Ào Ạt Xây Trại Gà Cho Thuê
Gần 3 năm nay giá gà thịt bấp bênh, dịch bệnh lại luôn đe dọa nên một số chủ trang trại không còn vốn để “liều”. Ngày càng nhiều chủ trang trại gà chọn giải pháp cho thuê chuồng trại hoặc nuôi gia công.
Giá gà thịt thường xuyên xuống dưới giá thành, trong khi chi phí đầu vào lại liên tục tăng nên giới chăn nuôi rất ít lãi. Có những thời điểm các trang trại chăn nuôi lớn lỗ tiền tỷ. Để giảm bớt rủi ro, nhiều trang trại chấp nhận “ngồi chơi xơi nước” cho thuê lại chuồng trại kiếm lời.
* Bỏ bạc tỷ, lượm bạc cắc
Tại Đồng Nai, nhiều chủ trang trại đã sửa sang lại chuồng trại hoặc vay vốn đầu tư chuồng trại mới cho các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, như: Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh (huyện Trảng Bom)... thuê lại. Với hình thức đầu tư này, nếu đã có sẵn đất và một phần tiền đầu tư sẽ nhanh lấy lại vốn, còn nếu phải thuê đất và vay vốn thì khá lâu mới thu hồi được.
Ông Âu Thanh Long, KP.1, phường An Bình (TP.Biên Hòa), cho biết: “Tôi có sẵn đất tại huyện Xuân Lộc, Vĩnh Cửu nên đã vay vốn đầu tư 5 trại cho thuê, trang bị hệ thống chuồng lạnh để cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam thuê. Thời gian cho thuê là 8-10 năm, 6 năm đầu là thu hồi vốn, sau đó mới có lời. Nếu tính chi li, lợi nhuận chỉ cao gấp 1,5 lần so với tiền gửi ngân hàng”.
Cách làm này nhiều trang trại gọi là “bỏ bạc tỷ, lượm bạc cắc” vì đầu tư khoảng gần 2 tỷ đồng/trại, nếu ký được hợp đồng 10 năm sẽ thu được khoảng 4 tỷ đồng/trại, trừ vốn vay và lãi suất hết 2,5 tỷ đồng, còn lãi khoảng 1,8 tỷ đồng trong 10 năm.
“Nếu các chủ trang trại đầu tư trại nuôi đúng yêu cầu về kỹ thuật và nằm trong vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi của tỉnh, công ty sẽ thuê lại từ 8-10 năm” - ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh, khẳng định. Cũng theo ông Tuấn, một trại nuôi quy mô chừng 20 ngàn con gà/lứa, đầu tư khoảng 1,7-2 tỷ đồng, công ty thuê lại với giá 32-35 triệu đồng/tháng.
* Chấp nhận lãi ít
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ 16 trại gà với quy mô gần 100 ngàn con ở ấp Đức Long 2, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), những trại có kinh nghiệm nuôi lâu năm nên nuôi gia công sẽ nhanh thu hồi vốn hơn. “Nuôi gà gia công nếu chăm sóc tốt, tỷ lệ hao hụt thấp thì khoảng 4 năm thu hồi được vốn và sau đó bắt đầu có lời. Với thực trạng khó khăn của nghề nuôi gà hiện nay, chỉ có 2 cách là nuôi gia công hoặc cho thuê chuồng trại mới tồn tại được” - ông Sơn chia sẻ.
Tuy là người chăn nuôi gà lớn nhất huyện Thống Nhất với kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề, hơn 1 năm nay ông Sơn cũng phải chọn giải pháp nuôi gia công cho Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh và cho thuê trại.
Tuy nhiên, theo nhiều chủ trại, nuôi gà gia công cũng ẩn chứa không ít rủi ro. Trước hết, nếu để xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt đàn cao thì cầm chắc thua lỗ. Ngoài ra, giá gà liên tục xuống dưới giá thành trong 3-4 tháng liền, các công ty thuê nuôi gia công sẽ giảm 1-2 lứa/năm, hoặc kéo dài thời gian bắt gà thành phẩm, người nuôi lời rất ít, thậm chí lỗ vốn, vì gà nuôi quá lứa có tỷ lệ hao hụt rất cao.
Ông Kiều Minh Lực, Trợ lý tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, cho biết: “Công ty đang có kế hoạch mở rộng chăn nuôi tại Đồng Nai và nhiều tỉnh khác. Những nơi nào xây dựng chuồng trại đáp ứng được yêu cầu, công ty sẽ ký hợp đồng gia công hoặc thuê lại trại để nuôi. Thời gian thuê có thể từ 10-15 năm”.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, Đồng Nai có 327 trại gà thì đã có trên 180 trại nuôi gia công và cho các công ty thuê lại. Tỷ lệ cho thuê trại để nuôi chưa quá lớn, nhưng đây là xu hướng mới đang được một số người có đất đai, điều kiện kinh tế đầu tư để kiếm lời.
Hiện nay, tổng đàn gà của toàn tỉnh là 12 triệu con, trong đó trên 60% thuộc các công ty nước ngoài. Ngoài ra, Đồng Nai cũng có 267 trang trại chăn nuôi heo đã chuyển sang nuôi gia công cho các công ty nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 20.4, ông Võ Tấn Đại - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Bình Dương (Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết, địa phương đang vào vụ thu hoạch ớt vụ đông xuân 2011- 2012.
Phần lớn lúa đông xuân niên vụ 2011-2012 đang còn ở trên đồng, nhưng nông dân nhiều tỉnh ĐBSCL đã lại nôn nóng xuống giống lúa vụ xuân hè (hè thu sớm) trên diện tích lớn. Và một diện tích lớn vụ này đã sớm bị nhiễm rầy nâu.
Nói tới nghề nuôi chim yến, người ta thường nghĩ ngay tới các vùng ven biển như Khánh Hòa, Vũng Tàu, Tiền Giang, Cần Giờ - TP HCM… Nhưng ít ai biết rằng, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng lại đang phát triển nghề nuôi chim yến, mở ra hướng chăn nuôi mới cho người dân nơi đây.
Trùn quế là loại thức ăn giàu đạm giúp các loại gia cầm như: gà, vịt, bồ câu... lớn nhanh. Không những thế trùn quế còn có khả năng rất đặc biệt là có thể xử lý phân gia súc, gia cầm thành loại phân vi sinh giàu dinh dưỡng dùng để bón cây trồng. Nắm bắt được lợi ích đó, anh Nguyễn Văn Tánh ở thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết - Bình Thuận) đã mạnh dạn đầu tư nuôi trùn quế. Hiện mô hình này đã mang lại nguồn lợi lớn cho gia đình anh.
Muốn giữ vững thị trường lớn cho xuất khẩu rau quả như thị trường EU, không còn cách nào khác, chúng ta phải kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong rau quả.