Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bắc Giang Ưu Tiên Cây Trồng Có Đầu Ra Thuận Lợi

Bắc Giang Ưu Tiên Cây Trồng Có Đầu Ra Thuận Lợi
Ngày đăng: 11/09/2013

Theo đánh giá sơ bộ, ảnh hưởng của mưa bão làm thất thu khoảng 30-40 nghìn tấn thóc trong vụ mùa. Với phương châm tăng hiệu quả vụ đông bù thất thu vụ mùa, chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo sản xuất để bảo đảm an ninh lương thực, ổn định đời sống nhân dân.

Phóng viên Báo Bắc Giang đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Khái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang về vấn đề này.

Xin ông cho biết sản xuất vụ đông năm 2013 có những thuận lợi, khó khăn gì?

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo sát sao đối với sản xuất nông nghiệp. UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm sản xuất vụ đông năm 2012, đánh giá tình hình thực tế để chỉ đạo cụ thể, kịp thời vụ đông năm nay. Các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch trồng cây vụ đông, đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân tham gia sản xuất.

Lúa mùa sớm được thu hoạch sớm hơn mọi năm từ 5-7 ngày, thuận lợi cho giải phóng đất để gieo trồng cây vụ đông ưa ấm. Hiện mực nước tại các hồ đập trên địa bàn đang ở mức cao, bảo đảm cung cấp đủ nước tưới cho cây trồng. Giá vật tư nông nghiệp dự báo ổn định và có chiều hướng giảm, góp phần giảm giá thành nông sản.

Bên cạnh thuận lợi thì sản xuất vụ đông cũng phải đối mặt với diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường, bão và mưa lớn có thể xảy ra vào cuối tháng 9 ảnh hưởng tới thời vụ gieo trồng ngô, lạc, đậu tương. Cuối vụ thường có mưa phùn, độ ẩm không khí cao ảnh hưởng xấu đến việc thu hoạch và bảo quản nông sản. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hạn chế, việc tiêu thụ sản phẩm dự báo sẽ khó khăn, đặc biệt là nông sản xuất khẩu.

Như vậy, ngành có những định hướng gì đối với cây trồng chủ lực của tỉnh trong vụ đông năm nay?

Ngành chỉ đạo sản xuất một số cây trồng có đầu ra ổn định như: 5.000 ha ngô, 1.800 ha lạc, rau đậu các loại khoảng 14.500 ha (trong đó rau chế biến, rau an toàn 2.200 ha) cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu trong tỉnh.

Đồng thời khuyến khích nông dân tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có như: rơm, rạ, mùn cưa để sản xuất các loại nấm như mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ, nấm linh chi. Đây là loại thực phẩm sạch, hiện tiêu thụ rất thuận lợi, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Năm nay toàn tỉnh phấn đấu sản xuất khoảng 3 nghìn tấn nấm thương phẩm.

Ngành đã có biện pháp gì trong chỉ đạo sản xuất để bảo đảm vụ đông bù vụ mùa, thưa ông?

Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, số 6 diện tích lúa bị ngập toàn tỉnh gần 11 nghìn ha, trong đó có khoảng 7 nghìn ha bị mất trắng. Để bù lại sản lượng bị thất thu, ngành xây dựng kế hoạch vụ đông năm 2013 toàn tỉnh gieo trồng 26.200 ha, tăng gần 3.000 ha so với năm trước và tập trung vào các biện pháp chính như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về hiệu quả kinh tế của cây trồng vụ đông nhất là mô hình cánh đồng mẫu, cánh đồng thu nhập cao, mô hình liên kết có sự tham gia của doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả một số đề án hỗ trợ sản xuất nhằm khuyến khích nông dân tham gia, mở rộng diện tích.

Ưu tiên đưa giống năng suất, chất lượng vào sản xuất và thực hiện nghiêm ngặt khung thời vụ như sử dụng giống ngô NK4300, CP999, LVN4, NK6654, NK66, LVN 10 và áp dụng kỹ thuật làm bầu; trồng các giống lạc L14, MD7, L23, L26. Thời vụ tốt nhất là trồng trước ngày 25-9 và kết thúc trước ngày 10-10; sử dụng các giống khoai tây chất lượng, sạch bệnh như: Atlantic, Diamant, Solara, VT2, Marriela...

Theo ông cần làm gì để khắc phục tình trạng nông dân bỏ đất trống trong vụ đông?

Những năm qua lao động trong nông nghiệp giảm dần, giá giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến hiệu quả sản xuất cây vụ đông thấp, tiêu thụ sản phẩm khó khăn do vậy tại nhiều vùng quê nông dân bỏ ruộng ở vụ đông. Đây cũng là vấn đề mà ngành rất quan tâm và đang tìm các giải pháp khắc phục.

Trước mắt, ngành chỉ đạo đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu làm đất, khâu thu hoạch để giảm công lao động. Cùng đó, tập huấn, hướng dẫn nông dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong gieo trồng, chăm sóc để giảm chi phí đầu tư; ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, ngành đề nghị các huyện, thành phố hỗ trợ thêm để thu hút nông dân tham gia sản xuất; khuyến khích người dân góp đất, cho mượn, cho thuê đất, liên kết với doanh nghiệp để trồng cây vụ đông.

Xin cảm ơn ông!

Sở Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo quyết liệt công tác bảo vệ cây trồng từ nay đến cuối vụ, phòng trừ hiệu quả tập đoàn rầy, sâu đục thân, bệnh bạc lá, đen lép hạt… Các xã, thị trấn thống kê nhu cầu giống, liên hệ cung ứng kịp thời cho nông dân, tránh tình trạng khan hàng, ép giá; huy động người dân tham gia nạo vét, khơi thông các tuyến kênh mương phục vụ tưới, tiêu cho lúa và hoa màu.


Có thể bạn quan tâm

Người trồng mía mong được hỗ trợ cụ thể Người trồng mía mong được hỗ trợ cụ thể

Người trồng mía ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) vừa trải qua một vụ mía khó khăn do giá đường xuống thấp, nắng hạn kéo dài. Trong vụ mía 2015 - 2016, nông dân trồng mía hy vọng Công ty Cổ phần (CP) Đường Ninh Hòa có nhiều chính sách nhằm giảm khó khăn trong sản xuất, tăng năng suất và chất lượng mía.

04/09/2015
Sa nhân Tân Lập được mùa, được giá Sa nhân Tân Lập được mùa, được giá

Sa nhân là cây dược liệu quý đã gắn bó lâu đời với người dân xã Tân Lập (Mộc Châu - Sơn La). Với nhiều ưu điểm như: dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu của vùng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, giá bán cao nên cây sa nhân đã và đang là cây trồng đem lại hiệu quả, tăng thu nhập cho nhiều gia đình ở Tân Lập.

04/09/2015
Giải pháp nào giúp nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía? Giải pháp nào giúp nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía?

Sau nhiều năm thua lỗ liên tục, diện tích mía ở ĐBSCL đang dần bị phá bỏ và thay thế bằng các cây trồng khác.

04/09/2015
Phá vỡ quy hoạch, nuôi mầm dịch bệnh Phá vỡ quy hoạch, nuôi mầm dịch bệnh

Diện tích hồ tiêu tăng nhanh chóng đã phá vỡ quy hoạch nông nghiệp khu vực Tây Nguyên. Trong khi đó, dịch bệnh bùng phát làm tiêu chết hàng loạt sẽ dập tắt giấc mộng đổi đời từ cây tiêu của người dân Tây Nguyên. Đây là những nguy cơ sẽ làm cây hồ tiêu Tây Nguyên phát triển thiếu bền vững.

04/09/2015
Thanh long Bình Thuận trước tình hình mới phải tự cứu mình Thanh long Bình Thuận trước tình hình mới phải tự cứu mình

Cạnh tranh vốn dĩ là quy luật của thị trường. Thế nên thanh long Bình Thuận muốn tiếp tục khẳng định vị thế thì ngay từ bây giờ phải định hướng khâu sản xuất và tiêu thụ hiệu quả…

04/09/2015