây là người hơn 10 năm nuôi cá trong lồng trên sông Trà Khúc cho biết, nhiều năm trước, nuôi cá trên sông dễ dàng, thuận lợi vì nước chưa bị ô nhiễm. Những năm gần đây, vào mùa mưa giông (từ tháng 3 đến tháng 7 dương lịch) là thời điểm cá hay chết nhiều nhất.

Điều này khiến người dân càng thêm lo lắng. Bởi vào mùa mưa giông, nước đầu nguồn về ồ ạt khiến tốc độ dòng chảy nhanh, việc lấy mẫu nước sông để kiểm tra rất khó phát hiện mức độ ô nhiễm nếu như có lượng nước ô nhiễm đầu nguồn về.

Để hạn chế tình trạng này, ông Nguyễn Ngọc Khanh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Sơn cho hay, thời điểm này, nước sông nhiều, loãng, người dân đã tranh thủ “ươm” cá con để đến mùa mưa giông sang năm, cá lớn có sức đề kháng hơn.

Mùa nắng thì lo cá bị bệnh chết, đến mùa mưa bão thì người nuôi phải thức trắng đêm để trông lồng cá. Đó là nỗi niềm chung của những người nuôi cá lồng trên sông. “Nước lớn phải lo di chuyển các lồng cá vào nơi an toàn để không bị nước cuốn đi. Nước vừa rút thì kéo các lồng cá ra lại ngoài sông. Cứ vậy mà nhiều đêm tui cứ phải thức trắng đêm, lo âu nhìn theo con nước để bảo vệ tài sản của mình”, anh Trần Đức Công cho hay.

Thành lập Tổ hợp tác nuôi cá lồng.

Ông Nguyễn Ngọc Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) cho hay, vào đầu tháng 11.2014 Tổ hợp tác nuôi cá lồng trên sông Trà tại Tịnh Sơn được thành lập với 26 thành viên. Ngoài việc thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, giúp đỡ những hộ nghèo, khó khăn vươn lên, thì Tổ hợp tác còn có mục đích phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường; đăng ký thương hiệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, giữ vững nghề truyền thống của địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Heo Bằng Kỹ Thuật Sử Dụng Đệm Lót Lên Men Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Heo Bằng Kỹ Thuật Sử Dụng Đệm Lót Lên Men

Kết quả thí nghiệm cho thấy: 15 con heo dùng nuôi trong thí nghiệm đều tăng trọng tốt. Heo nuôi ở chuồng có hầm ủ biogas tăng trọng cao nhất (108,6 kg/con) kế đến là đối chứng (99 kg/con), thấp nhất là heo nuôi trên đệm lót sinh thái (97,1 kg/con). Khử mùi khí NH3 và H2S tốt nhất thuộc về nghiệm thức nuôi bằng đệm lót sinh thái, khả năng phòng bệnh ở mô hình nuôi trên đệm lót sinh thái cũng tốt, heo không bị bệnh và cho hiệu quả kinh tế, kế đến là biogas và đối chứng - anh Phong phấn khởi.

29/10/2013
Toàn Tỉnh Có Hơn 3.100 Hộ Nuôi Ong Mật Toàn Tỉnh Có Hơn 3.100 Hộ Nuôi Ong Mật

Nuôi ong quy mô hộ gia đình là nghề truyền thống ở tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.100 hộ với 15.582 đàn ong nuôi đang được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế.

29/10/2013
Cần Thận Trọng Cho Vụ Nuôi Mới Cần Thận Trọng Cho Vụ Nuôi Mới

Viện Nuôi trồng Thủy sản II đưa ra lời cảnh báo nguy cơ dịch bệnh từ con số thiệt hại 30% ở vụ nuôi 2013 và khuyến cáo người nuôi chỉ nên nuôi với mật độ thưa, chọn con giống tốt, sạch bệnh, nuôi an toàn sinh học và nên có thời gian cho đất nghỉ ngơi để cắt mầm bệnh. Theo Trung tâm Thú y vùng VII, việc công bố kết quả tìm ra tác nhân gây hội chứng EMS chỉ mới là bước đầu. Các nghiên cứu tiếp theo để tìm ra cơ chế gây bệnh, giải pháp phòng trị vẫn đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu. Hy vọng đến cuối năm nay sẽ có kết quả tốt.

30/10/2013
Phát Triển Đàn Bò Lai Phát Triển Đàn Bò Lai

Hành Tín Đông (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) là một trong những xã có tỷ lệ đàn bò lai lớn nhất tỉnh, với 75% so với tổng đàn. Nuôi bò lai sinh sản đã có lãi, một số hộ còn chuyển sang nuôi bò lai vỗ béo nên thu nhập càng cao.

30/10/2013
Chế Biến Cá Khô - Nỗi Trăn Trở Vươn Xa Chế Biến Cá Khô - Nỗi Trăn Trở Vươn Xa

sinh thực phẩm. Vấn đề hiện nay là cần sự hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tạo sự đồng bộ và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Mặc dù đã có tiếng tăm về uy tín, chất lượng sản phẩm nhưng cá khô của làng nghề vẫn chưa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hoặc vào hệ thống các siêu thị.

31/10/2013