Phát Triển Kinh Tế Đang Phải Đối Mặt Với Nhiều Thách Thức

Mặc dù tình hình phát triển kinh tế của tỉnh trong 5 tháng qua đã có những bước chuyển biến khá tích cực nhưng trên thực tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, công tác thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư vẫn còn đạt thấp, diễn biến dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cây trồng, vật nuôi...
Theo đánh giá của UBND tỉnh thì chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 5 đã giảm tới 11% so với tháng trước. Như vậy, đây là một trong nhiều tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh liên tục giảm.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn đã khiến cho không ít sản phẩm giảm mạnh như ván MDF giảm hơn 33%, đá xây dựng các loại giảm gần 8%, cà phê bột giảm 10%, cà phê nhân giảm gần 3%, hạt điều giảm 1,3%, gỗ cưa hoặc xẻ giảm hơn 46%...
Cùng với những khó khăn trong sản xuất công nghiệp, công tác giải ngân vốn đầu tư trong 5 tháng qua vẫn còn khá chậm. Toàn tỉnh hiện nay mới tiến hành được hơn 573 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số nguồn vốn như chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường và giảm nghèo bền vững có kế hoạch triển khai muộn dẫn đến có sự sai lệch về số liệu khiến các chủ đầu tư không thực hiện được.
Đối với các nguồn vốn khác, các chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt đôn đốc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, nghiệm thu khối lượng thực hiện của công trình trong mùa khô để thanh toán kịp thời. Ngoài ra, một số dự án khởi công mới, hiện các chủ đầu tư mới hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu nên khối lượng giải ngân đạt thấp.
Đối với lĩnh vực thu ngân sách đến nay cũng đạt thấp, toàn tỉnh hiện thu được 565 tỷ đồng, đạt 40% dự toán tỉnh giao. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, việc phấn đấu tăng thu ngân sách từ nay cho đến cuối năm là nhiệm vụ hết sức cấp bách, vì nguồn thu đạt thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch chi tiêu của toàn tỉnh.
Vì vậy, để công tác thu ngân sách thuận lợi, ngoài nỗ lực của ngành thuế, tài chính, các cấp, ngành, địa phương cần chú trọng bám sát địa bàn, giám sát chặt chẽ nguồn thu, hạn chế nợ đọng, thất thoát thuế của Nhà nước.
Ở lĩnh vực thương mại, tình trạng gian lận, đầu cơ giá, vi phạm trong kinh doanh tăng cao. Chỉ tính riêng trong tháng 5, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý được 132 vụ việc liên quan.
Trong sản xuất nông nghiệp cũng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan. Các loại bệnh như nấm, rệp, ốc bươu vàng, rầy nâu, cúm gia cầm đã xuất hiện gây hại trên nhiều diện tích.
Được biết, trong tháng 5 vừa qua, ngành thú y phát hiện 5 con bò của 2 hộ gia đình bị bệnh lở mồm long móng và tiêm phòng vắc xin để ngăn chặn dịch bệnh. Tình hình thiên tai cũng diễn biến khá phức tạp trong những tháng qua gây thiệt hại lớn về cây trồng, nhà cửa, cũng như các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh.
Cũng theo đánh giá của UBND tỉnh thì việc chủ động triển khai các giải pháp phát triển để đảm bảo các chỉ tiêu phát triển đã được đề ra từ đầu năm có vai trò rất quan trọng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến giữa UBND tỉnh với các huyện để đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tháng 5 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 mới đây, đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã nhấn mạnh, các ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đổi mới cách nghĩ, cách làm để đảm bảo các chỉ tiêu phát triển trong 6 tháng đầu năm. Việc hoàn thành nhiệm vụ giao trong 6 tháng có vai trò rất quan trọng, tạo đà cho công tác thực hiện 6 tháng cuối năm.
Theo đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư cần chủ trì, phối hợp với ngành tài chính và các chủ đầu tư tổ chức rà soát tiến độ thi công công trình của các dự án trên địa bàn, qua đó tham mưa, đề xuất UBND tỉnh cắt giảm, điều chỉnh vốn của các công trình nhằm đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Từng ngành, địa phương phải làm rõ yếu tố vốn trong hỗ trợ đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân.
Công tác tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát trong quản lý thuế, triển khai các biện pháp chống thất thu thuế phải được chú trọng. Các ngành, địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng theo nghị quyết, kế hoạch đã đề ra.
Các ngành, địa phương cũng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản, kiểm soát tình hình dịch bệnh để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Vườn tiêu hơn 500 trụ là nguồn thu nhập chính đối với gia đình anh Lê Trung Nhớ (thôn 3, xã Ia Pal, huyện Chư Sê - Gia Lai). Anh Nhớ cho biết: Gia đình tôi có hơn 1.000 trụ tiêu, trong đó khoảng 500 trụ được trồng bằng cây trụ chết (gỗ) mới thu hoạch được 2 năm thì xuất hiện nhiều loại bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm. Bây giờ, gia đình tôi chỉ còn trông chờ vào 500 trụ tiêu trồng bằng cây keo này mà thôi.

Nuôi cá trong ruộng lúa là một hình thức canh tác xen kẽ làm tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng. Mô hình này đã được một số địa phương thực hiện theo tập quán cũ, tuy nhiên, chỉ khi các hộ dân áp dụng đúng kỹ thuật nuôi trồng, hình thức nuôi cá-lúa mới thực sự phát huy hiệu quả.

Ghi nhận tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) cho thấy đã xuất hiện một loại sâu hại cây trồng, theo người dân địa phương gọi là sùng đất. Sùng đất ăn rễ và củ của hầu hết các loại cây trồng, gây thiệt hại lớn cho bà con trong khi người nông dân chưa có biện pháp khắc phục.

Cây hồ tiêu vốn là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân xã Tân Liên (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Tuy nhiên do sự bùng phát của các dịch bệnh, cụ thể là bệnh chết nhanh, chết chậm đã khiến đa số vườn tiêu của người dân rơi vào cảnh tiêu điều, xơ xác.

Hiện các thành viên hợp tác xã đã thống nhất phương án thu mua bưởi giá cao hơn thị trường, đồng thời chủ động ký kết với xã viên từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm nhằm ổn định nguồn hang.