Anh Long Làm Giàu Từ Nuôi Trâu
Từng thuộc diện nghèo khó ở địa phương, nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân, vợ chồng anh Ngô Kim Long (SN 1976) ở thôn Nho Lâm, xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa - Phú Yên) đã vươn lên thoát nghèo, trở thành nông dân sản suất kinh doanh giỏi nhờ nuôi trâu.
Thuở nhỏ, Ngô Kim Long sống trong gia đình nghèo khó. Kinh tế gia đình khó khăn nên học chưa hết lớp 10, Long phải nghỉ giữa chừng để đi làm thuê phụ ba mẹ kiếm tiền. Đến khi dành dụm được ít tiền, Long cùng anh trai bôn ba khắp vùng tìm mua heo con, sau đó thuê xe chở vào tỉnh Khánh Hòa bán lại kiếm lời.
Anh Long cho biết: “Nghề buôn heo bấp bênh lắm, lúc gặp may thì cũng kiếm được kha khá, nhưng lúc không may thì thua lỗ nhiều. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn thấy nếu có tiền đầu tư nuôi trâu thì chắc chắn gia đình sẽ có ăn, mà lại không phải hồi hộp lo bị chèn ép giá như buôn bán heo”.
Năm 2000, sau khi lập gia đình, anh Long gom hết số tiền hai bên gia đình cho để đầu tư mua trâu về nuôi. Vốn liếng không nhiều nên thời gian đầu, anh Long phải vừa nuôi trâu, vừa chạy xe ôm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Sau 7 năm gầy đàn, gia đình anh đã có được đàn trâu 15 con. Vợ chồng anh tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng của ngân hàng để đi buôn trâu.
Anh Long kể: “Với số vốn này, tôi lặn lội khắp nơi tìm mua trâu, hễ nghe nơi nào có ai kêu bán trâu là tôi tìm đến. Số trâu mua được, tôi cho nhập đàn để nuôi vỗ béo, đến lúc trâu mập thì bán kiếm lời. Số tiền lời kiếm được, tôi tiếp tục mua thêm trâu về thả nuôi”. Với cách làm như vậy, đến nay, vợ chồng anh đã sở hữu gần 200 con trâu, lãi ròng mỗi năm gần 400 triệu đồng.
Theo anh Long, để phát triển đàn trâu và có chỗ chăn thả, anh phải tách đàn và nuôi ở 3 địa điểm, một đàn tại huyện Sông Hinh, một đàn tại xã Hòa Định Tây (Phú Hòa) và một đàn ở tỉnh Gia Lai. Để không bị mất trâu, vợ chồng anh thuê thêm 15 người chăn trâu. Những lao động này được gia đình anh bao ăn, ở và trả tiền công từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Long cho biết: So với bò thì trâu dễ nuôi hơn nhiều vì sức đề kháng của trâu cao hơn, ít dịch bệnh, mùa mưa gió cũng không cần dựng chuồng trại, trong khi đó giá bán của trâu cũng tương đương với bò. Hiện giá mỗi trâu con một năm tuổi từ 13 đến 15 triệu đồng, còn trâu lớn có giá từ 25 đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, để thuận tiện hơn trong việc di chuyển đàn và tiết kiệm chi phí chuyên chở, gia đình anh còn mua một xe tải nhỏ phục vụ việc chăn nuôi và buôn trâu.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Quang Bắc Võ Đông Sơ nhận xét: Ngoài nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại xã Hòa Quang Bắc, nhiều năm qua, anh Ngô Kim Long còn hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng anh Long mà nhiều gia đình khó khăn của địa phương đã vơi bớt gánh nặng về kinh tế, ổn định được cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Theo các chủ tàu chi phí viền thép sẽ tăng kinh phí lên từ 200- 250 triệu/chiếc, nhưng ngư dân nào cũng làm. Bởi ngoài việc chống xước lưới mỗi khi kéo cá về, viền thép sẽ tăng độ chịu va chạm giữa các tàu với nhau, nhất là những cú va chạm lớn. Mỗi lần vươn khơi, rủi ro luôn rình rập ngư dân. Do vậy việc chọn cách viền thép cho tàu, họ mong muốn tăng độ an toàn để có được những phiên biển dài ngày hơn.
Cây bắp có vị trí quan trọng sau cây lúa. Hiện ở ĐBSCL, cây bắp được đưa vào luân canh trên đất lúa nhằm giảm bớt sức ép sản xuất nhiều lúa gạo mà giá cả không ổn định, trong lúc thiếu thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu hơn 3 tỷ USD/năm.
Philippines nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo từ Việt Nam vào tháng 5 – 8/2014 để dự trữ và kiểm soát giá gạo trong nước. Hiện nước này đang lên kế hoạch nhập khẩu thêm 200.000 tấn gạo giao tháng 9/2014 nhằm đảm bảo lương thực sau khi cơn bão Thần Sấm tàn phá nhiều vùng trồng lúa trong cả nước.
Huyện Tủa Chùa hiện có 66 công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới cho 1.101,5ha lúa mùa; 368ha lúa chiêm và 4ha thủy sản. Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi còn đảm bảo nước tưới cho trên 300ha rau màu, cây công nghiệp; cung cấp hàng triệu mét khối nước phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi.
6.000 tấn bán sang Trung Quốc mỗi ngày như hiện tại (riêng cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn) thì chỉ hơn tuần nữa dưa hấu lại khan hiếm.