Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Áp Dụng Công Nghệ Và Quy Trình Bảo Quản Tiên Tiến Gia Tăng Giá Trị Hải Sản Sau Đánh Bắt

Áp Dụng Công Nghệ Và Quy Trình Bảo Quản Tiên Tiến Gia Tăng Giá Trị Hải Sản Sau Đánh Bắt
Ngày đăng: 07/06/2014

Theo các chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, hiện nay lượng cá sau khi đánh bắt vẫn còn phải bảo quản theo phương pháp truyền thống nên khả năng giữ lạnh thấp, ảnh hưởng đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Muốn khắc phục những hạn chế trên, cần áp dụng công nghệ và quy trình tiên tiến để bảo quản sản phẩm trên tàu cá.

Phương pháp bảo quản hải sản trên tàu bằng đá xay và bằng ướp muối dẫn đến chất lượng thấp.

Thạc sĩ Bùi Văn Tùng, Phân viện nghiên cứu hải sản phía Nam cho biết, với kỹ thuật đánh bắt và bảo quản hải sản hiện nay, chất lượng cá bị giảm, chỉ đạt tiêu chuẩn đóng hộp. Với cách khai thác của Việt Nam, mỗi kg cá ngừ có giá trung bình 60.000 đồng, trong khi kỹ thuật được ngư dân Nhật Bản áp dụng thì giá cá gấp 10 lần Việt Nam.

“Phương pháp bảo quản sản phẩm trên tàu bằng đá xay, bảo quản khô (phơi khô hoặc sấy khô) và bảo quản bằng muối (ướp muối) chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến chất lượng thấp”, thạc sĩ Bùi Văn Tùng cho hay.

Bên cạnh đó, hầm bảo quản lạnh của ngư dân hiện nay chủ yếu vẫn dùng vật liệu cách nhiệt là xốp ghép, khả năng giữ lạnh thấp, mức tiêu hao đá lớn nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Phương pháp sấy mực đang được sử dụng trên các tàu lưới kéo đôi, câu mực vẫn còn nhược điểm như thời gian sấy lâu, mực sấy trong hầm máy chịu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường (mùi dầu, khói, nước hầm máy).

Ngoài ra, sản phẩm sau khai thác cũng bị ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường, khi nhiệt độ thấp thì thời gian sấy tăng lên dẫn đến tình trạng hải sản (mực) chưa đạt đến độ khô theo yêu cầu nhưng đã phải sấy mẻ khác, vì vậy màu mực dễ bị đỏ, giảm chất lượng và giá trị.

Hiện nay, các tàu đánh bắt xa bờ chủ yếu dùng đá xay để ướp cá mà không có công đoạn làm lạnh từ từ nên dẫn đến chất lượng cá khi đưa vào bờ không tốt và giá thu mua thấp.

Theo ông Tùng, để bảo quản tốt sản phẩm sau đánh bắt, các chủ tàu nên thay thế vật liệu cách nhiệt cho hầm bảo quản bằng vật liệu công nghệ cách nhiệt dưới dạng bọt xốp (PU), sử dụng thiết bị hạ nhiệt sản phẩm trước khi đưa vào hầm bảo quản, đồng thời thực hiện đúng quy trình sơ chế và bảo quản sản phẩm phù hợp với từng loại sản phẩm khai thác.

Đối với bảo quản khô (chủ yếu cho mặt hàng mực ống), nên sử dụng thiết bị sấy chân không nhằm rút ngắn thời gian, không bị tác động của thời tiết cũng như môi trường xung quanh, cho chất lượng và giá bán cao hơn.

Ông Phạm Văn Trọng, chủ tàu lưới ghẹ ở TP. Vũng Tàu cho biết, phương pháp xây dựng hầm cá bảo quản bằng vật liệu PU giúp giữ lạnh rất tốt. Với phương pháp này, khối lượng nước đá mang theo sử dụng được đạt đến 95% (bình thường chỉ sử dụng đạt từ 60%-70%).

Công nghệ mới dùng trong hầm chứa cá cách nhiệt bằng vật liệu PU giúp ngư dân tiết kiệm được một lượng lớn nước đá, đồng thời cá được bảo quản tươi nên giá bán cao hơn trước đây. Chi phí ban đầu làm hầm bảo quản theo phương pháp mới cao hơn từ 3-4 lần vật liệu truyền thống, nhưng tuổi thọ hầm chứa lại cao hơn 5 lần, với thời gian sử dụng từ 15-20 năm.

Nói về bảo quản khô, ông Trịnh Minh Cường, chủ tàu câu mực ở TP. Vũng Tàu cho biết, hiện nay các tàu thường sấy mực bằng phương pháp truyền thống (sử dụng ánh nắng mặt trời và nhiệt phát ra từ động cơ). Phương pháp này phụ thuộc vào thời tiết, trong khi sản phẩm mực sấy dễ dính mùi dầu, khói. “Chúng tôi biết dùng phương pháp sấy chân không là tốt, nhưng vì phương pháp truyền thống đã trở thành thói quen nên cũng khó thay đổi”, ông Cường nói.

Bên cạnh đó, nhiều chủ tàu cho rằng, khó khăn hiện nay của tàu cá sử dụng hầm bảo quản cũ là khi chuyển sang dùng hầm bảo quản theo phương pháp mới thì phải thay đổi một số bộ phận cũ trên tàu nên chi phí đầu tư cao hơn. Do vậy, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ để ngư dân có điều kiện thay thế hầm bảo quản hải sản đánh bắt, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập, yên tâm bám biển dài ngày.


Có thể bạn quan tâm

Hàng xuất khẩu miễn nộp chứng nhận kiểm dịch thực vật Hàng xuất khẩu miễn nộp chứng nhận kiểm dịch thực vật

Với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa, cơ quan hải quan sẽ không yêu cầu doanh nghiệp phải nộp giấy đăng ký kiểm dịch hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật trong quá trình làm thủ tục hải quan xuất khẩu, tái xuất khẩu.

07/10/2015
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn đánh thức tiềm năng Thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn đánh thức tiềm năng

Quảng Nam được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nguồn nước nên tạo thuận lợi cho việc hình thành các vùng nguyên liệu đa dạng.

07/10/2015
Tập trung cho nhiệm vụ chiến lược Tập trung cho nhiệm vụ chiến lược

Huyện Thăng Bình đang huy động đồng bộ các nguồn lực để tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Các vấn đề cốt yếu là xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển vùng.

07/10/2015
Vượt khó vươn khơi Vượt khó vươn khơi

Nghề cá của tỉnh vừa kết thúc vụ sản xuất chính thành công nhờ tính năng động, linh hoạt tổ chức sản xuất của ngư dân cộng hưởng với sự hỗ trợ của Nhà nước.

07/10/2015
Lúa gạo cũng gia công, trợ cấp cho người mua thế giới Lúa gạo cũng gia công, trợ cấp cho người mua thế giới

Bản chất của ngành gạo Việt Nam là đang đi vào “vết xe đổ” của nhiều ngành công nghiệp như dệt may, da giày. Tức là ngành gạo cũng đang đi gia công cho thế giới khi mà giá trị gia tăng cho người sản xuất chỉ ở mức thấp.

07/10/2015