Áp dụng các giải pháp để bảo đảm kết quả sản xuất vụ đông xuân
Tăng cường giải pháp chống hạn
Xác định vụ đông xuân là vụ sản xuất quan trọng, góp phần nâng cao sản lượng lương thực trong năm của tỉnh nên ngay từ khi bước vào xây dựng kế hoạch, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai các biện pháp để phòng tránh hạn ở các địa phương.
Hiện nay, mực nước ở các hồ chứa tại các địa phương xuống thấp, nhiều hồ mực nước đã xuống dưới mực nước chết khiến cho nhiều diện tích lúa nước mất trắng, diện tích cà phê, hồ tiêu bị chết cháy hoặc giảm năng suất. Ngoài những diện tích bị ảnh hưởng do khô hạn, thiếu nước, không còn giải pháp ứng cứu thì những diện tích cây trồng còn nguồn nước tưới, các đơn vị chuyên môn đang tích cực áp dụng các biện pháp bơm dẫn nước về chống hạn cho cây trồng.
Trong những ngày qua, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông đã tăng cường công tác điều tiết nước, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương triển khai đắp các đập dâng, đập tạm trên các khe, suối nhằm tận dụng nguồn nước sinh thủy.
Đến thời điểm trung tuần tháng 4, Công ty đã hỗ trợ và tổ chức triển khai đắp được 48 đập dâng, đập tạm trên các dòng suối, với tổng kinh phí trên 130 triệu đồng. Trong đó, tại Đắk Song, đơn vị đã đắp được 8 đập, Đắk Mil: 4 đập, Tuy Đức: 6 đập, Đắk R’lấp: 24 đập và Gia Nghĩa: 6 đập.
Ngoài ra, đơn vị cũng triển khai lắp đặt 8 máy bơm dã chiến trên 4 công trình thủy lợi thiếu nước như tại hồ Đắk D’rông (Chư Jút) lắp đặt 2 máy bơm, với công suất 350 m3/giờ/máy để bơm từ dung tích nước chết; hồ Đắk Mâm, hồ Buôn R’cập, hồ Buôn Dơng (Krông Nô) cũng lắp đặt mỗi hồ 2 máy, công suất 250 m3/giờ/máy để bơm vét lượng nước còn lại trong hồ để ứng cứu cho diện tích lúa đang thiếu nước.
Còn đối với các hệ thống trạm bơm như: Đắk Rền, xã Nâm N’đir; xã Buôn Choáh; D12, Buôn Sưk, xã Quảng Phú (Krông Nô), các đơn vị quản lý đã chủ động triển khai việc bơm tưới 24/24 giờ đảm bảo nhu cầu sản xuất, không để xảy ra tình trạng hạn cục bộ ở các cánh đồng.
Ngoài ra, để giúp nông dân sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm, Chi nhánh Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi các huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền người dân thực hiện tưới tiết kiệm, hiệu quả.
Trong đó, đối với các công trình cung cấp nước cho khu vực trồng lúa, các cơ quan khuyến cáo người dân đắp lại bờ thửa, giữ nước chống thất thoát; đồng thời, hướng dẫn người dân tập trung điều tiết nước vào ruộng theo lịch tưới luân phiên. Bên cạnh đó, để điều tiết, quản lý nguồn nước, các đơn vị quản lý nước cũng đã phân công cán bộ kỹ thuật túc trực, theo dõi để có biện pháp phòng chống hạn hiệu quả, kịp thời.
Tích cực chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, tình trạng nắng nóng gây gắt trong vụ đông xuân sẽ khiến cho cây lúa bị ảnh hưởng lớn về năng suất. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, ruộng lúa bị khô hạn thiếu nước, khả năng tích lũy dưỡng chất kém, bón phân thúc không kịp thời sẽ có nguy cơ phân hóa đòng và trổ bông dẫn đến năng suất thấp.
Mặt khác, nền nhiệt độ cao kéo dài cũng tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ có nguy cơ lây lan thành dịch. Trước tình hình đó, nông dân các địa phương đã tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chủ động ứng phó.
Ông Nguyễn Văn Phước ở thôn Nam Cường, xã Nam Đà (Krông Nô) cho biết: “Gia đình tôi gieo cấy hơn 3 sào lúa, đến thời điểm này ruộng lúa đã trổ bông. Bên cạnh việc giữ ổn định lượng nước đủ để cây lúa phát triển, tôi cũng luôn túc trực trên đồng để chăm sóc, theo dõi tình hình sâu bệnh phát sinh để phòng trừ kịp thời. Nhờ đó, ruộng lúa của gia đình tôi phát triển khá tốt, mặc dù có thời điểm nguồn nước tưới không đủ”.
Còn bà Lê Thị Hồng ở thôn 6, xã Quảng Phú, vụ này cũng gieo cấy trên 5 sào lúa. Đến thời điểm này, ruộng lúa bắt đầu ngậm sữa, chắc hạt.
Bà Hồng cho hay: “Từ khi ruộng lúa bắt đầu đẻ nhánh cũng là lúc thời tiết trở nên nắng nóng bất thường. Nguồn nước dẫn về ruộng không được đều đặn như mọi năm và cũng có lúc bị gián đoạn đến 2 – 3 ngày. Trước tình hình đó, tôi đã chủ động bón thêm các loại phân đạm, phân hữu cơ để cung cấp đủ dưỡng chất cho cây lúa chống chịu với nắng hạn. Qua theo dõi thì ruộng lúa của gia đình tôi đến nay vẫn phát triển bình thường, dù thời tiết bất thuận nhưng năng suất vẫn không bị ảnh hưởng đáng kể là mấy”.
Theo UBND các huyện thì thời gian qua, trước tình hình khô hạn, nguy cơ dịch bệnh phát sinh cao, các cấp chính quyền và người dân đã tập trung tăng cường các biện pháp chăm sóc cây trồng, phòng chống hạn, sâu bệnh nhằm bảo vệ kết quả sản xuất vụ đông xuân cho đến cuối vụ.
Theo đó, các ngành chức năng, địa phương đã phân công cán bộ về cơ sở hướng dẫn bà con nông dân thực hiện tốt việc đầu tư chăm sóc để cây trồng trong vụ phát triển tốt, có sức đề kháng với dịch bệnh và những diễn biến bất thuận của thời tiết.
Đặc biệt, ngành thủy nông và các địa phương cũng đã tích cực kiểm tra, bảo vệ, quản lý tốt các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương, thực hiện tốt việc điều tiết nước, cân đối, sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn nước tưới.
Các cấp ngành, địa phương còn triển khai hiệu quả các chương trình tập huấn, chuyển giao các biện pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng, áp dụng giống mới kháng bệnh, năng suất cao cho nông dân. Nhờ đó, tại các cánh đồng, nương rẫy chủ động được nguồn nước thì cây trồng vẫn sinh trưởng, phát triển ổn định, hứa hẹn mang lại kết quả như mong đợi.
Có thể bạn quan tâm
Từ điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi và kinh nghiệm sẵn có, nông dân xã Phú Thuận (Thoại Sơn - An Giang) đang phục hồi, mở rộng vùng nuôi tôm càng xanh với diện tích 502 héc-ta, trở thành vùng chuyên canh lúa-tôm lớn nhất tỉnh.
Mấy năm gần đây, phong trào nuôi chim yến trên địa bàn Cà Mau phát triển mạnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân, giải quyết nguồn lao động lớn cho địa phương.
Trong khi dịch bệnh gia súc, gia cầm vừa mới cơ bản được khống chế, thì nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản lại đang bùng lên hết sức phức tạp.
Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh đến năng suất, chất lượng lúa, phấn đấu hoàn thành thắng lợi vụ xuân năm 2014, ngành nông nghiệp Hà Nội đã kịp thời tăng cường các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang xuất hiện giống tiêu ghép lạ có gốc ghép là tiêu rừng (tiêu trầu) hay gọi là tiêu Nam Mỹ.