Thành Phố Móng Cái (Quảng Ninh) Tái Cơ Cấu Kinh Tế Thuỷ Sản Theo Hướng Hiện Đại
Nuôi trồng thuỷ hải sản là một trong những thế mạnh nổi bật của Móng Cái (Quảng Ninh) có đóng góp ngày càng lớn vào GDP thành phố. Đồng thời góp phần cải thiện đời sống ngư dân và nhiều hộ dân đã làm giàu từ nghề này.
Song nhìn chung lĩnh vực NTTS của thành phố trong những năm qua vẫn còn nhiều yếu tố bất cập, rủi ro và thiếu bền vững, đặc biệt là công tác quy hoạch không theo kịp tốc độ phát triển.
Để khắc phục những khâu yếu trên, Móng Cái đang tiến hành tái cơ cấu kinh tế thuỷ sản theo hướng hiện đại. Theo đó, thuỷ sản sẽ được phát triển toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần theo hướng công nghiệp hoá, sản xuất hàng hoá gắn với phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, hướng mạnh xuất khẩu.
Phát triển “lượng” - “chất” chưa tương ứng
Móng Cái có 50km chiều dài bờ biển, trên 6.000ha đất bãi triều, mặt nước có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước có khả năng NTTS. Cơ sở hạ tầng cho vùng NTTS, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng cơ bản đã được đầu tư theo hướng quy mô công nghiệp, từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển NTTS hiện nay. Phát huy lợi thế đó, kinh tế thuỷ sản thành phố đã và đang có bước phát triển nhanh, mạnh, tích cực trong suốt 10 năm qua.
Theo thống kê của UBND TP Móng Cái, giai đoạn 2004-2013, sản lượng thuỷ sản tăng bình quân 12,8%/năm, trong đó nuôi trồng tăng 18%/năm, khai thác tăng 10,2%/năm. Giá trị lĩnh vực thuỷ sản chiếm tới 65,5% tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp và chiếm 5% GDP thành phố. Hiện tổng diện tích NTTS toàn thành phố là trên 1.700ha, trong đó diện tích nuôi chuyên tôm chiếm gần 70%, tăng 24,8% so với cùng kỳ.
Đến nay, Móng Cái đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Tôm thẻ chân trắng Móng Cái” và nhãn hiệu chứng nhận “Ghẹ Trà Cổ”. Đồng thời hình thành được một số vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá, trong đó phát triển mạnh ở các xã, phường: Hải Đông, Hải Hoà, Bình Ngọc, Vạn Ninh…
Năm 2013, tổng sản lượng thuỷ sản của TP Móng Cái chiếm gần 11% tổng sản lượng thuỷ sản tỉnh Quảng Ninh. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, tổng sản lượng thuỷ sản của thành phố đạt trên 3.500 tấn, tăng gần 22% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng NTTS ước đạt gần 1.300 tấn, tăng 76% so với năm 2013.
Mặc dù những thành tựu về “lượng” đã thấy rõ qua sự tăng trưởng của các con số, song xét về góc độ phát triển bền vững thì kinh tế thuỷ sản Móng Cái vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều năm qua, lĩnh vực thuỷ sản của Móng Cái chủ yếu vẫn phát triển mang tính tự phát, manh mún.
Nhân dân một số vùng đã tự xây dựng, đắp đầm, hồ NTTS trước lúc có quy hoạch; tiềm năng, thế mạnh về bãi triều cũng chưa được khai thác tốt. Hiện mức đầu tư trực tiếp cho kinh tế thuỷ sản từ ngân sách nhà nước của Móng Cái còn ở mức thấp, trung bình chỉ chiếm khoảng 1% tổng vốn đầu tư của thành phố. Việc tiếp cận nguồn vốn nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản trong dân đa phần còn gặp khó khăn.
Do vậy, ngư dân khai thác thuỷ hải sản chưa có điều kiện đóng tàu công suất lớn để khai thác ngư trường xa bờ dẫn tới chỉ tập trung khai thác gần bờ, thậm chí vẫn còn xảy ra tình trạng sử dụng các phương tiện bị cấm để đánh bắt làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản; người nuôi trồng còn thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất theo hướng công nghiệp, công nghệ cao. Trong khi đó, thành phố hiện cũng chưa xây dựng được đề án quản lý, khai thác thuỷ sản bền vững tại các vùng bãi triều ven biển, đặc biệt công tác quy hoạch NTTS cũng còn hạn chế.
Người dân một số nơi tự ý đắp đầm, hồ không xin phép cơ quan thẩm quyền theo quy định. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự giữa người khai thác thuỷ sản tự nhiên và những hộ NTTS trái phép tại khu vực bãi Đai (Vạn Ninh) trong thời gian vừa qua.
Một khâu yếu nữa trong phát triển NTTS của thành phố đó là cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đầu tư đồng bộ, đặc biệt là hệ thống trạm điện, hệ thống xử lý môi trường tại vùng nuôi tập trung. Bên cạnh đó, các sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu của Móng Cái hiện chủ yếu xuất ở dạng thô; dịch vụ hậu cần nghề cá còn thiếu, không đồng bộ, đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển…
Hướng đến phát triển bền vững
Kinh tế thuỷ sản được Móng Cái xác định là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất thuỷ sản tăng gấp 1,8 lần so với năm 2013, đạt trên 1.200 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 13-14%/năm, trong đó nuôi trồng đạt 23-24%/năm, khai thác thuỷ sản đạt 2-3%/ năm. Sản xuất, ươm giống với quy mô đáp ứng tổng nhu cầu thành phố gồm tôm thẻ chân trắng, ghẹ, cá rô phi...
Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo thành phố cho biết, trên cơ sở quy hoạch tổng thể KT-XH Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2020 tầm nhìn 2030 và các quy hoạch khác liên quan, hiện Móng Cái đang tập trung triển khai quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản trên địa bàn; khẩn trương hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, trong đó có quy hoạch vùng NTTS theo chỉ đạo của tỉnh.
Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ, trọng tâm là tôm thẻ chân trắng, cá rô phi nước lợ, ghẹ, lợn Móng Cái, khai thác biển… tạo sự gắn kết, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro giữa người sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến thuỷ sản.
Theo đó, đối với NTTS, Móng Cái chú trọng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp; phát triển các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ và người nuôi. Xây dựng các vùng nuôi công nghiệp sản xuất hàng hoá tập trung tại: Hải Hoà, Bình Ngọc, Vạn Ninh, Hải Đông, Hải Tiến, Quảng Nghĩa, Ninh Dương, Hải Xuân và Hải Yên.
Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi đồng bộ, đặc biệt là hệ thống điện phục vụ sản xuất. Mặt khác, nhanh chóng đưa các tiến bộ KHKT, các biện pháp quản lý tiên tiến (GAP - Thực hành tốt trong NTTS; BMP - Thực hành quản lý tốt hơn; CoC- Bộ quy tắc ứng xử có trách nhiệm trong NTTS) vào các vùng NTTS tập trung nhằm tăng năng suất, sản lượng và đảm bảo chất lượng VSATTP, tạo ra nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến. Bắt đầu từ năm 2014, Móng Cái thiết lập, từng bước đưa các sản phẩm thế mạnh của địa phương tham gia chương trình OCOP của tỉnh, như: Tôm thẻ chân trắng, ghẹ Trà Cổ, cá rô phi nước lợ…
Phấn đấu đến năm 2015, các sản phẩm này có chất lượng, kiểu dáng, nhãn mác đạt tiêu chuẩn đảm bảo lưu hành trên toàn quốc và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đối với khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, thành phố sẽ tổ chức mô hình dịch vụ khai thác trên biển theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập các đội tàu cung ứng dịch vụ hậu cần, thu gom sản phẩm cho các tàu khai thác xa bờ. Phấn đấu đến năm 2020, hình thành được từ 3-5 đội tàu khai thác xa bờ công suất từ 400CV trở lên; hình thành được 2 mô hình quản lý khai thác bền vững tại vùng bãi triều ven biển trên địa bàn Vạn Ninh, Hải Tiến, Hải Đông và Quảng Nghĩa.
Trong lộ trình phát triển kinh tế thuỷ sản bền vững, khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm cũng được Móng Cái hết sức quan tâm. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng cơ chế liên doanh, liên kết giữa người NTTS với doanh nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y thuỷ sản theo hình thức đa sở hữu để cùng chia sẻ rủi ro, lợi ích giữa các bên.
Đồng thời, khuyến khích phát triển cơ sở chế biến và kho lạnh thương mại để tăng hiệu suất sử dụng, điều tiết được nguồn nguyên liệu ổn định, góp phần bình ổn giá thuỷ sản trên thị trường và giảm tổn thất sau thu hoạch.
TP Móng Cái đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ quy hoạch, đầu tư khoa học công nghệ cho đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tái cơ cấu mạnh mẽ lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) theo hướng hiện đại. Qua đó, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế xanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế thành phố.
Có thể bạn quan tâm
Khi nhiều nơi đang loay hoay để giữ rừng, tìm nguồn sống cho người trồng rừng thì anh Lê Mai Hiền ở thôn Tân Phong, xã Tân Nguyên (Yên Bình, Yên Bái) lại giàu có từ sản xuất, kinh doanh sản phẩm của rừng và giúp đỡ nhiều nông dân khác.
Nhằm giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân trồng dừa, tỉnh Bến Tre đã triển khai thí điểm mô hình “Cánh đồng mẫu dừa” (CĐMD) trên địa bàn huyện Giồng Trôm. Bước đầu, mô hình này đang mang lại hiệu quả khả quan.
Với nghị lực phi thường, anh Đặng Anh Tuấn (sinh năm 1957), trú ở xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đã một mình chinh phục những quả đồi hoang lập trang trại. Giấc mơ được sánh vai với những tỷ phú nông dân trên thế giới của anh đã trở thành hiện thực…
“Nhờ được Agribank hỗ trợ kịp thời nguồn vốn 3,5 tỷ đồng, con tàu đánh bắt xa bờ 510CV đã hoàn thành đúng tiến độ và chuẩn bị ra khơi hứa hẹn đón những mẻ cá đầu tiên”- ngư dân Lê Văn Thức, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) chia sẻ.
Đến nay, toàn huyện Đông Giang (Quảng Nam) có hơn 450ha trồng chuối chuyên canh, trong đó hơn 300ha trồng tập trung, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.