Ảm đạm thị trường cá tra giống

Huyện Hồng Ngự có vùng ương nuôi cá tra giống lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Phú Thuận B, với 50 cơ sở sản xuất cá tra giống nhân tạo, cung ứng ra thị trường khoảng 50 tỷ cá tra bột và gần 150 triệu cá giống các loại mỗi năm.
Ương nuôi cá tra giống là một trong những thế mạnh của xã Phú Thuận B. Gần đây, người nuôi cá tích cực tiếp cận khoa học công nghệ mới nên trình độ sản xuất giống đã nâng lên, luôn đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, do việc tiêu thụ khó khăn và giá cá tra giống thấp như hiện nay nên nhiều cơ sở sản xuất cầm chừng.
Ông Nguyễn Văn Lo, ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B đã có hơn 7 năm kinh nghiệm sản xuất cá giống cho biết: “Khoảng 5 năm trước giá cá tra giống tăng mạnh và ở mức cao nên nhiều cơ sở trên địa bàn ăn nên làm ra. 2 năm trở lại đây chỉ sản xuất để có tiền mua thức ăn cho đàn cá giống mới, nhiều lúc giá cá giảm gây thua lỗ”.
Toàn xã Phú Thuận B có hơn 1.450 ao nuôi thủy sản, với tổng diện tích hơn 220 ha. Song hiện nay hoạt động sản xuất cá tra giống rất ảm đạm.
Ông Phạm Văn Đủ, ấp Phú Lợi A, xã Phú Thuận B, chia sẻ: "Cơ sở của tôi có hơn 500 con cá giống bố mẹ, 30 - 45 ngày mới xuất được một mẻ cá bột. Hiện nhiều lúc không xuất được do người dân không nuôi nữa hoặc chuyển sang nuôi loài cá khác.
Giá cá giống 2 năm nay luôn ở mức thấp nên tôi chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng. Để tồn tại tôi phải nuôi thêm cá hương (loại cá giống từ 1 đến 3 tháng tuổi), song thu nhập cũng không khả quan lắm".
Theo các cơ sở nuôi cá giống, hiện giá cá hương loại 2.000 con/kg giá 40 - 45đ/con; cá loại 1.000 con/kg giá 70 - 80đ/con. Với giá này người nuôi không có lợi nhuận hoặc có thể lỗ do cá bố mẹ, thức ăn, thuốc thú y tăng cao.
Ông Trương Văn Điền, GĐ HTX Thủy sản xã Phú Thuận B cho biết: “Thị trường cá tra giống chưa khởi sắc do giá cá tra thương phẩm giảm, người nuôi thua lỗ nặng nên số lượng treo ao ngày càng nhiều.
Hiện HTX chủ yếu cung ứng bao bì sản phẩm, thuốc thủy sản HCG (kích dục tố)... còn lĩnh vực SX cá tra giống chưa mở rộng nhiều. Hướng tới HTX sẽ liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ cá tra giống”.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự, cho biết: Khoảng 2 năm gần đây số hộ hạn chế diện tích hoặc bỏ nghề SX cá tra giống chiếm gần một nửa. Nguyên nhân do tỷ lệ hao hụt quá nhiều, chiếm đến 40 - 50%, giá bán ra cũng giảm mạnh.
Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, cho biết: Nguyên nhân khiến cá tra giống giảm mạnh trong thời gian qua là do thị trường XK cá tra những tháng đầu năm gặp khó khăn (giá cá nguyên liệu giảm xuống 21.500 – 22.000đ/kg), từ đó người nuôi không dám mạo hiểm thả giống tiếp, kéo theo giá cá tra giống giảm mạnh.
Hiện toàn tỉnh có 88 cơ sở sản xuất cá tra bột và nhân giống cá tra, nhiều nhất là các huyện Hồng Ngự, Châu Thành và Cao Lãnh, cung cấp hơn 8 tỷ con/năm.
Tại An Giang tình hình cũng không sáng sủa hơn. Toàn tỉnh hiện có 23 cơ sở sản xuất cá tra bột với tổng đàn cá tra bố mẹ khoảng 57.000 con, đủ cung cấp cho nhu cầu ương nuôi trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Thời điểm đầu năm 2012, giá cá tra giống (loại 35 - 40 con/kg), dao động trong khoảng 1.000 - 1.400đ/con, nay giảm xuống chỉ còn 600 - 700đ/con, tương đương với khoảng 20.000đ/kg. Trong khi đó, để sản xuất được 1 kg cá tra giống người nuôi phải đầu tư nhiều khoản như: Tiền thức ăn, thuốc thú y thủy sản, tiền cải tạo ao và các chi phí khác... tính ra khoảng 20.000 - 22.000đ/kg (chưa kể công).
Với giá bán cá tra giống hiện nay, người ương cá tra giống lỗ từ 3.000 - 5.000đ/kg. Với năng suất bình quân đạt 1 - 2 tấn cá giống/công, tính ra người ương cá tra giống lỗ từ 3 - 10 triệu đồng/công.
Có thể bạn quan tâm

Để khắc phục những tồn tại đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP”giai đoạn 2014 - 2016 nhằm hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngày 30-1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH Việt Nam (Công ty CP TH), thuộc Tập đoàn TH – THMilk, công bố Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2013, xã vận động nông dân dồn điền đổi thửa, chuyển một số đất trồng mía sang trồng rau rồi thành lập tổ hợp tác (THT) Rau an toàn tại 3 thôn Ninh An, Phước Hưng Nam và Thạch Nham Tây, nhưng quy mô, hiệu quả nhất là vùng rau Ninh An.

Tình hình nắng hạn kéo dài từ giữa năm 2014 đến nay đã gây ảnh hưởng đến năng suất nhiều loại cây trồng của người nông dân trong tỉnh. Mặc dù là loại cây chịu hạn tốt nhưng với người trồng mía trên địa bàn huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), địa phương được xem là “thủ phủ” mía của cả tỉnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Hiện, giá hạt quế được các thương lái thu mua tại chỗ là 280.000 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay (mức giá trung bình những năm trước chỉ đạt 70.000 đồng/kg). Ước tính hết vụ quế này, người trồng quế Nậm Đét có thể thu về 5 tỷ đồng từ bán hạt quế.