Ấm No Nhờ Cây Sắn
Từ chỗ quanh năm chỉ biết đốt nương làm rẫy, một năm may ra chỉ đủ ăn từ 3 đến 5 tháng thì nay nhờ vào cây sắn mà cuộc sống của người dân vùng Lìa đã khởi sắc, không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà nhiều hộ đã làm giàu từ cây sắn trên vùng đất khó ngày nào.
Ngôi nhà sàn trị giá 150 triệu đồng của anh Hồ Văn Pờng ở bản 1, xã Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được hoàn thành vào năm 2013 từ tiền thu hoạch 3 ha sắn. “Nhờ cây sắn mà gia đình mình có nhà đẹp để ở, có ti vi để xem, có xe máy để đi, con cái được học hành đàng hoàng.
Trước kia cũng trồng sắn nhưng không đủ ăn, mỗi năm thiếu đói tới 7-8 tháng. Từ ngày có nhà máy sắn Hướng Hóa đứng chân trên địa bàn, thu mua sắn cho bà con, việc trồng sắn gia đình mình đã đỡ vất vả đi nhiều, cuộc sống no đủ hơn. Hiện nay mình đã là thành viên CLB 100 triệu đồng của nhà máy sắn. Bây giờ có cây sắn, có nhà máy thu mua thì không phải lo gì hết, chỉ lo không đủ sức để trồng”, anh Pờng xởi lởi cho hay.
Hồ Văn Pờng vui mừng cho biết thêm, trước kia khi chưa trồng sắn thì khó khăn nhiều, ăn không đủ, mặc không đủ nhưng bữa nay trồng sắn chăm chỉ là có ăn. Anh Pờng bảo rằng nếu chỉ dựa vào tập quán “phát đốt cốt trỉa” như năm xưa, chỉ dựa vào cây lúa khô thì chẳng bao giờ dân bản thoát nghèo chứ nói gì đến chuyện làm giàu.
Cũng như gia đình anh Pờng, ông Cuôi Thông ở bản 7, xã Thuận, người có 60 năm gắn bó với mảnh đất này cho biết: “Vùng đất này đã từng có nhiều dự án đầu tư nhưng tất cả đều thất bại, chỉ từ khi có nhà máy sắn, cuộc sống của bà con mới bước sang trang mới. Bây giờ bà con đã gắn bó với cây sắn, coi sắn là cây dễ làm giàu và dễ đổi đời nhất”.
Ông Thông cho rằng, cây sắn là cây ngắn ngày dễ làm, cho thu hoạch ngay mỗi vụ nên bà con dân bản ưng cái bụng. Ông cho biết thêm, thời gian gần đây cây cà phê, cao su dù là cây trồng cho giá trị kinh tế cao nhưng liên tục rớt giá khiến bà con hoài nghi về sự bền vững của các loại cây trồng này.
“Về lâu dài thì cây cà phê, cao su chắc chắn sẽ khá nhưng hiện tại cây sắn mới là cây làm giàu cho dân bản vùng Lìa. Dù rất ít tốn công chăm sóc, phân bón nhưng hiệu quả kinh tế lại rất cao khiến ai cũng vui mừng và chăm chỉ bám rẫy nương.
Cứ mỗi xe sắn trị giá từ 15-20 triệu đồng thì mỗi héc ta sắn cũng cho thu nhập từ 60- 70 triệu đồng. Gia đình nào làm nhiều thì thu được hàng trăm triệu, ít thì cũng được vài chục triệu. Nói chung cuộc sống của dân bản vùng Lìa chúng tôi đổi thay từ ngày cây sắn “lên ngôi”, ông Thông bày tỏ niềm vui.
Không chỉ bà con người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô mà ngay cả những hộ dân di cư từ đồng bằng lên lập nghiệp tại vùng Lìa cũng đã đổi đời từ cây sắn và các loại cây trồng khác như cà phê, cao su. Anh Lê Chánh, một nông dân ở huyện Hải Lăng từ chỗ nghèo khó đã vươn lên thoát nghèo từ ngày lên lập nghiệp ở xã A Dơi.
Anh Chánh cho biết: "Ở quê làm ruộng quần quật quanh năm nhưng vẫn rất khó khăn. Thế là tôi quyết định gom góp tiền bạc lên đây mua 2 ha đất để quyết chí làm giàu. Tôi trồng cà phê và cao su là chủ yếu, nhưng cũng dành 1 ha để trồng thêm sắn nhằm mục đích lấy ngắn nuôi dài.
Không ngờ thu nhập từ sắn lại đến 50-60 triệu đồng mỗi vụ/ha. Tính ra nếu không nhờ cây sắn thì có lẽ tôi chẳng biết lấy đâu ra kinh phí để nuôi vườn cà phê, cao su. Tôi đang tính sẽ thuê thêm đất để trồng sắn nhằm nâng cao thu nhập”.
Để hiểu thêm về cây sắn ở vùng Lìa, chúng tôi đã tìm gặp ông Phạm Xuân San, một người dân quê ở huyện Triệu Phong lên xây dựng vùng kinh tế mới từ năm 1994. Ông San đã có hơn 20 năm gắn bó với vùng đất này, trong đó có 15 năm giữ cương vị là Phó Chủ tịch UBND xã Thuận. Bởi vậy ông hiểu rất rõ giá trị và vai trò của cây sắn đối với người dân nơi đây.
Ông San cho biết, cột mốc đánh dấu sự đổi đời của người dân vùng Lìa bắt đầu từ năm 2004, khi Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa được xây dựng trên địa bàn. Cán bộ nhà máy đã tích cực hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc đồng thời thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định.
Từ chỗ nghèo khó triền miên nhưng đến nay thu nhập bình quân trên đầu người của xã Thuận đã đạt 10,8 triệu đồng và bình quân mỗi hộ đạt 57 triệu đồng mỗi năm. Cũng từ đây đã xuất hiện CLB 100 triệu đồng, đến nay đã có 60 hội viên được kết nạp vào CLB này, một điều mà trước đó không một ai ở vùng đất này dám nghĩ tới.
Ông San khẳng định: “Trên địa bàn vùng cao của Quảng Trị nói chung và vùng Lìa nói riêng thì đến thời điểm này có thể khẳng định, cây sắn là cây xóa đói giảm nghèo nhanh nhất đối với bà con. Riêng với xã Thuận, từ năm 2003 đến năm 2014 cây sắn là cây chủ lực trong xóa nghèo và làm giàu. Người dân từ chỗ thiếu đói gần như 100% thì đến nay toàn xã chỉ còn 14% hộ nghèo.
Một số xã khác ở vùng Lìa này cũng có tốc độ giảm nghèo nhanh, bền vững. Hầu hết các gia đình ở vùng này nay đã có nhà ở khang trang, có phương tiện nghe nhìn, phương tiện đi lại, con cái đều được đến trường học chữ. Đó là hiệu quả sinh động và thực tế nhất mà cây sắn đã mang lại”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Thanh Tùng, Phó Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa cho biết: “Bây giờ bà con vùng Lìa rất phấn khởi vì cuộc sống đã ấm no, đầy đủ nhờ cây sắn mang lại. Hầu như gia đình nào cũng chăm chỉ chăm sóc vườn sắn và phấn đấu để được đứng vào CLB 100 triệu đồng, vì vào được sẽ được hỗ trợ nhiều hơn nữa.
Chúng tôi cũng luôn khuyến khích, hỗ trợ nhiều mặt cho bà con trong vùng tập trung chăm sóc cây sắn để đảm bảo vùng nguyên liệu, tạo thuận lợi cho họat động của nhà máy”.
Từ chỗ dè dặt, chỉ trồng được 50-60 ha ban đầu, đến nay cây sắn đã phủ khắp mọi nơi ở vùng Lìa với tổng diện tích đã lên đến 4.000 ha. Mỗi năm thu nhập từ cây sắn mang về cho bà con vùng Lìa trên 100 tỷ đồng - một con số đáng kinh ngạc mà không có bất kỳ một loại cây nào có thể làm được trong một thời gian ngắn như vậy.
Nhiều người dân chúng tôi gặp đã nói rằng rồi mai đây cây cao su, cà phê có thể phát triển ở đây nhưng cây sắn vẫn là cây chủ lực của bà con, bởi một lẽ cây sắn hợp với thổ nhưỡng và tập quán sản xuất của bà con, trồng sắn họ không phải vất vả để tìm đầu ra như nhiều loại cây khác.
Chia tay vùng Lìa khi ráng chiều dần che phủ lên những nếp nhà sàn khang trang, bề thế, nhìn những đàn trẻ thơ tung tăng cặp xách trở về bản làng sau buổi đến trường, những người dân bản hồn hậu thảnh thơi nghỉ ngơi sau một ngày lao động, có thể hiểu rằng cuộc sống của họ đã khởi sắc rất nhiều, đặc biệt là từ ngày cây sắn bén rễ, phát triển nơi vùng đất này.
Có thể bạn quan tâm
Tận dụng lợi thế của một địa phương miền núi, với nhiều diện tích vườn cây ăn quả, đồi rừng, người dân xã Thành Kim (Thạch Thành - Thanh Hóa) đã phát triển nghề nuôi ong mật. Từ những hộ nuôi ban đầu cho hiệu quả kinh tế cao nên xã đã khuyến khích các hộ có điều kiện nhân rộng đàn ong.
Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai cho hay, trong 6 tháng của năm 2015, các doanh nghiệp trên địa bàn đã nhập khẩu gần 1,1 triệu tấn bắp. Để nhập khẩu lượng bắp trên, các doanh nghiệp phải chi ra gần 259 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước thì bắp nhập khẩu tăng gần 60% về lượng và 75% về giá.
Hàng chục triệu hộ chăn nuôi sẽ sống ra sao khi mà chỉ cần 10 doanh nghiệp nhập khẩu bò là đủ đáp ứng nhu cầu của hơn 90 triệu dân?
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 5, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là trên 12.070 ha, bằng 54% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 2,22% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Trong đó, diện tích tôm nuôi bị bệnh trên 6.936 ha, bằng 45% so với cùng kỳ năm 2014; không xác định nguyên nhân 1.012 ha, còn lại là do biến đổi môi trường, thời tiết.
Trong nửa tháng qua, giá tôm nước lợ (tôm sú và thẻ chân trắng) tại các vùng nuôi tôm phía Đông của tỉnh Tiền Giang tăng cao từ 13.000 - 20.000 đồng/kg, nông dân nuôi tôm rất phấn khởi. Mặt khác, thời tiết trong những ngày gần đây bắt đầu dịu trở lại do tác động của những cơn mưa lớn, nên người dân tiến hành thả giống cho vụ nuôi mới.