70 Nông Dân TP. Mỹ Tho Học Tập Kinh Nghiệm Trồng Bưởi Da Xanh

Sáng 11-9, Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho tổ chức cho 70 nông dân ở các tổ hợp tác thuộc xã Tân Mỹ Chánh, xã Mỹ Phong và các câu lạc bộ, tổ hợp tác trồng bưởi da xanh theo mô hình VietGAP đi thực tế các mô hình trồng và thu mua bưởi da xanh ở tỉnh Bến Tre.
Đoàn được anh Đào Văn Minh, chủ mô hình trồng bưởi da xanh đạt hiệu quả ở xã Quới Sơn (Châu Thành) và anh Nguyễn Văn Sốt (Tân Thanh Bình, Mỏ Cày) chia sẻ một số kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách phòng trừ các loại sâu bệnh hại chính trên cây bưởi, cụ thể như: đục thân, sâu vẽ bùa, rầy mềm, nhện đỏ, bệnh thối gốc chảy mủ….
Ngoài ra các chủ hộ còn chia sẻ cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm sao cho hiệu quả, cùng với việc sử dụng túi bao trái sao cho phù hợp mà không ảnh hưởng tới chất lượng trái.
Bên cạnh đó, đoàn ghé cơ sở thu mua bưởi da xanh Hương Miền Tây (Phước Mỹ Trung, Mỏ Cày). Được biết cơ sở Hương Miền Tây và 33 hộ sản xuất đã được đánh giá theo phương thức 2 và xác nhận phù hợp với yêu cầu của quy phạm đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp tích hợp - GlobalGAP, đã phải tuân thủ nghiêm ngặt 231 điểm kiểm soát, chuẩn mực dành cho hệ thống quản lý chất lượng và các tiêu chuẩn về GlobalGAP.
Trong năm 2014, cơ sở Hương Miền Tây đẩy mạnh xuất khẩu sang Nga, Nhật, Trung Đông và một số nước châu Âu, đồng thời mở rộng thị trường ở TP. Hồ Chí Minh.
Anh Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở Hương Miền Tây chia sẻ: “Thực trạng đầu ra chưa ổn định, tiêu thụ loại trái dưới 1,3 kg thấp, giá thành chịu sự chi phối của thương lái,… chính vì vậy con đường phát triển kinh tế bền vững cho người dân là làm đúng theo quy trình, tạo sản phẩm chất lượng cao và đồng đều để sản phẩm tiêu thụ mạnh hơn và điều quan trọng không phải lo lắng đầu ra của sản phẩm cũng như giá thành”.
Hiện nay tại Bến Tre, mô hình sản xuất bưởi da xanh đầu tiên của cả nước vừa nhận chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP (Global Good Agricultural Practices - Bộ tiêu chuẩn về nông trại được quốc tế công nhận dành cho việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Vì thế, chuyến tham quan này giúp cho 70 nông dân của TP. Mỹ Tho có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất để áp dụng và nhân rộng mô hình trồng bưởi da xanh trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Anh Nguyễn Hoàng Phi ở ấp Hòa Thạnh, xã Châu Phong, TX. Tân Châu, An Giang đã sáng chế và ứng dụng thành công máy phun thuốc điều khiển từ xa và tự động cuộn dây trên đồng. Chiếc máy đoạt giải 3 tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang năm 2012 và anh đã ra Hà Nội tham gia chương trình Nhà sáng chế trên VTV2 vào cuối tháng 3/2013 vừa qua.

Thời điểm năm 2010 và 2011, khi dịch bệnh “tai xanh” hoành hành trên đàn heo, anh Trần Đình Hiển (ấp 9, xã An Linh, Phú Giáo, Bình Dương) lại thắng lớn với lợi nhuận gần 1 tỷ đồng từ trại heo của mình nhờ đàn heo không dính dịch bệnh “tai xanh”. Để có được kết quả này, anh Hiển đã áp dụng mô hình nuôi heo trại lạnh. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và là hướng đi bền vững cho người chăn nuôi heo trong bối cảnh dịch bệnh thường xuyên hoành hành như hiện nay.

Thời gian qua, do thời tiết nắng mưa xen kẽ, đêm và sáng có sương mù, độ ẩm cao đã tạo điều kiện cho bệnh phấn trắng trên cây cao su phát triển.

Mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) đã khẳng định được tính hiệu quả cũng như tính thích nghi đối với khu vực ven biển ĐBSCL; tiềm năng mỗi năm có thể mở rộng SX lên 200.000 - 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn lúa hữu cơ, đặc sản và trên 100.000 tấn tôm sạch phục vụ nhu cầu chế biến XK.

Trong khi một số nhà máy sản xuất hạt điều xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thiếu nguyên liệu, phải thường xuyên nhập khẩu thì nông dân trồng điều lại không dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Nghịch lý trên tồn tại nhiều năm qua, một phần do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.