Bắc Giang Quyết Liệt Ngăn Chặn Cúm Gia Cầm
Trước tình trạng hàng chục tỉnh, thành phố trên cả nước xuất hiện dịch cúm trên đàn gia cầm gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và ngành chăn nuôi, tỉnh Bắc Giang đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp tích cực bảo vệ đàn gia cầm và người sản xuất, kiên quyết không để xảy ra dịch trên địa bàn...
Theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 1,5 triệu con gia cầm, trong đó riêng huyện Yên Thế, nơi có nhãn hiệu được bảo hộ Gà đồi Yên Thế có gần bốn triệu con (thời điểm này chỉ có khoảng ba triệu do huyện chỉ đạo giảm số lượng vào chuồng). Ngoài ra, tỉnh cũng là địa bàn trung chuyển số lượng gà lậu khá lớn từ biên giới về Hà Nội tiêu thụ cho nên nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm rất lớn.
Chúng tôi có mặt ở nơi nuôi nhiều gà Yên Thế trong những ngày "nước sôi lửa bỏng", cả huyện từ cán bộ đến người dân trần mình tạo thành tấm lưới giăng kín những ngả đường cúm gia cầm có thể thẩm thấu vào địa bàn. Chủ tịch UBND huyện Lưu Xuân Vượng hầu như không xuất hiện ở trụ sở mà luôn có mặt ở những điểm nóng, đôn đốc đơn vị liên ngành tăng cường công tác kiểm dịch và phun thuốc phòng dịch.
Tranh thủ trao đổi với chúng tôi, ông cho biết: "Nếu xảy ra dịch, Yên Thế mất rất nhiều, từ lợi ích kinh tế, giá trị thương hiệu và nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng chục nghìn hộ chăn nuôi.
Như vậy, ngoài công tác kiểm tra các hoạt động buôn bán, triển khai phun thuốc, tiêm phòng, chúng tôi đã lập kế hoạch khoanh những vùng có nguy cơ nhằm ngăn chặn không để dịch lan rộng. Mỗi vùng có một tổ công tác liên ngành gồm quản lý thị trường, thú y, nông nghiệp, công an túc trực 24/24 giờ".
Đưa chúng tôi đi thăm, kiểm tra một số hộ dân chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn, trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Yên Thế Chu Văn Thi cho rằng, phần lớn người chăn nuôi đã thực hiện các biện pháp phòng tránh cúm gia cầm nhưng nguy cơ lớn đối với đàn gia cầm của huyện là sự chủ quan của một số hộ dân, nhất là các hộ ở vùng giáp ranh, vùng gần đường giao thông nối các địa bàn lân cận. Các hộ này mặc dù đã tiêm phòng, phun thuốc cho đàn gia cầm và khu chăn nuôi nhưng lại thờ ơ đối với gia cầm vận chuyển qua lại.
Tiếp xúc với một số người chăn nuôi ở đây, hầu hết lo lắng của bà con là giá gia cầm xuống thấp nhất trong mấy năm gần đây. Trong khi đó, lượng gà tiêu thụ cũng giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch cúm và gây thiệt hại khá lớn về kinh tế cho các hộ chăn nuôi.
Một trong những chủ trại gà lớn ở Yên Thế, ông Nguyễn Văn Thành, ở xã Đồng Tâm phân tích: Nếu như giá gà xuất bán hiện nay là 45 nghìn đồng/kg thì người chăn nuôi lỗ gần 10 nghìn đồng. Mà đàn gà đến thời điểm xuất bán không bán được thì tiền đầu tư cho thức ăn cũng không hề ít.
Cùng chung quan điểm với ông Thành, chị Loan, ở thị trấn Cầu Gồ chỉ mong sao xuất được đàn gà vừa đủ tuổi: Trên địa bàn huyện cũng có vài cơ sở chế biến nhưng lượng thu mua không đáng kể so với tổng đàn. Hơn nữa, thời gian này, lượng tiêu thụ ở các thị trường trọng điểm giảm cho nên chúng tôi cũng khó bán.
Mong Nhà nước có chính sách nào đó cho người chăn nuôi, để chúng tôi giảm bớt được khó khăn.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đến thời điểm này, những biện pháp ngăn chặn dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có hiệu quả. Rõ nhất là trên địa bàn không xuất hiện bất cứ điểm gia cầm chết do nhiễm cúm.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch, nhất là các chủng cúm độc hại ngày càng lây lan rộng, việc bảo vệ đàn gia cầm một cách nghiêm túc, chu đáo cẩn trọng là không thừa. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Hải đã ký công văn khẩn gửi các ngành, địa phương về việc tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn.
Theo đó, ngoài việc quy định thực hiện triệt để các biện pháp bảo vệ đàn gia cầm, công văn cho biết sẽ quy trách nhiệm đối với thủ trưởng các ngành, địa phương nếu để xảy ra dịch hoặc không kịp thời báo cáo và triển khai các biện pháp ngăn chặn. "Bắc Giang đã quyết liệt thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để trên địa bàn không xảy ra dịch cúm gia cầm.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh cũng chỉ đạo ngành liên quan nhanh chóng hướng dẫn, kiểm tra chứng nhận an toàn, công bố các địa chỉ chăn nuôi, chế biến an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hỗ trợ bà con tiêu thụ và khôi phục sản xuất đối với vùng chăn nuôi gia cầm tập trung", ông Bùi Văn Hải cho biết.
Những biện pháp đó, cùng với việc thời tiết ấm áp trở lại, đã tạm thời xua tan nỗi lo "cúm gà" đối với hàng chục nghìn hộ dân sinh kế bằng chăn nuôi gia cầm và nghề liên quan. Hy vọng rằng, với những hỗ trợ thiết thực, đầy đủ và kịp thời từ các bộ, ngành trung ương, Bắc Giang sẽ bảo đảm giữ vững thương hiệu gà sạch, an toàn, không dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Trải qua những năm tháng chiến tranh liên miên và những biến động của xã hội, một phần do eo hẹp kinh tế, phần chạy theo cơ chế thị trường, giống gà Hồ dần bị mai một.
Trải qua hàng thế kỷ hình thành và phát triển trên vùng đất cổ giàu truyền thống văn hiến, con gà Hồ ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) nổi tiếng bởi mang đậm nét tâm linh, văn hóa gắn với lễ hội truyền thống, với tranh dân gian Đông Hồ…
Vượt một chặng đường xa, chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Văn Hương, ở thôn Linh An, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong (Quảng Trị).
Vụ dong riềng năm nay, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn gieo trồng được 503ha, đạt 84% kế hoạch giao. Hiện nay cây trồng bắt đầu vào vụ thu hoạch, theo đánh giá của ngành chức năng, năng suất ước đạt trên 600 tạ/ha.
Dự án phát triển nông nghiệp bền vững do tổ chức Roots of Peace (ROP/Hoa Kỳ) tài trợ thực hiện phục hồi và trồng mới cây hồ tiêu trên địa bàn 3 xã Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa.