Thị Trường Máy Nông Nghiệp Đa Dạng Sản Phẩm Ngoại
Những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, trong đó có hỗ trợ về nhu cầu máy nông nghiệp. Tuy nhiên, tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, sản phẩm trên thị trường máy nông nghiệp vẫn chủ yếu là hàng Trung Quốc, một phần máy của Nhật Bản, Hàn Quốc, sản phẩm “made in Vietnam” chỉ chiếm 15-20% thị phần.
Sản phẩm đa dạng
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp đã được quan tâm hơn nhằm cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Thị trường máy nông nghiệp hiện nay đa dạng chủng loại sản phẩm gồm động cơ đốt trong đến 30 mã lực, máy làm đất (máy cày 2 và 4 bánh), máy thu hoạch (gặt đập liên hợp, gặt lúa xếp dãy, máy tuốt lúa), máy bơm nước, máy phun thuốc sâu, máy bảo quản và chế biến (xay xát lúa gạo, máy sấy).
Ông Nguyễn Ngọc Thanh-Chủ cơ sở kinh doanh máy nông sản Thanh Quang, đường Lê Duẩn, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku cho biết: Sản phẩm các loại máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hiện nay khá đa dạng từ các cơ sở sản xuất trong nước đến các sản phẩm nhập từ các nước phát triển qua đường chính thống.
Giá cả phải chăng từ vài chục triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu mua sắm của người dân.
Thị trường động cơ diesel nhỏ (dưới 30 mã lực), máy kéo và máy nông nghiệp có thể phân làm 3 mảng chính: sản phẩm nội địa, sản phẩm Trung Quốc, sản phẩm là các loại máy cũ nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc...
Sản phẩm nội địa chủ yếu do các đơn vị của Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) sản xuất và lắp ráp có tính chất công nghiệp, có kiểm định. Sản phẩm Trung Quốc gồm hai dòng chính, nhập khẩu từ các nhà sản xuất chính thống và nhập khẩu biên mậu từ các nhà sản xuất tư nhân (chủ yếu là các máy nhái, máy giả nhãn hiệu của các nhà sản xuất chính thống).
Sức tiêu thụ các loại máy móc nông nghiệp, khoảng 2 năm trở lại đây rất chậm, lượng khách hàng đến các cơ sở giảm hẳn. Nguyên nhân là tình trạng khó khăn chung của nền kinh tế do khủng hoảng, các mặt hàng nông sản diễn biến giá cả thất thường theo chiều hướng bất lợi cho nông dân nên ảnh hưởng rất lớn đến sức mua.
Anh Nguyễn Đình Thống-chủ cơ sở kinh doanh máy nông nghiệp ở phường Yên Thế, TP. Pleiku chia sẻ: Vài năm gần đây, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất nhưng sức mua của người dân giảm hẳn.
Đối với những cơ sở có điều kiện kinh tế khá thì ít bị ảnh hưởng còn những cơ sở nhỏ lẻ như cơ sở kinh doanh của tôi gặp nhiều khó khăn. Hàng hóa nhập về bán không được rất khó hoàn vốn nên không thể mở rộng kinh doanh.
Thua trên sân nhà
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, thị trường sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp khá đa dạng về chủng loại, trong đó chủ yếu là hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… và hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhái, giả nhãn hiệu của các nhà sản xuất chính thống.
Qua khảo sát thực tế thấy rằng, sản phẩm nhập từ Trung Quốc chiếm đến 60%, hàng sản xuất trong nước khoảng 30%, còn lại là máy đã qua sử dụng được nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Máy nông nghiệp sản xuất trong nước sản phẩm quy chuẩn vừa thiếu, vừa kém chất lượng nên không phải là sự lựa chọn của khách hàng khi mua.
70% thị trường máy cơ giới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hiện nay đã rơi vào tay các nhà nhập khẩu, còn các mặt hàng nội địa vốn đã vắng bóng trên thị trường lại đứng trước nguy cơ giảm thêm thị phần ít ỏi của mình. Không thể cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp chế tạo máy và thiết bị máy nông nghiệp đã phải giảm quy mô sản xuất, thậm chí chuyển hướng sang các sản phẩm khác.
(Nguồn: Viện Nghiên cứu Nông nghiệp-Bộ Nông nghiệp và PTNT)
Nhu cầu sử dụng máy trong sản xuất nông nghiệp ngày càng lớn, tuy nhiên khó khăn về vốn nên nông dân phải chọn những sản phẩm đã qua sử dụng, thậm chí hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, nhái mẫu mã. Nhiều nhà sản xuất trong nước chưa mặn mà với việc sản xuất các sản phẩm máy nông nghiệp cũng là điều kiện để thị trường máy nông nghiệp ngoại lấn át nội.
Chính sách hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp trong nước sản xuất chưa phát huy được như mong muốn và các biến động về thị trường tiêu thụ sản phẩm, thị trường vốn, về giá cả các yếu tố đầu vào cho sản xuất nên cũng đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty chế tạo trong nước.
Điển hình như Công ty cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang chuyên sản xuất chế tạo thiết bị chế biến cà phê, từ khâu chế biến cà phê quả tươi ngay sau khi thu hoạch cho đến khâu chế biến cà phê nhân xuất khẩu và cả thiết bị rang xay, với các sản phẩm, như máy rửa cà phê quả tươi, máy xát và tách vỏ cà phê, máy đánh nhớt cà phê thóc, máy sấy, bồn chứa, thiết bị vận chuyển, thiết bị phân loại, đánh bóng, hệ thống hấp cà phê...
Ngoài cà phê, Công ty còn cung cấp thiết bị chế biến các nông sản, như: tiêu, bắp, đậu xanh, đậu phụng (gồm hệ thống chế biến tiêu đen, hệ thống tiệt trùng tiêu đen; thiết bị sấy bắp, hệ thống silo chứa nông sản có sức chứa trên 1.000 tấn; hệ thống chế biến đậu xanh tách vỏ...).
Nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Thanh thì sản phẩm của Công ty này sản xuất đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân trồng cà phê, tiêu, chất lượng đảm bảo nhưng bán không được không phải vì giá cao mà nông dân không chuộng hàng sản xuất trong nước.
Như vậy, để các sản phẩm máy nông cụ sản xuất trong nước có thể chiếm lĩnh được thị trường nội địa, cần phải có sự nỗ lực từ cả phía doanh nghiệp, nhà nước lẫn người tiêu dùng.
Trong đó, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm hạ giá thành để cạnh tranh; đồng thời phải xây dựng, phát triển hệ thống kênh phân phối sản phẩm để không chỉ bán hàng mà còn tư vấn, bảo hành sản phẩm.
Nhà nước cần có các biện pháp để hạn chế doanh nghiệp gian lận thương mại, ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước đã sản xuất được; đồng thời, tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn.
Có thể bạn quan tâm
Vài năm trở lại đây, hiệu quả kinh tế từ cây chanh leo ở xã Kdang (huyện Đak Đoa) và xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang) đã thực sự khiến cho người dân ngỡ ngàng.
Nhiều loại trái cây đã bắt đầu vào mùa thu hoạch, điều khiến nhà vườn phấn khởi hơn là đến thời điểm này, giá cả vẫn còn khá cao.
Công trình thủy lợi hóa đất màu bằng hệ thống ống tưới kín có tổng kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng, được triển khai tại xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ). Sau gần 2 năm thi công, đến nay đã bắt đầu đi vào hoạt động đã giải quyết bài toán thiếu nước dai dẳng của hàng trăm hộ dân địa phương.
Không có nước tưới, 17ha mía xứ đồng Bờ An Cây Dừng, thôn Phước Đức, xã Đức Phú (Mộ Đức) năng suất chỉ đạt 2 tấn/sào. Với giá mía hiện nay, người trồng mía nơi đây không tránh khỏi thua lỗ. Chuyển đổi giống cây trồng là phương án đã được tính đến, nhưng trồng cây gì khi nơi đây chỉ có thể trông chờ vào nước trời. Đó là bài toán khó đối với 110 hộ dân chỉ biết sống nhờ vào đồng ruộng.
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 08 - NQ/HU ngày 17/7/2008 của Huyện ủy Cam Lộ (Quảng Trị) về đẩy mạnh phát triển cây cao su giai đoạn 2008 - 2010; Kết luận số 28 - KL/HU ngày 25/11/2011 của Ban Thường vụ Huyện ủy về nhiệm vụ, giải pháp phát triển cây cao su giai đoạn 2011 - 2015, diện tích cây cao su của địa phương đã phát triển mạnh mẽ, tạo bước chuyển biến cơ bản về cây trồng, khai thác tiềm năng đất đai hợp lý và giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân.