Ám Ảnh Tàu Công Suất Lớn Đánh Bắt Ven Bờ
Việc vi phạm quy định làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của một bộ phận ngư dân dẫn đến tình trạng tranh chấp, gây mất an ninh trật tự.
Theo quy định, những tàu đánh cá có công suất từ 90 mã lực (CV) trở lên phải đánh bắt xa bờ, thế nhưng gần đây nhiều tàu công suất lớn đã vào sát vùng biển Lý Sơn đánh bắt, gây bức xúc cho ngư dân địa phương. Khu vực này là ngư trường đánh bắt cá cơm quen thuộc của ngư dân Lý Sơn, vì vậy dẫn đến tình trạng tranh chấp ngư trường, gây mất an ninh trật tự.
Các tàu thuyền có công suất lớn của ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định vào vùng biển cách đảo Lý Sơn khoảng 1 hải lý dùng các thiết bị đánh bắt cá mang tính hủy diệt để khai thác thủy sản, gây bức xúc cho ngư dân địa phương. Quá bất bình, ngư dân Lý Sơn đưa tàu thuyền ra ngăn cản, dẫn đến xung đột.
Cụ thể vào ngày 26/6, hai tàu cá của ngư dân xã An Vĩnh chạy đến khu vực ngư dân tỉnh Khánh Hòa đánh bắt để ngăn cản, xua đuổi đã xảy ra va chạm, gây hậu quả chìm tàu làm 1 người bị thương. Trước tình hình trên, UBND huyện Lý Sơn kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi công văn đến các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định nhờ can thiệp.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tàu công suất lớn trên 90 CV đánh bắt ven bờ, hầu như khai thác cạn kiệt các nguồn hải sản gần bờ. Chính điều đó ảnh hưởng nguồn thu rất lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi rất lớn của một số ngư dân khai thác gần bờ. Vì vậy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra xung đột.
Đồn Biên phòng huyện Lý Sơn đã tổ chức gần 20 đợt kiểm tra, kiểm soát hơn 30 phương tiện. Qua kiểm tra, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 10 trường hợp với số tiền 54 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu các thuyền trưởng làm cam kết không được tái phạm.
Thượng tá Đỗ Quốc Đạt, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc kiểm tra, kiểm soát để phát hiện các phương tiện vi phạm rất khó do lực lượng mỏng, phương tiện không đảm bảo.
“Ngư dân đánh bắt vào ban đêm nên phương tiện, máy móc, kỹ thuật của lực lượng biên phòng như ca nô nhỏ, đưa quân đi ra để tuyên truyền để giáo dục để xử lý họ không đảm bảo. Nếu tiến hành thuê tàu của ngư dân đi ra lại bị lộ lọt thông tin đến các thuyền trưởng, khiến các tàu đó tắt đèn chạy ra ngoài xa”, Thượng tá Đạt cho biết.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện chưa có tàu kiểm ngư nên việc kiểm tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên biển gặp nhiều trở ngại.
Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi thông tin, sắp tới tỉnh Quảng Ngãi sẽ phối hợp với kiểm ngư vùng, cùng với Biên phòng tăng cường chấn chỉnh lại các hoạt động trái phép trên vùng biển gần bờ, nhằm bảo tồn nguồn lợi thủy sản và bảo vệ các nghề khai thác nhỏ của ngư dân tàu công suất nhỏ hành nghề gần bờ.
Đánh bắt thủy sản ven bờ đang là nguồn sống của cả ngàn ngư dân Lý Sơn. Khi tôm cá ven bờ cạn kiệt thì ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bộ phận ngư dân này. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng phương tiện công suất lớn đánh bắt gần bờ thì sẽ dẫn đến những va chạm giữa ngư dân địa phương và ngư dân các tỉnh, thành phố khác; gây mất an ninh trật tự trên biển.
Nguồn bài viết: http://vov.vn/kinh-te/quang-ngai-am-anh-tau-cong-suat-lon-danh-bat-ven-bo-366776.vov
Related news
Mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên đất lúa đặc biệt đối với địa hình trũng, năng suất lúa thấp, thu nhập nông hộ không ổn định được khắc phục bằng cách đưa nuôi trồng thủy sản vào cơ cấu mùa vụ theo hướng luân canh hoặc xen canh lúa + cá.
Vụ lúa đông xuân (ĐX) chín sớm ở các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL đang bắt đầu. Lúa gạo hàng hóa xuất khẩu không còn nhiều, giá cả giao dịch ở mức khá cao. Tuy nhiên, vào lúc này đồng lúa ở bên kia biên giới Campuchia vào mùa thu hoạch, một số thương lái có thêm nguồn hàng kinh doanh.
Năm 1979, nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” được phát động trong cả nước. Ở tỉnh Thái Nguyên, phong trào này cũng được phát triển sôi nổi trong các đơn vị nuôi cá quốc doanh và hợp tác xã nông nghiệp. Trại cá giống Cù Vân chính là nơi khởi đầu phong trào này của tỉnh.
Mô hình nuôi gà thả đồng “độc nhất vô nhị” này không những đã tiết kiệm cho ông rất nhiều chi phí thức ăn tiêu tốn cho đàn gà, mà còn cho thịt và trứng đạt chất lượng cao.
Xã Minh Lập (Đồng Hỷ - Thái Nguyên) hiện có 31 trại nuôi gà, trung bình mỗi trại nuôi từ 3.000 - 7.000 con/lứa. khoảng 2 năm trở lại đây, một số hộ dân trong địa bàn xã đã áp dụng mô hình chăn nuôi gia cầm trên nền đệm lót sinh học bằng chế phẩm men vi sinh, kết quả cho thấy đây là cách làm khoa học, đem lại hiệu quả tốt hơn so với kiểu nuôi gà truyền thống.