Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bà Rịa - Vũng Tàu Tan Hoang Làng Tỷ Phú Quýt Đường Tân Lâm

Bà Rịa - Vũng Tàu Tan Hoang Làng Tỷ Phú Quýt Đường Tân Lâm
Ngày đăng: 22/09/2014

3 năm trước, 200 hộ dân canh tác khoảng 400 ha quýt đường ở xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được coi là những nông dân nhanh nhạy trong sản xuất nông nghiệp, tại đây cũng đã xuất hiện nhiều tỷ phú nhờ trồng quýt.

Thế nhưng, từ năm 2013 đến nay, bệnh vàng cuống làm rụng trái hoành hành làm hàng trăm ha quýt nơi đây phải chặt bỏ, nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, thậm chí phải bán nhà bỏ xứ đi vì thua lỗ.

Bệnh vàng cuống làm rụng trái hoành hành đã khiến hàng trăm ha quýt ở xã Tân Lâm bị chặt bỏ do thất thu đã và đang khiến cho nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, thậm chí phải bán nhà bỏ xứ đi vì thua lỗ.

Chỉ vào vườn quýt trái non rụng ngập gốc,ông Phạm Văn Thi, một nông dân trồng quýt đường 6 năm nay tại xã Tân Lâm than thở “mèo lại hoàn mèo”. Đó cũng là nhận định chung của người dân Tân Lâm khi nói về việc “trồng rồi chặt bỏ” đang xảy ra ở những vườn quýt. Theo ông Thi và những hộ trồng quýt tại xã Tân Lâm, “vòng đời” của cây quýt đường chỉ được khoảng 7 năm.

Trước đây, những người trồng quýt ở Tân Lâm đã từng trồng tiêu, nhãn, mít… nhưng rồi chặt bỏ để thay thế cây trồng khác khi cây bị sâu bệnh hoặc giá xuống thấp. Khi cây quýt đường được một vài hộ dân ở Tân Lâm đưa về trồng cho năng suất và hiệu quả cao, đầu ra ổn định, lại có giá thì việc phá bỏ nhãn, tiêu, cà phê… để trồng quýt xảy ra ồ ạt.

Đã có nhiều hộ trồng quýt thu tiền tỷ và từ đó, phong trào trồng quýt đường ở Tân Lâm phát triển mạnh mẽ. Cách đây khoảng 2 năm, mỗi ha quýt vào vụ thu hoạch cho sản lượng hơn 30 tấn, giá bán 30-35.000 đồng/kg, vì vậy, nhiều hộ trồng quýt ở đây đã trở thành tỷ phú.

Bà Nguyễn Thị Rảnh, chủ vườn quýt 2 ha tại ấp Bàu Sôi cho hay, cách đây khoảng 4 năm về trước, cây quýt rất hiệu quả và không có dịch bệnh. “Gia đình tôi khấm khá lên là nhờ vào 1.500 cây quýt.Nhưng đến nay dịch bệnh đã làm cho cây trồng này không còn đem lại lợi nhuận nên phải chặt bỏ để trồng các loại cây khác.

Có không ít trường hợp trồng quýt đã lâm vào cảnh nợ nần. Hiện tại, chúng tôi chưa chặt bỏ hoàn toàn 2ha quýt mà chỉ phá bỏ những khu vực bị nhiễm bệnh nặng và chuyển đổi từ từ sang cây trồng khác”.

Qua vụ chặt bỏ vườn quýt, người nông dân Tân Lâm dường như ai cũng đã hiểu rõ: Thổ nhưỡng ở đây chỉ phù hợp với 4 loại cây chủ lực chính là tiêu, cà phê, điều và cao su (nếu có diện tích đất nhiều). Hiện tại, nhiều hộ nông dân làm lại từ đầu với những cây trồng truyền thống này.

Theo các hộ dân trồng quýt, sở dĩ quýt đường Tân Lâm có giá cao bởi mùa thu hoạch trái vụ và đúng vào dịp tết Nguyên Đán, trong khi đó thì “vựa quýt” ở miền Tây đã qua vụ từ mấy tháng trước.

Vào những ngày cận tết, thương lái từ khắp nơi đổ về Tân Lâm để đặt quýt Tết, bao tiêu sản phẩm cho bà con. Vào mỗi vụ thu hoạch, Tân Lâm xuất đi từ 30-40.000 tấn quýt đường. Mặt khác, quýt đường của Tân Lâm có nguồn gốc từ miền Tây nhưng trái to hơn và múi nhiều nước nên rất được thị trường ưa chuộng.

“Thế nhưng, chỉ sau khoảng 3 vụ thu hoạch thì bệnh vàng cuống làm rụng trái non xuất hiện mà không có giải pháp để phòng chống bệnh này lây lan” - chị Nguyễn Thị Phượng, ở ấp Suối Lê cho biết. Từ năm 2013, việc phá bỏ vườn quýt để canh tác cây trồng khác đã bắt đầu xảy ra ở Tân Lâm.Theo thống kê, đến thời điểm này đã có khoảng 100ha quýt đường đã bị phá bỏ để quay lại trồng tiêu, nhãn... Thậm chí, nhiều hộ gia đình đã phải bán nhà để trả nợ.

Theo phản ánh của các hộ trồng quýt tại đây, để dập dịch bệnh cho cây quýt đã có nhiều đoàn cán bộ, kỹ sư của ngành nông nghiệp đến tìm hiểu nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp để khắc phục bệnh vàng cuống rụng trái sớm. Nếu có giải pháp phòng ngừa bệnh làm rụng trái trên cây quýt thì chỉ vài năm nữa cây quýt đường sẽ phủ khắp Tân Lâm và lan rộng ra các địa phương xung quanh.

TIẾN SĨ NGUYỄN ĐĂNG NGHĨA, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU ĐẤT-PHÂN BÓN VÀ MÔI TRƯỜNG PHÍA NAM: Chặt cây quýt để canh tác cây khác không phải là giải pháp hiệu quả Việc bà con nông dân ồ ạt chặt quýt vì dịch bệnh để chuyển sang trồng cây khác khi mà chưa nghiên cứu kỹ về thị trường, nắm vững cách chăm sóc… không phải là giải pháp tối ưu. Hiện tại, người trồng phải chăm sóc, phòng trừ bệnh hiệu quả mới là vấn đề quan trọng.

Nếu không, việc người nông dân chặt vườn quýt để trồng nhãn, tiêu, mít… sẽ tiềm ẩn nguy cơ về sâu bệnh, thiếu đầu ra cho sản phẩm rồi lại chặt bỏ. Không chỉ loại cây có múi như cam, quýt mà bất cứ cây trồng ăn trái hay cây công nghiệp nếu không nắm rõ quy trình canh tác, kiểm soát chặt chẽ đầu vào nguồn giống thì dịch bệnh sẽ xuất hiện liên tiếp.

Theo đó, bà con nông dân phải tính đến giải pháp phòng bệnh cho cây từ trước khi xuống giống, tránh tình trạng khi cây có bệnh rồi mới tìm cách chữa. Khi xác định loại cây chủ lực, việc đầu tiên là phải chọn giống đã qua kiểm định của cơ quan chức năng, thiết kế vườn trồng phù hợp, chăm bón thường xuyên và phòng bệnh cho cây hiệu quả.

ANH NGUYỄN TẤN HOÀNG, ẤP BÀU SỒI, XÃ TÂN LÂM: Để thì đổ thuốc, chặt thì đổ nợ

Quýt là loài cây khó tính, để có vườn quýt đẹp, trái đều người trồng tốn rất nhiều công sức cũng như tốn kém về thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ trong từng thời điểm trong năm. Gia đình tôi có vườn quýt 600 gốc, trong đó 300 gốc trồng đã được 3 năm nay, mới bắt đầu ra trái và 300 gốc mới trồng hơn 2 năm. Tổng chi phí cho 600 gốc quýt là 200 triệu đồng từ tiền vay của ngân hàng.

Từ năm 2013, bệnh vàng cuống làm rụng quả non trên cây quýt đã xuất hiện làm cho nhiều vườn quýt mất trắng. Vườn quýt của tôi cũng bị nhiễm bệnh và bệnh này cũng đã lây lan sang những vườn quýt chưa cho thu hoạch. Vì vậy, hiện có nhiều hộ đã chặt bỏ cây quýt để canh tác cây trồng khác.

Thời điểm này, cây quýt đang cho trái chuẩn bị cho mùa Tết Nguyên đán. Với thực trạng dịch bệnh và diện tích trồng quýt giảm chắc chắn mùa quýt năm nay sẽ có giá cao. Nhưng muốn giữ vườn quýt thì lâm vào cảnh “để thì đổ thuốc, chặt thì đổ nợ”, thật khổ nhưng gia đình chúng tôi cứ để vườn quýt lại. Hy vọng bệnh sẽ giảm và mùa quýt này sẽ gỡ gạc lại được phần nào.

CHỊ NGUYỄN THỊ KIM CHI, XÃ TÂN LÂM: Việc trồng quýt là tự phát và chạy theo phong trào

Gia đình tôi có 4ha vườn trước đây trồng mít, tiêu, cà phê, nhưng khi thấy trồng quýt có hiệu quả cao, tôi đã trồng thử 100 gốc. Vào vụ thu hoạch đầu tiên, 100 gốc quýt này đã cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng.Thấy lãi cao, gia đình tôi đã dồn tiền và vay mượn thêm để trồng quýt.

Được 2 năm cây quýt cho hiệu quả cao thì xuất hiện bệnh làm trái non rụng hàng loạt. Năm 2013, sâu bệnh trên cây quýt làm giảm năng suất nhưng không cứu chữa được, gia đình tôi đã chặt gần hết vườn quýt gần 1.000 gốc để trồng bơ, mảng cầu, nhãn...

Sau vụ chặt phá vườn quýt, chúng tôi và nhiều gia đình đã rút ra được bài học: Vùng đất này không phù hợp với cây quýt có nguồn gốc từ miền Tây. Vì vậy, sâu bệnh xảy ra là điều khó tránh và vòng đời của cây quýt cũng sẽ ngắn hơn nhiều lần so với trồng ở miền Tây.


Có thể bạn quan tâm

Yến Sào “Made In... Hue” Yến Sào “Made In... Hue”

Mới đây, qua kết quả khảo sát thực địa của PGS Tiến sĩ Võ Văn Phú, Khoa Sinh học Đại học Khoa học Huế cho thấy rằng, nguồn chim yến tự nhiên ở vùng Huế không thua kém các tỉnh duyên hải phía Nam.

07/09/2013
Làm Giàu Từ Dê, Táo Làm Giàu Từ Dê, Táo

Xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) là vùng đất thuần nông. Sau cây lúa, cây nho, mô hình gia trại trồng táo-nuôi dê đang được các hộ trong xã nhân rộng. Chỉ vài năm qua, đã có hàng trăm hộ ăn nên làm ra từ dê, táo.

07/09/2013
Phải Xử Lý Mạnh Những Cơ Sở Nuôi Cá Da Trơn Gây Ô Nhiễm Môi Trường Phải Xử Lý Mạnh Những Cơ Sở Nuôi Cá Da Trơn Gây Ô Nhiễm Môi Trường

Ông Trần Công Danh - Trưởng Ban KTNS - HĐND tỉnh Bến Tre (người đi đầu) đang phúc tra trại nuôi cá da trơn của Công ty Cổ phần Thủy sản Hải Hương tại ấp Tiên Lợi (Tiên Long - Châu Thành).

09/09/2013
Quản Lý Giống Thủy Sản Năm 2013 Quản Lý Giống Thủy Sản Năm 2013

Năm 2013, nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bến Tre tiếp tục gặp khó khăn do sự thay đổi thất thường của thời tiết, giá thủy sản thương phẩm không ổn định, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, môi trường nuôi suy thoái,…

09/09/2013
Nông Dân Bị Chiếm Dụng Vốn Nông Dân Bị Chiếm Dụng Vốn

Đến thời điểm hiện tại, ngành cá tra Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước khi duy trì được mức tăng ổn định. Tuy nhiên, do có quá nhiều đầu mối xuất khẩu, trong bối cảnh khủng hoảng thừa, hàng hóa tồn kho, sản xuất cầm chừng, các doanh nghiệp đã phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến nông dân gánh chịu mọi thiệt thòi.

09/09/2013