Bắc Kạn Triển Vọng Chăn Nuôi Thỏ Quy Mô Nông Hộ
Nuôi thỏ là một nghề rất mới với người dân miền núi, tuy nhiên với quy trình chăn nuôi khép kín từ cung ứng giống, tập huấn khoa học kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm cho người dân, mô hình chăn nuôi thỏ quy mô nông hộ do Công ty cổ phần thương mại và sản xuất thực phẩm Hà Nội đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người nông dân.
Năm 2013 Công ty Cổ phần thương mại (CPTM) và sản xuất thực phẩm Hà Nôi được tỉnh Bắc Kạn phê duyệt dự án xây dựng mô hình chăn nuôi thỏ nông hộ hướng phát triển bền vững và xoá đói, giảm nghèo nhanh tại tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2013 – 2014.
Dự án có tổng vốn đầu tư 3,6 tỷ đồng tài trợ bởi Quỹ xúc tiến đầu tư kinh doanh nông, lâm nghiệp APIF thuộc dự án 3PAD với quy mô 1.500 con tại huyện Ba Bể và Pác Nặm.
Thực hiện mô hình, dự án 3PAD đã trực tiếp phối hợp với công ty CPTM và sản xuất thực phẩm Hà Nội lựa chọn được 136 hộ tham gia, trực tiếp hướng dẫn từng hộ gia đình cách làm chuồng trại, tổ chức 32 buổi tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng thỏ tại 6 xã, đồng thời cấp phát giống thỏ cho người dân, trung bình mỗi hộ được cấp 10 con. Thời gian đầu mới triển khai mô hình do các hộ dân chưa nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi, kết hợp điều kiện thời tiết lạnh giá nên thỏ bị chết nhiều.
Ngay sau đó, Nhóm APIF cùng cán bộ kỹ thuật công ty đến từng hộ kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn để đảm bảo việc chăn nuôi đạt hiệu quả, phía công ty cũng tổ chức các đợt thăm khám, tiêm phòng, hỗ trợ khoa học kỹ thuật tại chỗ cho bà con trong vòng 45 ngày và cấp bổ sung thỏ cho bà con.
Chị Thang Thanh Hoa – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Công ty CPTM và sản xuất thực phẩm Hà Nội cho biết: Cũng như một số tỉnh miền núi khác, Bắc Kạn có điều kiện phù hợp cho việc chăn nuôi thỏ Newzealand. Nuôi thỏ đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn nhanh, chỉ cần mua giống một lần có thể tự nhân đàn, trừ chi phí 1 con thỏ sẽ cho lãi 150 nghìn đồng, cao hơn nhiều so với nuôi gà, lợn. Trong khi đó, thỏ ít bị bệnh, ăn ít, có thể tận dụng thức ăn sẵn có tại gia đình. Tuy nhiên, cũng như cả nước, tại tỉnh, việc chăn nuôi thỏ còn nhỏ lẻ, manh mún.
Sau những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, dự án chăn nuôi thỏ quy mô nông hộ triển khai tại 2 huyện Ba Bể và Pác Nặm cho thấy tỷ lệ sống trên 80% con giống bình quân tổng đàn sau 1 tháng kể từ ngày cấp giống và tỷ lệ sống đạt trên 93% tổng đàn sau khi được cấp bổ sung là một kết quả khả quan về triển vọng của mô hình này, cho đến nay đã có nhiều hộ thỏ trưởng thành, thích nghi và sinh sản, tổng đàn thỏ con đã lên tới 200 con.
Chị Nông Thị Tới – thôn Khuổi Luồm, xã Yến Dương vui vẻ cho biết: Hiện tại đàn thỏ của gia đình chị đã có 6 con sinh sản với hơn 40 con thỏ con. Mỗi ngày chị chỉ mất khoảng 1 – 2h để vệ sinh chuồng trại và cho thỏ ăn, chuồng trại trong chăn nuôi thỏ khá đơn giản, có thể tận dụng được tre, nứa, gỗ để làm. Dự kiến sau khi tách đàn gia đình chị sẽ làm chuồng trại trên ao cá để chăn nuôi thỏ, kết hợp với thả cá.
Còn gia đình Ông Lục Văn Đuông, thôn Nà Ngò, xã Mỹ Phương, Ba Bể lại kết hợp với 5 hộ khác để chăn nuôi thỏ tập trung, các hộ sẽ thay phiên nhau chăm sóc cho đàn thỏ. Ông Đuông chia sẻ: Nuôi tập trung như thế này vừa kiểm soát được dịch bệnh và chăm sóc thuận tiện hơn, sau khi thỏ sinh sản và phát triển ổn định chúng tôi sẽ tách và nhân rộng ra các hộ còn lại.
Theo ông Lung đây là một mô hình có nhiều ưu điểm như: tận dụng được tối đa nguồn thức ăn sẵn có là các loại rau, cỏ dại tại địa phương, ít dịch bệnh, quay vòng vốn nhanh. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư chăn nuôi thỏ không quá tốn kém, phù hợp quy mô chăn nuôi của đại đa số nông hộ.
Không giống những dự án hỗ trợ cho người nghèo khác là chỉ cho không mà khi tham gia mô hình của dự án các hộ dân phải đối ứng bằng tiền hoặc công lao động để làm chuồng trại chăn nuôi.
Một mặt sẽ gắn được quyền lợi và trách nhiệm với người dân, để người dân tích cực học hỏi kỹ thuật chăn nuôi thỏ, tạo thành một nghề ổn định, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, đồng thời đảm bảo có sản phẩm kinh doanh ổn định cho phía doanh nghiệp.
Chắc chắn đã có không ít người tìm hiểu về loài vật nuôi này nhưng còn e dè vì đầu ra của sản phẩm, đầu tư chăn nuôi. Bởi lâu nay cái vòng luẩn quẩn “được mùa, rớt giá” với nông dân vẫn chưa thể giải quyết.
Thế nhưng, với sự kết nối của dự án 3PAD và Công ty CPTM và sản xuất thực phẩm Hà Nội, việc phát triển kinh tế từ nuôi thỏ là rất có triển vọng khi các món ăn chế biến từ thỏ ngày càng được khách hàng ưa chuộng, công ty tiêu thụ toàn bộ thỏ thương phẩm của người chăn nuôi. Những kết quả mà mô hình đang triển khai đã chứng tỏ đây mà một hướng làm kinh tế mới, có nhiều triển vọng, giúp nông dân thoát nghèo.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên cá tra trong nước nói chung và ở Tiền Giang nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, phổ biến nhất là bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con nông dân.
Là thị trường tiêu thụ chính của thanh long Việt Nam, nhưng với tốc độ đầu tư triển khai trồng đại trà với quy mô lớn, Trung Quốc có thể trở thành nước cạnh tranh về diện tích lẫn sản lượng với thanh long VN.
Ngày 12- 11, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản phối hợp Công ty Cổ phần TCSH Vĩnh Thịnh tổ chức tập huấn kỹ thuật “Nuôi tôm bền vững và tiếp cận mô hình VietGAP trong nuôi tôm thẻ chân trắng” cho 55 học viên là nông dân thôn Từ Thiện (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận).
Hiện nay phong trào nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa đang phát triển rất mạnh ở Cần Thơ, tập trung ở các huyện như Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn. Ông Nguyễn Hữu Huynh, ở P. Thới Hòa, Q. Ô Môn cho biết, với 2 ha mặt nước ruộng chuyên nuôi tôm luân canh trên nền đất lúa, mỗi vụ cho thu hoạch bình quân 1,6 tấn, lợi nhuận 90 - 100 triệu đồng. Lợi nhuận nuôi tôm càng xanh gấp đôi trồng lúa. Ngoài ra, mô hình luân canh này bền vững, giúp giảm lượng phân bón sử dụng cho lúa, tăng năng suất lúa, đồng thời giảm được lượng mùn bã hữu cơ và góp phần ngăn chặn dịch bệnh trên tôm nuôi.
Từ giữa tháng 8/2013, Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương (TW), đến đầu tháng 10, kết quả kiểm tra cho thấy tình hình dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản quan trọng, đặc biệt là tôm nuôi nước lợ tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2012, nhưng vẫn còn xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại ở nhiều địa phương.