Ám Ảnh Tàu Công Suất Lớn Đánh Bắt Ven Bờ

Việc vi phạm quy định làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của một bộ phận ngư dân dẫn đến tình trạng tranh chấp, gây mất an ninh trật tự.
Theo quy định, những tàu đánh cá có công suất từ 90 mã lực (CV) trở lên phải đánh bắt xa bờ, thế nhưng gần đây nhiều tàu công suất lớn đã vào sát vùng biển Lý Sơn đánh bắt, gây bức xúc cho ngư dân địa phương. Khu vực này là ngư trường đánh bắt cá cơm quen thuộc của ngư dân Lý Sơn, vì vậy dẫn đến tình trạng tranh chấp ngư trường, gây mất an ninh trật tự.
Các tàu thuyền có công suất lớn của ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định vào vùng biển cách đảo Lý Sơn khoảng 1 hải lý dùng các thiết bị đánh bắt cá mang tính hủy diệt để khai thác thủy sản, gây bức xúc cho ngư dân địa phương. Quá bất bình, ngư dân Lý Sơn đưa tàu thuyền ra ngăn cản, dẫn đến xung đột.
Cụ thể vào ngày 26/6, hai tàu cá của ngư dân xã An Vĩnh chạy đến khu vực ngư dân tỉnh Khánh Hòa đánh bắt để ngăn cản, xua đuổi đã xảy ra va chạm, gây hậu quả chìm tàu làm 1 người bị thương. Trước tình hình trên, UBND huyện Lý Sơn kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi công văn đến các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định nhờ can thiệp.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tàu công suất lớn trên 90 CV đánh bắt ven bờ, hầu như khai thác cạn kiệt các nguồn hải sản gần bờ. Chính điều đó ảnh hưởng nguồn thu rất lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi rất lớn của một số ngư dân khai thác gần bờ. Vì vậy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra xung đột.
Đồn Biên phòng huyện Lý Sơn đã tổ chức gần 20 đợt kiểm tra, kiểm soát hơn 30 phương tiện. Qua kiểm tra, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 10 trường hợp với số tiền 54 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu các thuyền trưởng làm cam kết không được tái phạm.
Thượng tá Đỗ Quốc Đạt, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc kiểm tra, kiểm soát để phát hiện các phương tiện vi phạm rất khó do lực lượng mỏng, phương tiện không đảm bảo.
“Ngư dân đánh bắt vào ban đêm nên phương tiện, máy móc, kỹ thuật của lực lượng biên phòng như ca nô nhỏ, đưa quân đi ra để tuyên truyền để giáo dục để xử lý họ không đảm bảo. Nếu tiến hành thuê tàu của ngư dân đi ra lại bị lộ lọt thông tin đến các thuyền trưởng, khiến các tàu đó tắt đèn chạy ra ngoài xa”, Thượng tá Đạt cho biết.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện chưa có tàu kiểm ngư nên việc kiểm tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên biển gặp nhiều trở ngại.
Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi thông tin, sắp tới tỉnh Quảng Ngãi sẽ phối hợp với kiểm ngư vùng, cùng với Biên phòng tăng cường chấn chỉnh lại các hoạt động trái phép trên vùng biển gần bờ, nhằm bảo tồn nguồn lợi thủy sản và bảo vệ các nghề khai thác nhỏ của ngư dân tàu công suất nhỏ hành nghề gần bờ.
Đánh bắt thủy sản ven bờ đang là nguồn sống của cả ngàn ngư dân Lý Sơn. Khi tôm cá ven bờ cạn kiệt thì ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bộ phận ngư dân này. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng phương tiện công suất lớn đánh bắt gần bờ thì sẽ dẫn đến những va chạm giữa ngư dân địa phương và ngư dân các tỉnh, thành phố khác; gây mất an ninh trật tự trên biển.
Nguồn bài viết: http://vov.vn/kinh-te/quang-ngai-am-anh-tau-cong-suat-lon-danh-bat-ven-bo-366776.vov
Có thể bạn quan tâm

Thông tin từ Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương), nếu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Quốc hội Hoa Kỳ và các nước tán thành, thuế suất tất cả hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này sẽ được xóa bỏ.

Nguồn phụ phẩm rơm rất lớn ở khu vực miền Tây Nam bộ thường bị đốt bỏ sau khi thu hoạch lúa, sẽ được chế biến, xuất khẩu sang Nhật Bản làm thức ăn chăn nuôi.

Trong khi siêu thị nội địa đưa ra mức chiết khấu đối với DN thủy sản tối đa 10%, có nơi chỉ 5 - 6% thì siêu thị ngoại yêu cầu chiết khấu tới 20-25%.

Hoạt động kinh tế trên địa bàn TP.Cần Thơ gặp không ít khó khăn nhưng mức tăng trưởng vẫn đạt khá.

Ngày 18-11, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chủ trì buổi ký hợp tác triển khai dự án án hợp tác chế biến rơm xuất khẩu sang Nhật Bản làm thức ăn trong ngành chăn nuôi giữa Nông trường Sông Hậu với Hiệp hội Xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (J-BIX).