Bắc Kạn Nâng Cao Chất Lượng Vùng Cây Ăn Quả Ở Bạch Thông
Bạch Thông (Bắc Kạn) là địa phương có diện tích trồng cây cam, quýt lớn với khoảng hơn 1.000ha. Đây là thế mạnh của huyện trong việc phát triển sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Do vậy, để diện tích trồng cây ăn quả ngày càng phát triển bền vững, Bạch Thông đã và đang quan tâm triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nhân dân về giống, trình độ kỹ thuật thâm canh…
Làm giàu từ trồng cây ăn quả
Trước đây, cây cam, quýt chỉ được trồng tại 3 xã nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh là Quang Thuận, Đôn Phong, Dương Phong, nhưng đến nay đã được mở rộng ra các xã là Sỹ Bình, Cao Sơn và Tú Trĩ, Phương Linh với tổng diện tích khoảng hơn 1.000ha, trong đó có 700ha đã cho thu hoạch.
Được biết, trước đây diện tích trồng cam, quýt ở Bạch Thông vốn chỉ mang tính tự phát, nông dân chỉ trồng bằng hạt, bằng cành với diện tích khoảng 300ha. Nhận thấy, đây là cây trồng thích nghi với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của vùng nên huyện Bạch Thông đã có chủ trương phát triển cây cam, quýt trở thành cây trồng chủ lực giúp nhân dân xóa nghèo.
Theo đó, nhiều năm nay với tổng số vốn hàng tỷ đồng huyện đã đầu tư hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật cho nông dân, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng đưa giống cây quýt ghép mắt, ghép cành vào trồng bởi ưu điểm của giống quýt ghép là rút ngắn thời gian cho thu hoạch, năng suất,chất lượng quả được nâng cao.
Do triển khai hiệu quả các chương trình, dự án nên diện tích cây cam, quýt của toàn huyện không ngừng được mở rộng, sản lượng tăng lên, chất lượng dần đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.
Hiện nay cam, quýt đã được cấp chỉ dẫn địa lý nên thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Ở các xã Quang Thuận, Đôn Phong, Dương Phong - “vựa quýt” của huyện, sản lượng cam, quýt hằng năm của huyện Bạch Thông đạt khoảng 6.000 tấn, giá trị kinh tế đạt trên 60 tỷ đồng, có hộ thu được 100 tấn quýt, đem lại thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi vụ.
Vào vụ thu hoạch, cam, quýt được vận chuyển nườm nượp từ các vườn, đồi về nơi tập kết bán cho các tư thương rồi vận chuyển đi thị trường các tỉnh miền xuôi như Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội.
Dương Phong là xã nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây ăn quả cam, quýt của tỉnh và huyện vì vậy những năm qua chính quyền xã tập trung lãnh đạo nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh, quy hoạch quỹ đất dành riêng cho trồng cam, quýt. Việc thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông hộ đã góp phần đưa diện tích cây cam, quýt tăng theo từng năm.
Đến nay toàn xã có gần 400ha, tổng sản lượng hằng năm đạt 1.000 tấn, giá trị kinh tế đạt 10 tỷ đồng. Người dân đã tập trung đầu tư, chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa nên nhiều nông hộ có thu nhập ổn định từ 100 đến 300 triệu đồng mỗi vụ, tiêu biểu như hộ ông Bàn Văn Lợi, Nguyễn Thanh Hà ở thôn Khuổi Cò, Bàn Văn Liều ở thôn Bản Mún I…
Với nguồn thu nhập từ trồng cây ăn quả nhiều hộ đã xây được nhà mới, mua sắm được trang thiết bị sinh hoạt đắt tiền, nâng cao đời sống, bình quân mỗi năm xã giảm 4,5% hộ nghèo, diện mạo nông thôn đổi thay từng ngày.
Gia đình ông Lộc Văn Ninh ở thôn Nà Thoi là một trong những hộ đi đầu về trồng cam, quýt ở xã Quang Thuận, hiện nhà ông có 2ha với hơn 1.000 cây cam, quýt. Vụ quýt năm 2013 gia đình ông thu về 30 tấn quả, thu nhập đạt khoảng 300 triệu đồng. Nhờ cây quýt mà ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang là một trong những hộ có kinh tế khá giả của thôn.
Có thể nói nhờ cây cam, quýt mà hàng trăm nông hộ trên địa bàn huyện đã có thu nhập ổn định, không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Nâng cao chất lượng cây ăn quả cam, quýt
Có thể khẳng định rằng, nhiều năm nay cây ăn quả cam, quýt đã trở thành cây trồng mũi nhọn, chủ lực giúp cho nông dân huyện Bạch Thông thoát nghèo, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, trên thực tế làm sao để việc phát triển cây ăn quả đặc sản này trở nên bền vững, chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường tiêu thụ vẫn là vấn đề đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân vùng trồng quýt.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Trong- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bạch Thông, để nâng cao chất lượng cây ăn quả cam, quýt thì từ huyện, cơ quan chức năng và người dân cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, bên cạnh việc chọn vùng đất với khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để quy hoạch thành vùng chuyên canh thì ngay từ khâu đầu tiên cần phải chọn cây giống có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao và sạch bệnh.
Đặc biệt là sử dụng giống đầu dòng để ghép mắt, ghép cành thay thế cho phương pháp triết cành truyền thống, khai thác ưu thế của phương pháp này đó là sử dụng gốc bưởi để ghép nên cây có bộ rễ khỏe, có thể sống trên diện tích đất cằn cỗi, thời gian cho thu hoạch sớm 4 năm, thời gian bói quả và cho thu hoạch được lâu khoảng 10 năm, chất lượng quả tốt hơn, năng suất cao.
Vấn đề thu hoạch cũng cần được quan tâm để nâng cao giá trị của quả cam, quýt, thực tế cho thấy khi thu hoạch nông dân không cẩn thận để quả bị dập, vỏ bị thâm, trầy xước cũng làm giảm đi giá trị của sản phẩm, khi thu mua đương nhiên sẽ bị loại. Vì vậy công tác tập huấn về bảo quản sau thu hoạch cũng đã được phòng chuyên môn triển khai đến tận người dân.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Trong, hiện nay tình trạng người dân sử dụng phân bón hóa học trong quá trình chăm sóc với một thời gian dài đã khiến cho đất đai bị chai cứng, bạc màu, mất khả năng sản xuất dẫn đến sâu bệnh ngày càng phát triển mạnh và rất khó phòng ngừa.
Đơn cử, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 50ha cây cam, quý già cỗi, thoát hóa, chất lượng và mẫu mã quả không đạt yêu cầu, nếu chặt đi trồng mới cũng không hiệu quả vì vậy huyện đã có chủ trương đưa cây hồng không hạt vào trồng thay thế những diện tích đã bị già cỗi.
Vì vậy huyện đã tuyên truyền, khuyến cáo người trồng quýt nên ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, những chế phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên để chăm bón cho cây, giúp cải tạo đất, nâng cao chất lượng quả. Đi đôi với đó là đẩy mạnh công tác tập huấn về phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả cam, quýt cho nông hộ.
Được biết, hiện nay tỉnh đã có Dự án trồng cây cam, quýt theo quy trình của VietGap và đã triển khai tập huấn kỹ thuật cho nhân dân các xã nằm trong vùng quy hoạch của huyện. Đây là hướng đi mới nhằm giúp nông hộ tiếp cận với phương thức canh tác mới, hiện đại, nâng cao giá trị nông sản tiến tới ổn định về chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường tiêu thụ.
Thiết nghĩ nếu như chính quyền địa phương, ngành chức năng và nhân dân có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện thành công theo mô hình VietGap không những góp phần nâng cao giá trị nông sản hàng hóa mà còn giảm tình trạng mở rộng diện tích rồi lại phá bỏ để trồng cây khác như đã từng xảy ra.
Related news
Chính sách phát triển thủy sản không chỉ là chuyện cơm áo gạo tiền của ngư dân, mà còn tiếp sức cho họ vững tin khi là những cột mốc chủ quyền trên các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng để những chính sách ấy có sức sống và là “bà đỡ” của ngư dân thì tiền thôi, chưa đủ.
Với phương châm kinh doanh cùng nông dân và mục tiêu hướng đến nông nghiệp-nông thôn nên Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị đã chủ động xây dựng Nhà máy chế biến nông sản Đông Hà với nhiệm vụ thu mua, chế biến, quảng bá và kinh doanh các loại nông sản của tỉnh; Nhà máy sản xuất phân vi sinh Hướng Hoá với giá rẻ, thích hợp nhiều loại cây trồng và Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân trồng sắn ở vùng miền núi.
Một trong những tiêu chí về nông thôn mới là thu nhập. Thu nhập bình quân đầu người/năm phải cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của tỉnh. Muốn tăng nhanh mức thu nhập của hộ nông dân và tạo nhiều việc làm ở nông thôn thì một trong những giải pháp hữu hiệu nhất là mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ KHKT để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.
Từ nay đến cuối năm là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp tăng tốc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản, bởi nhu cầu trên thụ trên thế giới tăng cao. Hiện giá cá tra phi lê xuất sang thị trường châu Á đang nhích lên khoảng 2,5- 2,6 USD/kg, từ đó kéo giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL tăng lên từ 23.500- 24.000 đồng/kg, đảm bảo cho người nuôi có lãi.
Ngồi nhẩn nha uống trà ở trụ sở UBND xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), anh Mai Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã đã cho chúng tôi biết: Trong những năm gần đây, đời sống của người trồng chè ở xã được cải thiện, nâng cao. Nhiều gia đình có tiền xây nhà biệt thự, mua xe ô tô bạc tỷ. Tiền bạc đều từ cây chè mà ra.