Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bắc Kạn Nâng Cao Chất Lượng Vùng Cây Ăn Quả Ở Bạch Thông

Bắc Kạn Nâng Cao Chất Lượng Vùng Cây Ăn Quả Ở Bạch Thông
Ngày đăng: 22/09/2014

Bạch Thông (Bắc Kạn) là địa phương có diện tích trồng cây cam, quýt lớn với khoảng hơn 1.000ha. Đây là thế mạnh của huyện trong việc phát triển sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Do vậy, để diện tích trồng cây ăn quả ngày càng phát triển bền vững, Bạch Thông đã và đang quan tâm triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nhân dân về giống, trình độ kỹ thuật thâm canh…

Làm giàu từ trồng cây ăn quả

Trước đây, cây cam, quýt chỉ được trồng tại 3 xã nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh là Quang Thuận, Đôn Phong, Dương Phong, nhưng đến nay đã được mở rộng ra các xã là Sỹ Bình, Cao Sơn và Tú Trĩ, Phương Linh với tổng diện tích khoảng hơn 1.000ha, trong đó có 700ha đã cho thu hoạch.

Được biết, trước đây diện tích trồng cam, quýt ở Bạch Thông vốn chỉ mang tính tự phát, nông dân chỉ trồng bằng hạt, bằng cành với diện tích khoảng 300ha. Nhận thấy, đây là cây trồng thích nghi với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của vùng nên huyện Bạch Thông đã có chủ trương phát triển cây cam, quýt trở thành cây trồng chủ lực giúp nhân dân xóa nghèo.

Theo đó, nhiều năm nay với tổng số vốn hàng tỷ đồng huyện đã đầu tư hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật cho nông dân, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng đưa giống cây quýt ghép mắt, ghép cành vào trồng bởi ưu điểm của giống quýt ghép là rút ngắn thời gian cho thu hoạch, năng suất,chất lượng quả được nâng cao.

Do triển khai hiệu quả các chương trình, dự án nên diện tích cây cam, quýt của toàn huyện không ngừng được mở rộng, sản lượng tăng lên, chất lượng dần đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Hiện nay cam, quýt đã được cấp chỉ dẫn địa lý nên thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Ở các xã Quang Thuận, Đôn Phong, Dương Phong - “vựa quýt” của huyện, sản lượng cam, quýt hằng năm của huyện Bạch Thông đạt khoảng 6.000 tấn, giá trị kinh tế đạt trên 60 tỷ đồng, có hộ thu được 100 tấn quýt, đem lại thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi vụ.

Vào vụ thu hoạch, cam, quýt được vận chuyển nườm nượp từ các vườn, đồi về nơi tập kết bán cho các tư thương rồi vận chuyển đi thị trường các tỉnh miền xuôi như Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội.

Dương Phong là xã nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây ăn quả cam, quýt của tỉnh và huyện vì vậy những năm qua chính quyền xã tập trung lãnh đạo nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh, quy hoạch quỹ đất dành riêng cho trồng cam, quýt. Việc thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông hộ đã góp phần đưa diện tích cây cam, quýt tăng theo từng năm.

Đến nay toàn xã có gần 400ha, tổng sản lượng hằng năm đạt 1.000 tấn, giá trị kinh tế đạt 10 tỷ đồng. Người dân đã tập trung đầu tư, chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa nên nhiều nông hộ có thu nhập ổn định từ 100 đến 300 triệu đồng mỗi vụ, tiêu biểu như hộ ông Bàn Văn Lợi, Nguyễn Thanh Hà ở thôn Khuổi Cò, Bàn Văn Liều ở thôn Bản Mún I…

Với nguồn thu nhập từ trồng cây ăn quả nhiều hộ đã xây được nhà mới, mua sắm được trang thiết bị sinh hoạt đắt tiền, nâng cao đời sống, bình quân mỗi năm xã giảm 4,5% hộ nghèo, diện mạo nông thôn đổi thay từng ngày.

Gia đình ông Lộc Văn Ninh ở thôn Nà Thoi là một trong những hộ đi đầu về trồng cam, quýt ở xã Quang Thuận, hiện nhà ông có 2ha với hơn 1.000 cây cam, quýt. Vụ quýt năm 2013 gia đình ông thu về 30 tấn quả, thu nhập đạt khoảng 300 triệu đồng. Nhờ cây quýt mà ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang là một trong những hộ có kinh tế khá giả của thôn.

Có thể nói nhờ cây cam, quýt mà hàng trăm nông hộ trên địa bàn huyện đã có thu nhập ổn định, không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Nâng cao chất lượng cây ăn quả cam, quýt

Có thể khẳng định rằng, nhiều năm nay cây ăn quả cam, quýt đã trở thành cây trồng mũi nhọn, chủ lực giúp cho nông dân huyện Bạch Thông thoát nghèo, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, trên thực tế làm sao để việc phát triển cây ăn quả đặc sản này trở nên bền vững, chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường tiêu thụ vẫn là vấn đề đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân vùng trồng quýt.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Trong- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bạch Thông, để nâng cao chất lượng cây ăn quả cam, quýt thì từ huyện, cơ quan chức năng và người dân cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, bên cạnh việc chọn vùng đất với khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để quy hoạch thành vùng chuyên canh thì ngay từ khâu đầu tiên cần phải chọn cây giống có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao và sạch bệnh.

Đặc biệt là sử dụng giống đầu dòng để ghép mắt, ghép cành thay thế cho phương pháp triết cành truyền thống, khai thác ưu thế của phương pháp này đó là sử dụng gốc bưởi để ghép nên cây có bộ rễ khỏe, có thể sống trên diện tích đất cằn cỗi, thời gian cho thu hoạch sớm 4 năm, thời gian bói quả và cho thu hoạch được lâu khoảng 10 năm, chất lượng quả tốt hơn, năng suất cao.

Vấn đề thu hoạch cũng cần được quan tâm để nâng cao giá trị của quả cam, quýt, thực tế cho thấy khi thu hoạch nông dân không cẩn thận để quả bị dập, vỏ bị thâm, trầy xước cũng làm giảm đi giá trị của sản phẩm, khi thu mua đương nhiên sẽ bị loại. Vì vậy công tác tập huấn về bảo quản sau thu hoạch cũng đã được phòng chuyên môn triển khai đến tận người dân.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Trong, hiện nay tình trạng người dân sử dụng phân bón hóa học trong quá trình chăm sóc với một thời gian dài đã khiến cho đất đai bị chai cứng, bạc màu, mất khả năng sản xuất dẫn đến sâu bệnh ngày càng phát triển mạnh và rất khó phòng ngừa.

Đơn cử, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 50ha cây cam, quý già cỗi, thoát hóa, chất lượng và mẫu mã quả không đạt yêu cầu, nếu chặt đi trồng mới cũng không hiệu quả vì vậy huyện đã có chủ trương đưa cây hồng không hạt vào trồng thay thế những diện tích đã bị già cỗi.

Vì vậy huyện đã tuyên truyền, khuyến cáo người trồng quýt nên ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, những chế phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên để chăm bón cho cây, giúp cải tạo đất, nâng cao chất lượng quả. Đi đôi với đó là đẩy mạnh công tác tập huấn về phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả cam, quýt cho nông hộ.

Được biết, hiện nay tỉnh đã có Dự án trồng cây cam, quýt theo quy trình của VietGap và đã triển khai tập huấn kỹ thuật cho nhân dân các xã nằm trong vùng quy hoạch của huyện. Đây là hướng đi mới nhằm giúp nông hộ tiếp cận với phương thức canh tác mới, hiện đại, nâng cao giá trị nông sản tiến tới ổn định về chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Thiết nghĩ nếu như chính quyền địa phương, ngành chức năng và nhân dân có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện thành công theo mô hình VietGap không những góp phần nâng cao giá trị nông sản hàng hóa mà còn giảm tình trạng mở rộng diện tích rồi lại phá bỏ để trồng cây khác như đã từng xảy ra.


Có thể bạn quan tâm

Làm Gì Để “Vực” Nghề Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Ở Quảng Trị? Làm Gì Để “Vực” Nghề Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Ở Quảng Trị?

Bao đời nay đời sống của người dân tại các vùng ven biển Quảng Trị nói chung và xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong nói riêng chủ yếu dựa vào nghề biển. Từ năm 2008, khi phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng rộ lên với nhiều gia đình trúng tiền tỷ từ con tôm thì giấc mơ đổi đời từ tôm đã có sức hút mạnh mẽ đối với người dân. Nhiều gia đình đã bỏ nghề đi biển để đầu tư tiền bạc, công sức vào nuôi tôm. Tuy nhiên, phần lớn người nuôi tôm cũng chỉ trúng vài vụ đầu, đến nay do dịch bệnh tràn lan đã khiến hàng trăm hộ gia đình nơi đây lâm vào cảnh nợ nần.

14/11/2012
Trang Trại Chăn Nuôi Heo Rừng Có Hiệu Quả Ở Bình Định Trang Trại Chăn Nuôi Heo Rừng Có Hiệu Quả Ở Bình Định

Vốn đầu tư không nhiều; thị trường rất tiềm năng; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đơn giản; rủi ro ít, thức ăn tiêu tốn chỉ bằng 1/3 heo nhà… Đó là những lợi thế vượt trội của việc nuôi heo rừng hiện nay. Ông Nguyễn Văn Bồng, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn (Bình Định) cho biết như vậy.

14/11/2012
Giàu Lên Từ Trang Trại Chăn Nuôi Heo Siêu Nạc Ở Dak Lak Giàu Lên Từ Trang Trại Chăn Nuôi Heo Siêu Nạc Ở Dak Lak

Từng gắn bó với cây cà phê hơn 15 năm nhưng nhìn đi nhìn lại số tiền thu được cũng chỉ đủ trang trải các chi phí sinh hoạt, nuôi con ăn học, có lúc còn rơi vào cảnh nợ nần khi giá cà phê xuống thấp. Sau nhiều lần trăn trở, bàn tính, năm 2006, vợ chồng anh Nguyễn Gia Thiện ở thôn 9 (xã Ea Riêng, huyện MDrak, tỉnh Dak Lak) quyết định chuyển đổi hướng phát triển kinh tế sang chăn nuôi heo siêu nạc.

17/11/2012
Lận Đận Với Cá Tra Ở Hậu Giang Lận Đận Với Cá Tra Ở Hậu Giang

Từ tháng 4-2012 đến nay, cá tra nguyên liệu liên tục rớt giá thảm hại, thậm chí xuống dưới mức giá thành sản xuất làm cho người nuôi cá tra rơi vào tình cảnh khốn khó triền miên.

21/11/2012
Nhân Giống Lúa, Lợi Nhuận Gấp Đôi Ở An Giang Nhân Giống Lúa, Lợi Nhuận Gấp Đôi Ở An Giang

Nông dân Trần Thái Hưng (tư Hưng, ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là người đã thành công với mô hình nhân lúa giống xác nhận 1 và thu lợi nhuận gấp đôi so với việc sản xuất lúa hàng hóa.

21/11/2012