Chống Hạn Cho Vụ Đông Xuân
Nắng nóng kéo dài, lượng nước mưa bổ sung ít, nên nhiều hồ chứa nước do các địa phương quản lý đã khô cạn, khiến cho hàng ngàn héc-ta cây trồng vụ Đông Xuân (ĐX) 2013-2014 bị hạn. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, về việc triển khai các biện pháp chống hạn bảo vệ cây trồng vụ ĐX.
● Xin ông cho biết nguồn nước tưới hiện có tại các công trình thủy lợi trong tỉnh?
- Đến cuối tháng 3, lượng nước tại các hồ thủy lợi trong tỉnh còn 370,9 triệu m3, đạt 64,5% tổng dung tích thiết kế. Trong đó, lượng nước tại các hồ chứa do Công ty Khai thác các công trình thủy lợi còn 296,6 triệu m3, đạt 64,8%; các hồ chứa do các địa phương quản lý còn 73,9 triệu m3, đạt 63,2%.
Tuy nhiên, có nhiều hồ chứa nước do các địa phương quản lý đã khô cạn. Tại huyện Phù Cát, có 7 hồ chứa nước: Hóc Ổi, Phú Dõng, Tân Lệ, Hóc Sanh, Đá Bàn, Ông Quy, Hóc Quy đã cạn nước. Tại huyện Vân Canh có các hồ: Suối Mây, Làng Trợi, Tổ Bảy không còn nước. Ngoài ra, các hồ: Cây Ké (Tuy Phước);
Đèo Cạnh (An Lão) và hồ Hóc Lách (Tây Sơn) cũng đã khô cạn, không còn khả năng cung cấp nước tưới cho cây trồng. Hiện nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng hạn cục bộ ở nhiều mức độ khác nhau, nhiều diện tích cây trồng sản xuất ở những vùng chân cao sạ cưỡng, vùng hưởng nước từ các hồ chứa nước nhỏ và các con suối bị thiếu nước tưới.
● Như vậy, hạn hán đang xảy ra ở mức độ nào, thưa ông?
- Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, toàn tỉnh có 2.957 ha cây trồng (2.300 ha lúa và 657 ha hoa màu) bị hạn, trong đó có 800 ha (233 ha lúa và 567 ha hoa màu) có khả năng mất trắng. Diện tích cây trồng vụ ĐX cần phải bơm tát bổ sung từ 2-7 lứa nước để chống hạn là 2.067 ha lúa và trên 92,75 ha hoa màu.
Qua kiểm tra, tại huyện An Lão có 149,55 ha cây trồng bị thiếu nước tưới, trong đó có 48,7 ha cây trồng có nguy cơ mất trắng, diện tích đang bơm tát chống hạn là 100,85 ha. Hoài Ân có 18 ha lúa bị thiếu nước, trong đó có 11 ha có khả năng mất trắng, diện tích đang bơm tát chống hạn là 7 ha. Phù Mỹ có 1.463 ha lúa bị thiếu nước, trong đó có 877 ha có khả năng bị ảnh hưởng tới năng suất từ 30-50%. Phù Cát có 300 ha lúa bị thiếu nước tưới, trong đó có 76 ha có khả năng mất trắng.
Tây Sơn có 86 ha lúa bị thiếu nước, trong đó có 5 ha đã bị chết, 81 ha lúa có đủ nước để bơm tát chống hạn. Vĩnh Thạnh có 585 ha hoa màu (55 ha đậu phụng và 530 ha đậu đen) bị thiếu nước, trong đó có 530 ha đậu đen bị mất trắng. Các huyện Vân Canh, Tuy Phước và TP Quy Nhơn cũng có hàng trăm ha lúa bị hạn.
● Ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương đã triển khai biện pháp gì để hạn chế thiệt hại, thưa ông?
- Trước tình hình hạn cục bộ xảy ra ở nhiều địa phương, Sở NN-PTNT đã thành lập 3 tổ công tác phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra nguồn nước hiện có tại các hồ chứa, lưu lượng dòng chảy các sông, suối và đánh giá một cách cụ thể về diện tích, loại cây trồng bị hạn, diện tích có thể bơm tát chống hạn, đồng thời hướng dẫn các địa phương các biện pháp phòng chống hạn, bảo vệ cây trồng.
Hiện nay, các địa phương đang sử dụng các công trình phục vụ chống hạn đã có trước đây và tận dụng nguồn nước từ các dòng sông, suối để bơm tát, áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, cắt nước vùng ruộng đã chín để tập trung nước cho các vùng đang bị hạn.
Tại huyện An Lão, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và các tổ chống hạn khẩn cấp, phối hợp khảo sát tình hình thiếu nước tại các địa phương, xây dựng phương án chống hạn cho từng vùng. Các HTXNN, tổ thủy nông huy động nhân dân, nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên tích cực nạo vét kênh mương, đắp các đập bổi tạo nguồn nước tưới và sinh hoạt. Phòng NN-PTNT hướng dẫn nông dân tưới nước theo từng lứa để tiết kiệm nước; các chủ hồ chứa điều tiết cung cấp nước hợp lý.
Tại huyện Hoài Ân, diện tích bị hạn chủ yếu tập trung ở xã Bok Tới, ĐakMang. Qua kiểm tra, chúng tôi thấy ở hai địa phương này không có nguồn nước chống hạn cho diện tích có khả năng mất trắng, còn khoảng 5 ha lúa ở xã Bok Tới bị giảm năng suất đã đến thời kỳ thu hoạch. Ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn… phương án chống hạn cho cây trồng cũng đã được chính quyền các địa phương triển khai.
Riêng tại huyện Phù Mỹ, UBND huyện đã chỉ đạo cho các xã: Mỹ Châu, Mỹ Thắng, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi… tận dụng nước từ hồ chứa nước nhỏ và từ các đập dâng, đập bổi trên các con sông, sử dụng các máy bơm để tưới cho cây trồng. Nhiều nông dân cũng đã đóng giếng lấy nước ngầm để chống hạn.
Về kinh phí, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh cho phép các địa phương sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí để chống hạn. Bên cạnh tăng cường công tác chống hạn, các địa phương hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thống kê cụ thể diện tích lúa và hoa màu vụ ĐX bị mất trắng hoặc giảm năng suất do nắng hạn báo cáo về Sở NN-PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai mất mùa.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Mỗi năm trang trại nuôi chim cút của anh Hưng cho thu lãi gần trăm triệu đồng, tạo điều kiện cho một số lao động địa phương với mức thu nhập khá...
Với hơn 20 ha trồng cam sành, mỗi năm đem về cho gia đình ông Lê Văn Hít (Năm Hít) ở ấp 3, xã Phú An, huyện Cai Lậy, Tiền Giang không dưới 500 triệu đồng.
Hiện nay khi tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên đàn vật nuôi thì việc vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh càng được các hộ chăn nuôi đặc biệt quan tâm. Và nuôi lợn theo mô hình khép kín của gia đình anh Bùi Danh Dự, phố Chu Văn An, thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) là một ví dụ điển hình, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như giảm khả năng mắc bệnh và lây truyền bệnh cho vật nuôi.
Là địa phương có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy, hải sản cả trong đầm nuôi lẫn trên dòng sông Mã, tuy nhiên, nhiều năm, người dân xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) chỉ quen nuôi con tôm, cua và các loại nhuyễn thể trong khu vực ao đầm mà bỏ qua lợi thế trên sông.
Để giải quyết lao động nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho người dân, thời gian gần đây các địa phương ở Quảng Nam đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.