6,5 tấn sâm Ngọc Linh của già làng Xê Đăng Tây Nguyên
Tỷ phú sâm trên núi Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh, thứ 'linh khí trời đất', thứ thảo mộc được đánh giá là quý nhất thế giới, đắt nhất thế giới.
Vậy nên, những câu chuyện quanh nó luôn nhuốm màu huyễn hoặc.
PV đã lên núi Ngọc Linh nhiều ngày, ăn ở với đồng bào Xê Đăng và ghi chép lại nhiều câu chuyện thú vị.
Thủ phủ của sâm Ngọc Linh là huyện Nam Trà My, thuộc đất Quảng Nam.
Trung tâm của loài sâm quý này là xã Trà Linh.
Vậy nên, chúng tôi tìm đường đến thẳng xã Trà Linh.
Trong nhóm khám phá thủ phủ vùng sâm Ngọc Linh này, có lương y Phạm Văn Thanh, lang y chữa dạ dày và nhiều loại bệnh khác, nổi tiếng đất Lào Cai.
Lương y Thanh có nhiều năm nhiều năm nghiên cứu về các loài sâm, trong đó có sâm tiết trúc, sâm vũ diệp, là loài rất giống với sâm Ngọc Linh.
Hai thứ sâm vũ diệp, tiết trúc có nhiều ở dãy Hoàng Liên, nhưng giờ cũng đã cạn kiệt, vì bị Trung Quốc khai thác.
Anh muốn nghiên cứu về loài thảo dược quý này và tìm cách đưa chúng ra dãy Hoàng Liên Sơn huyền bí, hoang rậm.
Thật khó có thể tin, đường vào thủ phủ của loài sâm quý hiếm bậc nhất thế giới lại khó đến vậy.
Chiếc xe bán tải hai cầu chuyên leo núi cũng phải dừng lại giữa đường.
Đường lầy lội, dốc ngược, nham nhở, lở núi.
Nhưng đi bộ được một đoạn, thì đường to cũng hết, chỉ còn đường mòn với dấu chân người.
Thật khó có thể tin, đường vào trung tâm xã, mà nhỏ như đường dê, lợn đi.
Có đoạn còn quanh co ở ruộng lúa bậc thang.
Nước ngập, thì nhảy loi choi trên những tảng đá để tìm lên trụ sở UBND xã Trà Linh.
Phía chân núi, dưới trụ sở xã, có mỗi cái quán tạp hóa kiêm quán ăn, tập trung nhóm người ngồi uống bia lai rai.
Anh Hồ Văn Bút, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Linh, anh Đinh Hồng Thắng, quyền chủ tịch UBND xã Trà Linh, ngồi đợi chúng tôi từ sáng ở trụ sở xã.
Sớm tinh mơ anh Bút đã cuốc bộ từ bản Tắc Xanh, ở tít lưng đỉnh Ngọc Linh xuống trụ sở xã để đón khách.
Trụ sở xã là ngôi nhà cấp 4, bằng gỗ, tuổi đã 30 năm.
Tất cả các cơ quan, ban ngành đều tụ họp trong ngôi nhà cấp 4 đó.
Hầu hết các cán bộ xã đều là thế hệ 8x, thậm chí 9x.
Đứng ở sân trụ sở xã, nhìn về phía Tây, thấy núi non trùng điệp, lẫn trong mây mờ.
Những bản làng tít tận núi cao, lẫn trong những già.
Mỗi khóm dân cư chỉ gồm cỡ chục nóc nhà trông như chuồng chim dán trên đỉnh núi hùng vĩ.
Anh Hồ Văn Bút chỉ tay từng bản, từng làng, vị trí sinh sống của các đại gia sâm Ngọc Linh, nhưng anh tuyệt nhiên không chỉ khu rừng, dãy núi nào có sâm, nơi đồng bào Xê Đăng trồng thứ dược liệu quý hiếm này.
Quyền chủ tịch UBND xã Trà Linh giở sổ, đọc cho tôi một số thông tin thú vị.
Thật ngạc nhiên khi toàn bộ xã Trà Linh có tới 63.000 héc-ta, trong đó, phần lớn là rừng già.
Rừng bao phủ các dãy núi, các đỉnh núi điệp trùng, kéo dài sang tận Kon Tum.
Từ xã Trà Linh, đi bộ 4 ngày, mới lên đến đỉnh Ngọc Linh cao 2.600m.
Vượt qua đỉnh Ngọc Linh là sang đất Kon Tum.
Cả vùng rừng già, với những dãy núi hùng vĩ, huyền bí, có thể nói tha hồ để trồng sâm.
Dự án ngàn tỉ, với giấc mơ tỷ đô từ cây sâm tha hồ "vùng vẫy".
Kiểm đếm trong sổ sách, anh Đinh Hồng Thắng cho biết, toàn xã Trà Linh có tổng số hơn 500 hộ dân, thì có gần 500 hộ trồng sâm và có vườn sâm trong rừng sâu.
Tính ra, có đến 95% số hộ dân người Xê Đăng trồng sâm Ngọc Linh để sinh sống, làm giàu.
Đồng bào vẫn trồng lúa, làm nương, trồng ngô sắn, nhưng không có đầu ra, vì đường sá quá vất vả.
Để bán được bao sắn, ngô, thì công gùi ra đường cái có lẽ nhiều hơn giá trị của nó, nên đông bào chỉ trồng để có cái ăn, nuôi gà lợn tự cung tự cấp.
Nguồn thu chính vẫn là cây sâm.
Lương y Thanh và một 'ông cụ' Xê Đăng 50 tuổi trên núi Ngọc Linh
Muốn tìm hiểu về cây sâm, chẳng có cách nào khác, là vào rừng.
Cuốc bộ dốc ngược đỉnh núi, tìm đến khóm dân cư giữa lưng trời, gặp "vua sâm" Hồ Văn Du, nhưng ông không có ở nhà.
Điện thoại thì gọi suốt mấy ngày vẫn không liên lạc được.
Anh chủ quán tạp hóa trước trụ sở xã bảo rằng, mấy hôm trước, có vụ trộm sâm, công an vào cuộc, nên hầu hết các gia đình có sâm đều lên rừng ở, canh gác vườn sâm suốt ngày đêm.
Mà hễ vào rừng sâu, phía sau lớp lớp dãy núi, thì chẳng có sóng điện thoại.
Ngôi nhà của "vua sâm" Hồ Văn Du rộng rãi hơn các nhà khác, nhưng quả thực, chẳng có gì thể hiện là một tỷ phú.
Quả thực, để tha được vật liệu lên lưng núi, đi cả ngày đường, không phải chuyện đơn giản, nên đến đại gia như ông Du, vẫn ở nhà bình thường, vẫn sinh hoạt như các cư dân Xê Đăng khác, cũng là điều dễ hiểu.
Không chỉ ông Du, mà cư dân ở thôn 2 gồm trăm nóc nhà này, cũng chẳng ai sắm xe máy, ô tô, vì chẳng có đường.
Chỉ có mấy cán bổ chủ chốt của xã, hay phải ra huyện họp hành, thì sắm chiếc xe máy cà tàng, gửi ở xã cạnh, có việc đi xa, mới cuốc bộ xuống núi lấy xe máy để đi tiếp.
Đại gia sâm như ông Du, quản lý vườn sâm nhiều tỷ, rời mắt vài giờ còn chẳng dám, nói gì đến chuyện rời núi về xuôi thăm thú phố sá vài ngày.
Theo một số cán bộ xã, thì ông Hồ Văn Du và ông Hồ Văn Lượng, cùng ở thôn 2, là hai người nhạy bén với thời cuộc, nên trở thành tỷ phú tầm cỡ.
Bản làng trên lưng núi của hai tỷ phú Hồ Văn Du và Hồ Văn Lượng, sở hữu vườn sâm trị giá hàng trăm tỷ đồng
Từ 35 năm trước, khi cây sâm mới được phát hiện, khi người ta còn chưa biết nhiều đến giá trị của nó, khi nó còn mọc đầy rừng, thì hai ông đã biết nhân giống, bảo tồn, phát triển nó trong khu vườn rừng mà ông nhận là của mình.
Có một chuyện khá lạ ở dãy Ngọc Linh, là người dân nơi đây có thể thoải mái "tự nhận rừng" là của mình.
Ai có sức, có tiền, thì cứ vào rừng sâu, khoanh lấy một mảnh, trồng sâm xuống đó, trông nom bảo vệ, thế là thành của nhà mình.
Điều đặc biệt, là dân có nhận rừng, Nhà nước cũng chẳng mất mát gì, thậm chí rừng còn được bảo vệ tốt hơn.
Bởi, sâm chỉ mọc ở nơi ẩm ướt, mùn dày, dưới tán rừng già.
Muốn trồng sâm, thì phải bảo vệ rừng.
Vậy là, rừng rú trên dãy Ngọc Linh không những được bảo tồn nguyên vẹn, mà được người dân trông nom chu đáo.
Ông Du là người trồng sâm sớm nhất.
Nếu dược sĩ Đào Kim Long từ mãi Hà Nội, là người phát hiện ra sâm Ngọc Linh, thì ông Du có lẽ là "ông tổ" trồng và nhân giống sâm này.
Cỡ 30 năm trước, sâm trong rừng nhiều đến nỗi mọc ken dày, gặp quần thể sâm thì phải lách chân mà đi, chữ dẫm hết cả lên sâm.
Thậm chí, sâm nhiều đến nỗi, đi nương đào về, chất đầy gùi, nhưng nặng quá, nên đổ xuống suối.
Nhưng, nhận thức được giá trị của nó, nên ông Du cứ khoanh rừng vừa bảo tồn, vừa nhân giống, gieo giống.
Thế nên, khi loài sâm tự nhiên sắp tuyệt chủng, các cán bộ dược liệu tìm lên nghiên cứu, thì đều phải qua ông Du.
Rồi ông được bầu làm Trại phó Trại dược liệu sâm Trà Linh, là người nắm chuyên môn rất sâu về thứ "linh khí trời đất" này.
Giờ đây, sau 35 năm ăn rừng ngủ thác, có lúc tưởng chết vì sốt rét rừng, ông Hồ Văn Du chẳng giấu giếm tài sản khổng lồ của mình.
Những vườn sâm bí mật của ông rải rác trong rừng thẳm, được hàng chục người trông nom, giữ gìn bất kể ngày đêm.
Hệ thống cảnh báo, ngăn chặn xâm nhập cũng được thiết kế từ xa, để bảo vệ vườn sâm có một không hai này.
Cứ theo tiết lộ rành mạch với tất cả mọi người, thì hiện tại ông Du có tới 130.000 gốc sâm cho củ, thu hoạch được.
Trong số đó, có tới 10.000 gốc sâm từ 10 đến 30 năm tuổi.
Sâm càng già, củ càng to, càng dài, thì càng có giá trị.
Hiện tại, sâm từ 5 tuổi trở lên, mỗi kg 10 đến 15 củ, có giá 50 triệu đồng.
Những củ sâm 10 đến 20 năm tuổi, giá cao gấp rưỡi, gấp đôi, còn 30 năm tuổi thì quả thực khó có thể định giá.
Với những củ nhặt xô, cũng phải cả trăm triệu/kg, còn những củ có hình thù đẹp, quái dị, ngoài giá trị dược liệu, còn có giá trị thẩm mỹ, thì vô giá.
Chỉ cần tính giá sâm ở mức thấp nhất, thì vườn sâm của người đàn ông Xê Đăng này cũng cho tới 6,5 tấn sâm củ và số tiền đổi lấy từng ấy sâm là 250 đến 300 tỷ đồng, một số tiền khổng lồ.
Nhưng, ông Hồ Văn Du sẽ chẳng bao giờ đào hết vườn sâm của mình đem bán.
Ông cứ mải mê với cây sâm, không ngừng nhân rộng và đặc biệt là phát triển giống cho bà con Xê Đăng trong vùng, để cùng làm giàu.
Hàng năm, ông chỉ cần ngắt lá sâm, cành sâm đi bán, cũng thoải mái tiền tiêu rồi.
Hiện tại, mỗi kg cành lá tươi tại đất Trà Linh có giá 1,5 triệu đồng.
Với 130 ngàn cây sâm, mỗi năm cho hàng tấn lá, thì số tiền ông thu được cũng đã lên tới cả tỷ bạc, thừa thãi để ông trả lương cho người làm thuê, công trông nom bảo vệ và chi tiêu gia đình.
Chưa hết, còn một thứ đẻ ra cả bao tải tiền cho ông Hồ Văn Du, đó là cây giống sâm.
Hầu hết sâm của ông Du đã cho hoa, kết quả.
Mỗi cây sâm trưởng thành cho 40 hạt.
Khoảng 30 hạt sẽ nảy thành cây sâm giống.
Mỗi cây sâm giống 01 năm tuổi có giá 40-50 ngàn đồng.
Nếu cứ như vậy mà nhân lên, riêng tiền bán cây giống, cũng… kinh hoàng.
Giả sử, ở đất Trà Linh có sân bay, ông nông dân Hồ Văn Du đam mê thứ phương tiện quý tộc này, thì chỉ cần bán giống, cũng mua được máy bay để đi.
Đấy là cứ suy diễn mà nói ra vậy.
Nhưng, qua đó để thấy rằng, mức độ giàu có của ông nông dân Xê Đăng ở xứ sở rừng hoang này quả là kinh ngạc.
Có thể bạn quan tâm
Trước việc một số diện tích lúa ĐX cấy giống BC15 bị hiện tượng lép hạt, gây thiệt hại đáng kể cho một số tỉnh phía Bắc, ngày 21/5, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã có cuộc họp cùng các nhà khoa học và các địa phương tìm rõ nguyên nhân và bàn các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho nông dân thiệt hại.
Xu thế gần đây khá nhiều hộ chăn nuôi gà thịt lựa chọn phương thức chăn nuôi gà theo hướng thả vườn bởi thực tế cách chăn nuôi trên có nhiều ưu điểm và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Trong những năm gần đây, nhờ sự giúp đỡ của các ban ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên, nhiều hộ nông dân ở xã Thanh Chăn huyện Điện Biên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập trung đầu tư phát triển kinh tế trang trại vườn rừng, xóa được đói nghèo từng bước vươn lên làm giàu.
Ếch Thái Lan dễ nuôi, nông dân có thể tận dụng diện tích mặt nước của ao, hồ hoặc những khoảng đất trống trong vườn để đầu tư nuôi ếch theo phương pháp công nghiệp, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, do giá cả thức ăn ngày càng tăng cao, trong khi giá ếch thương phẩm bán vào vụ thuận không cao nên nông dân thu lãi ít, thậm chí thua lỗ. Điều này đã làm cho nhiều hộ nông dân từ bỏ việc nuôi ếch.
Mong muốn làm kinh tế tại quê hương, nên ngay khi địa phương có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, gia đình chị Phạm Thị Loan (xã Ngô Quyền, Tiên Lữ) đã hăng hái tham gia. Từ khoảng 2 mẫu đất ruộng, gia đình chị Loan đã cải tạo thành vườn, ao và một số dãy chuồng trại chăn nuôi.