Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Agribank Tiếp Sức Cho Ngư Dân Bám Biển

Agribank Tiếp Sức Cho Ngư Dân Bám Biển
Ngày đăng: 06/10/2014

Với diện tích bờ biển dài hơn 75 km, có 4 huyện ven biển, 1 huyện đảo, hơn 12.000 lao động, trong đó 8.000 lao động trực tiếp sản xuất trên các ngư trường đảo Cồn Cỏ, Vịnh Bắc Bộ, Biển Đông và Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, nhiều năm qua tỉnh Quảng Trị đã chú trọng phát triển kinh tế biển nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho ngư dân.

Quá trình đầu tư để phát triển các phương tiện đánh bắt cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá trong những năm qua tại Quảng Trị có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Quảng Trị (Agribank Quảng Trị).

Hỗ trợ khép kín cho đánh bắt và thu mua, chế biến xuất khẩu

So với một số địa phương khác, nghề cá Quảng Trị còn nhiều khó khăn và hạn chế do xuất phát điểm nghề cá thấp, thiếu các nguồn vốn đầu tư, công nghệ chế biến bảo quản sau đánh bắt lạc hậu, đầu ra không ổn định.

Những năm trước đây, phương tiện của ngư dân Quảng Trị chủ yếu chỉ là các tàu nhỏ có công suất dưới 20CV, khai thác ven bờ nên sản lượng thấp, các dịch vụ hậu cần hầu như không có.

Từ sau khi Agribank triển khai chủ trương cho vay nông nghiệp, nông thôn, trong đó có lĩnh vực kinh tế biển, hoạt động của khu vực này mới có những thay đổi rõ nét.

Nguồn vốn tín dụng của Agribank chủ yếu là vốn trung hạn được đầu tư cho ngư dân để đóng mới, mua sắm tàu thuyền công suất, trọng tải lớn, ngư lưới cụ đồng bộ, thiết bị bảo quản chế biến tiên tiến khép kín để vươn khơi an toàn và hiệu quả.

Doanh số cho vay hàng năm từ 2006 trở lại đây bình quân trên 200 tỷ đồng. Hiện tại dư nợ cho vay tàu thuyền xấp xỉ 35 tỷ với 300 hộ vay vốn, dư nợ cho vay ngư lưới cụ 50 tỷ đồng với gần 400 hộ vay vốn, trong đó chủ yếu tập trung ở vùng biển Gio Linh là địa bàn có nghề cá phát triển mạnh.

Giám đốc Agribank Phòng Giao dịch Bắc Cửa Việt Đỗ Văn Mão cho biết, dư nợ cho vay kinh tế biển của đơn vị giai đoạn cao điểm trên 70 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các đối tượng cải hoán, nâng cấp tàu thuyền, các phương tiện lưới rê bùng nhùng, lưới vây, giàn pha xúc, rập và dịch vụ thu mua, chế biến xuất khẩu hải sản.

Vốn trung dài hạn dành cho các đối tượng đóng mới hoặc cải hoán, nâng cấp công suất tàu, đầu tư kho lạnh bảo quản cá hấp xuất khẩu. Vốn lưu động ngắn hạn chủ yếu dành cho các đối tượng thu mua, chế biến các mặt hàng hải sản như cá, mực, sứa...

Ngoài việc cho các hộ ngư dân vay vốn cải hoán, nâng cấp máy móc, ngư lưới cụ, Agribank khuyến khích ngư dân đóng mới tàu thuyền nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt trên vùng biển xa. Hộ Phan Hữu Nam, Hồ Văn Vinh ở khu phố 3, hộ Bùi Đình Chiến, Võ Hồng Thanh, Lê Thị Bốn ở khu phố 5 thị trấn Cửa Việt nhờ nguồn vốn vay Agribank từ 800 triệu đến 1,3 tỷ đồng đã đầu tư đóng mới tàu 350 CV, tự tin vươn ra đánh bắt ở ngư trường rộng lớn. Nhiều hộ mỗi chuyến biển thu về bình quân 200-300 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi 50-100 triệu đồng.

Vụ cá năm nay, chỉ trong vòng 5 tháng, gia đình anh Nguyễn Công Lương và chị Trần Thị Tuyết ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt đã xuất được 15 “công” (container), tương đương 375 tấn cá cơm hấp, chủ yếu là loại cá mặn (tỷ lệ muối nhiều) cho thị trường Trung Quốc. Với nguồn vốn tín dụng từ Agribank, gia đình anh chị đã lắp đặt 2 kho lạnh trữ hàng hóa, sức chứa mỗi kho khoảng 45 tấn.

Đây được xem là một “đầu nậu” thu mua sản phẩm cá hấp trên địa bàn huyện Gio Linh, doanh số giao dịch hàng năm đạt 40- 50 tỷ đồng. Nhờ vốn ngân hàng và tiền lãi kinh doanh, anh chị mua thêm tàu để đánh bắt cá, thuê nhân công chế biến, mua thêm mặt bằng để mở rộng sản xuất.

Có thể nói việc đầu tư phát triển các phương tiện tàu thuyền đánh bắt và hệ thống các cơ sở chế biến xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Agribank đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế vùng biển, từng bước hiện đại hóa ngành nghề thủy hải sản, tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân vùng biển. Việc phát triển kinh tế biển góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Quá trình đầu tư của Agribank đã góp phần nâng số lượng đội tàu thuyền của tỉnh lên hơn 2.500 tàu cá, trong đó 176 chiếc có công suất trên 90CV (tàu xa bờ). Sản lượng đánh bắt bình quân hàng năm là 17.000 - 18.000 tấn thủy sản các loại.

Nhiều hộ quá trình làm ăn phát triển đã trả hết nợ vay ngân hàng, tích lũy vốn tự có để mở rộng sản xuất và hỗ trợ các hộ dân thiếu vốn khác.

Tiếp sức cho ngư dân thêm vững vàng

Trong chuyến đi biển đánh bắt cá ở ngư trường khu vực Biển Đông đầu tháng 5/2014 vừa qua, có 3 tàu của Quảng Trị bị tàu Trung Quốc phá cắt lưới, trong đó hộ Bùi Văn Tánh, vốn là cựu Hải quân đóng ở Trường Sa, bị cắt 17 tấm lưới, tổng thiệt hại trên 150 triệu đồng.

Năm 1988 trong trận chiến với tàu Trung Quốc ở đảo Gạc Ma, 64 đồng đội của ông ở trên 3 chiếc tàu HQ 505, 604, 605 đã anh dũng hy sinh, một đồng hương Quảng Trị bị bắt làm tù binh 5 năm mới thả, còn ông trở thành thương binh hạng 4/4.

Sau khi xuất ngũ, ông trở về quê, lúc đầu đi làm công cho các chủ tàu, đến năm 2009 mua lại tàu đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng với giá 400 triệu đồng, mạnh dạn vay Agribank 1,4 tỷ đồng để sửa sang cải hoán tàu. Chỉ trong vòng 4 năm, nhờ sự cần cù chịu khó, ông đã trả hết nợ cho ngân hàng.

Sau sự cố trên biển vừa qua, ông vay tiếp Agribank 500 triệu đồng để mua máy 530 CV nâng công suất tàu và bổ sung lại số lưới bị hỏng. Hộ anh Võ Văn Hữu cũng bị tàu Trung Quốc cắt hơn 10 tấm lưới. Hiện tại các hộ đang khẩn trương sửa sang lại tàu và ngư lưới cụ để tiếp tục ra khơi.

Về chính sách nhà nước hỗ trợ cho ngư dân bám biển, ông Trần Ngọc Lân, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, phát triển kinh tế biển là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nói chung và Gio Linh nói riêng. Việc Agribank đầu tư cho lĩnh vực này là đúng hướng, được chính quyền các cấp và bà con ngư dân đồng tình, ủng hộ cao.

Hiện tại Chính phủ có Quyết định 48/2010/QĐ-TTg hỗ trợ kinh phí mua máy HF có tích hợp định vị vệ tinh, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, hỗ trợ kinh phí mua nhiên liệu cho ngư dân tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa đã động viên, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm ra khơi tăng thu nhập, đồng thời góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động tàu thuyền trên biển.

Về phía tỉnh đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng vùng biển và ven biển như đầu tư khu neo đậu, tránh trú bão, điểm lên cá Cửa Tùng, Cửa Việt và khu neo đậu tránh trú bão Cồn Cỏ; hỗ trợ cho các chủ tàu và thuyền viên hoạt động ngày đêm bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Về nguồn vốn tín dụng cho ngư dân, ông Hoàng Minh Thông, Giám đốc Agribank Quảng Trị khẳng định: Trong thời gian tới, Agribank Quảng Trị tiếp tục đầu tư tín dụng cho ngư dân mua mới, cải tạo, sửa chữa các phương tiện đánh bắt trung và xa bờ hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến, thu mua, xuất khẩu các mặt hàng hải sản nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, qua đó góp phần tạo thị trường đầu ra ổn định cho bà con.

Khó khăn trong phát triển kinh tế biển hiện nay ở Quảng Trị là thiên tai thường xuyên xảy ra, biển mất mùa liên tục, nguồn hải sản gần bờ cạn kiệt. Trình độ kỹ thuật đánh bắt của ngư dân còn nhiều hạn chế, phương tiện máy móc chưa đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm ngư nghiệp không ổn định, chủ yếu do tư thương tự điều tiết, phụ thuộc vào các thương lái Trung Quốc nên giá cả nhiều vụ giảm thấp, gây thiệt thòi cho bà con ngư dân. Chính sách gây bất ổn trên Biển Đông của nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay cũng gây ra nhiều thiệt hại cho ngành ngư nghiệp của tỉnh.

Vì vậy, nguyện vọng chung của các hộ ngư dân là Chính phủ sớm triển khai chính sách hỗ trợ đóng mới tàu thuyền có công suất trọng tải lớn, ngư lưới cụ đồng bộ để phát triển tàu khai thác xa bờ, vừa đảm bảo nâng cao thu nhập cho ngư dân, giảm áp lực khai thác vùng bờ, vừa góp phần bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia.

Bên cạnh đó, trong tình hình hiện nay, cần hỗ trợ mở rộng thị trường đầu ra ổn định, không chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, có chính sách hỗ trợ đột xuất kịp thời các trường hợp thiệt hại do tàu Trung Quốc gây ra để ngư dân thực sự yên tâm bám biển.


Có thể bạn quan tâm

Cá Tầm Nhập Lậu Sắp “Bóp Chết” Sản Xuất Trong Nước Cá Tầm Nhập Lậu Sắp “Bóp Chết” Sản Xuất Trong Nước

Hiện nay, tình trạng nhập lậu cá tầm từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào nước ta ngày càng nhiều. Cá tầm nhập lậu giá rất rẻ khiến các doanh nghiệp (DN) nuôi và chế biến cá tầm trong nước không thể cạnh tranh nổi.

09/07/2013
Chăn Nuôi Những Tháng Cuối Năm Chưa Thể Lạc Quan Chăn Nuôi Những Tháng Cuối Năm Chưa Thể Lạc Quan

Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi trong nước liên tục phải đối mặt với khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, người nông dân bị thua lỗ. Bởi vậy, mặc dù Cục Chăn nuôi khẳng định hiện tình hình chăn nuôi đã đi vào ổn định nhưng không ít người vẫn băn khoăn, chưa thể lạc quan về sản xuất từ nay đến cuối năm.

09/07/2013
Béc Phun Tự Chế Giúp Nông Dân Nâng Cao Hiệu Quả Kinh Tế Vườn Béc Phun Tự Chế Giúp Nông Dân Nâng Cao Hiệu Quả Kinh Tế Vườn

Anh Lại Trường Vũ (SN 1978) - chuyên viên Văn phòng HĐND-UBND huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) xuất thân trong gia đình nông dân. Gia đình anh canh tác hơn 6 công vườn. Do chi phí đầu tư hệ thống tưới tiêu khá lớn, đặc biệt là béc phun, có loại phải tốn hơn 4 triệu đồng cho một công vườn, từ đó anh đã tìm tòi tự chế ra loại béc phun giá thành rất rẻ mà vô cùng tiện ích.

09/07/2013
Nhân Rộng Mô Hình Cấy Lúa Mùa Theo Phương Thức Không Làm Đất Nhân Rộng Mô Hình Cấy Lúa Mùa Theo Phương Thức Không Làm Đất

Nhiều năm qua, huyện Hải Hậu (Nam Định) luôn đi đầu trong việc xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, trong đó mô hình cấy lúa mùa theo phương thức không làm đất đã được khẳng định với nhiều ưu điểm như năng suất tăng, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận gây ra, tạo quỹ đất để mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất hai vụ lúa. Hiện nay, mô hình này đang được nông dân các địa phương trong huyện áp dụng và nhân rộng qua từng năm.

09/07/2013
Tiếp Tục Đầu Tư Cho Nông Dân Trồng 100 Héc-Ta Đậu Bắp Nhật Tiếp Tục Đầu Tư Cho Nông Dân Trồng 100 Héc-Ta Đậu Bắp Nhật

Sở Công thương tỉnh, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) vừa có buổi làm việc với huyện Châu Phú (An Giang) về tình hình cung ứng giống đậu bắp, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa Jamine Global GAP và việc xây dựng nhà máy sơ chế nguyên liệu.

09/07/2013