Tăng Tính Bền Vững Trong Phát Triển Nuôi Tôm Công Nghiệp
Đầm Dơi là huyện có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất tỉnh Cà Mau. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, những năm qua, cấp ủy và UBND huyện, xã, thị trấn có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, sát thực tế, ngành chuyên môn tích cực tổ chức thực hiện, nhân dân có quyết tâm cao nên diện tích phát triển nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện không ngừng tăng lên.
Cụ thể, tổng diện tích phát triển qua các năm: Năm 2011 là 1.659ha, năm 2012 là 2.210ha, năm 2013 là 2.231ha, đến tháng 3-2014 là 2.601ha.
Tình hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN) trên địa bàn huyện thời gian qua gặp một số khó khăn: Cơ sở hạ tầng phục vụ cho NTCN còn yếu kém; dịch bệnh trên tôm nuôi công nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; việc người dân tự phát nuôi ngoài vùng quy hoạch, gây khó khăn cho công tác quản lý vùng nuôi, quản lý môi trường, nhiều hộ nuôi áp dụng quy trình kỹ thuật chưa tốt, thậm chí có hộ chưa lần nào được tập huấn kỹ thuật cũng tham gia nuôi tôm theo phong trào; giá cả một số nguyên liệu, vật tư phục vụ phát triển NTCN biến động theo chiều hướng tăng hàng năm, giá tôm đang có diễn biến không thuận lợi…
Tuy nhiên, nhìn chung tình hình NTCN trên địa bàn huyện Đầm Dơi 6 tháng cuối năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 có nhiều thuận lợi, dịch bệnh trên tôm nuôi từng bước được kiểm soát và khắc phục, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn đạt hiệu quả khá cao, có hộ nuôi tôm thẻ chân trắng đạt năng suất trên 10 tấn/ha/vụ, có hộ nuôi tôm sú đạt lợi nhuận 5 - 7 tỷ đồng, sản lượng tôm nguyên liệu tăng đáng kể, lợi nhuận tương đối cao, diện tích NTCN không ngừng được mở rộng.
Tỷ lệ hộ thành công nâng lên, tỷ lệ hộ bị thiệt hại giảm nhiều. Theo nhận định của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi, nếu giá tôm nguyên liệu trong thời gian tới diễn biến không xấu hơn hiện nay, thì diện tích NTCN có khả năng mở rộng nhiều hơn nữa.
Để tìm quy trình kỹ thuật tốt hơn, huyện tổ chức tổng kết các mô hình nuôi hiệu quả để phổ biến kinh nghiệm cho người nuôi, đồng thời liên hệ với các cơ quan chuyên ngành hỗ trợ, trong đó có Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) xây dựng và thực hiện thành công Dự án sản xuất thử nghiệm Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tại xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, theo một số công nghệ và tiêu chí mới so với thực tế đang áp dụng trong dân.
Mục tiêu của dự án là ứng dụng một số tiêu chí của quy trình VietGAP trong nuôi tôm thẻ chân trắng, với quy mô 1,2ha mặt nước nuôi, mật độ 70 con/m2, trọng lượng trung bình thu hoạch 50 - 60 con/kg, đạt năng suất 10 tấn/ha/vụ. Mô hình đã kết thúc vào giữa tháng 3-2014 cho kết quả vượt hơn mục tiêu đặt ra.
Mô hình thực hiện được triển khai 3 ao, diện tích mặt nước 11.000m2, tại hộ bà Nguyễn Thị Huệ ở ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh. Sau khi thả giống 100 ngày thu hoạch được 16 tấn, loại tôm 44 con/kg, quy đổi năng suất 14,5 tấn/ha/vụ, lãi suất đạt trên 50%. So với thời gian hộ nuôi trước kia chưa áp dụng một số tiêu chí của quy trình VietGAP thì 3 ao và diện tích này chỉ đạt dưới 6 tấn/ha/vụ, lãi suất dưới 50%.
Sự phấn khởi không chỉ có bà Nguyễn Thị Huệ mà những người nuôi tôm đều có niềm vui chung vì bài toán khó gây trăn trở bấy lâu đã có lời giải bước đầu, huyện cũng thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm quy trình nuôi tôm tốt hơn để phục vụ mục tiêu phát triển tôm công nghiệp.
Để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, hiệu quả kinh tế và tính bền vững, huyện Đầm Dơi đang tích cực tập trung chỉ đạo các vấn đề lớn. Đầu tiên là đẩy mạnh công tác quy hoạch, rà soát điều chỉnh hợp lý vùng NTCN cho phù hợp với các điều kiện tự nhiên và xã hội, không phân biệt đối tượng tôm nuôi, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành quy hoạch, hạn chế thấp nhất hiện tượng tự phát hiện nay. Cuộc vận động này đòi hỏi vai trò gương mẫu của đảng viên, cán bộ hết sức quan trọng, các đoàn thể có trách nhiệm đối với hội viên của mình.
Bên cạnh đó, xây dựng kết cấu hạ tầng; huy động các nguồn vốn, trong đó vốn ngân sách nhà nước giữ vai trò hỗ trợ; ưu tiên vùng được quy hoạch, có nhiều hộ nuôi và nhu cầu bức thiết về hạ tầng, hạng mục đầu tư ưu tiên là điện và cấp thoát nước. Đầu tư gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Về kỹ thuật, tập huấn, tập huấn lại, hội thảo mô hình… làm cho tay nghề người nuôi ngày càng tốt. Bố trí cán bộ kỹ thuật theo dõi sát tình hình diễn biến vùng nuôi, ngoài việc giúp người nuôi về kỹ thuật cơ bản còn hướng dẫn ứng phó với những biến cố nếu có. Kịp thời tổng kết các điển hình hiệu quả, các quy trình kỹ thuật tiên tiến, phối hợp với các cơ quan khoa học chuyên ngành thủy sản trong và ngoài tỉnh xây dựng các mô hình nhằm hướng dẫn trực quan và tổng kết bổ sung lý thuyết trong giảng dạy.
Làm tốt công tác quản lý cộng đồng. Có các tổ chức tập hợp người nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể như câu lạc bộ, tổ hợp tác sản xuất…, tùy từng tổ chức mà tổ viên tự giác cùng xây dựng quy chế hoặc quy định cụ thể như xử lý ô nhiễm, trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm, lịch thời vụ, hỗ trợ nhau về vốn, lao động, cùng bảo vệ an ninh…
Trong khâu dịch vụ, cần tổ chức tốt dịch vụ đầu vào: Tôm giống, thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm… không thiếu, cái đáng lo là chất lượng và giá cả, việc này cơ quan quản lý hết sức cố gắng, song quan trọng nhất là người nuôi tôm thông qua hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, những người có kinh nghiệm để rèn luyện kỹ năng cho mình để chọn được sản phẩm tốt nhất, phù hợp nhất. Dịch vụ đầu ra thì khuyến khích các doanh nghiệp, thương lái thu mua và cạnh tranh lành mạnh là điều kiện có lợi cho người nuôi tôm.
Dù đạt những kết quả nhất định, song việc phát triển diện tích NTCN vẫn còn khó khăn, khó nhất là hiệu quả chưa đều, tính ăn chắc chưa cao, môi trường và sự bền vững còn nhiều vấn đề. Đảng bộ huyện Đầm Dơi đang cùng người nuôi tôm tích cực tìm kiếm những lời giải cho các câu hỏi còn để ngỏ.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 20 năm chuyển dịch cơ cấu SX, tỉnh Sóc Trăng đã quy hoạch vùng nuôi tôm nước lợ phù hợp với điều kiện sinh thái, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Dồn điền đổi thửa được coi là một “cuộc cách mạng” về ruộng đất, tạo nền móng quan trọng cho việc tổ chức lại SX, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi,...
Theo kế hoạch đăng ký, huyện Yên Định phấn đấu đầu năm 2016 có 21 xã đạt chuẩn và trở thành huyện đầu tiên ở xứ Thanh đạt huyện NTM.
Đến nay, các xã trên đều đã thực hiện xong 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống người dân được nâng lên...
Phú Lộc (huyện Tam Bình) là xã thuần nông và nằm ngoài 22 xã điểm xây dựng NTM (giai đoạn năm 2010-2015) của tỉnh Vĩnh Long...