Tận dụng lợi thế, phát triển kinh tế
Hiệu quả kinh tế cao
Trong cái nắng như thiêu như đốt của những ngày tháng 8 bỏng rát, thế mà những hộ nuôi trồng thủy sản dưới chân cầu Thạnh Đức lại vô cùng nhàn nhã. Bởi điều kiện thả nuôi ở đây rất thuận lợi. Cá sinh trưởng, phát triển nhanh và ít bị hao hụt..
Ông Cao Nhanh, một trong những hộ chuyên nuôi và cung cấp cá giống lớn nhất ở Phổ Thạnh chia sẻ: “Tôi ra chân cầu này nuôi thủy sản cũng đã trên chục năm rồi. Hồi đó cuộc sống còn nhiều khó khăn lắm, nên phải vay mượn để có tiền làm ăn. Lúc ấy con tôm hùm đang thịnh nên tôi chỉ nuôi tôm hùm là chính.
Tuy nhiên, qua quá trình nuôi và tìm hiểu thì tôi nhận thấy, tuy con tôm hùm đem lại lợi nhuận cao, nhưng thời gian thả nuôi lâu nên khó quay vòng vốn và rủi ro cao. Do đó, mấy năm nay tôi bắt đầu nuôi cá và nuôi hàu Thái Bình Dương nhiều hơn”.
Bên cạnh việc nuôi cá, hàu thương phẩm, ông Nhanh còn khai thác và ươm giống cá hồng tự nhiên để cung cấp cho các hộ nuôi khác với số lượng mỗi năm xuất ra thị trường khoảng vài chục nghìn con cá giống. Trong đó nhiều nhất là cá hồng và cá bớp. Ông Nhanh cho biết: “Cá hồng tôi đang nuôi thương phẩm và cá hồng giống đều là cá hồng tự nhiên nên chất lượng thịt rất ngon.
Vì thế giá bán của loại cá này cũng rất cao, khoảng 250 nghìn đồng/kg”. Ngoài cá hồng, ông Nhanh còn thả nuôi nhiều loại cá đặc sản khác. Tính ra trung bình mỗi năm, ông Nhanh thu lãi trên 500 triệu đồng từ nuôi cá, tôm dưới chân cầu Thạnh Đức.
Không chỉ riêng ông Nhanh, mà con cá, con hàu đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho hàng chục hộ dân sống ở vùng ven biển này. Và hiện tại, đầu ra cho các loại cá nước lợ nuôi trong lồng là rất lớn. Theo các hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Phổ Thạnh thì chỉ tính riêng thị trường ở địa phương đã không đủ để cung cấp. Do đó, nhiều hộ dân ở đây đang tìm hướng để mở rộng thêm diện tích thả nuôi cá và thu hẹp dần diện tích nuôi tôm hùm.
Triển vọng từ mô hình nuôi cá bớp
Nhận thấy mô hình nuôi cá nước lợ đem lại hiệu quả cao, những năm gần đây, một số hộ dân ở Phổ Thạnh đã tăng cường đầu tư, mở rộng thêm diện tích lồng bè để nuôi. Tuy nhiên, một trong những loại cá được các hộ nuôi xem là triển vọng và đem lại lợi nhuận cao hiện nay chính là cá bớp.
Về mô hình nuôi cá bớp ở Phổ Thạnh thì ông Võ Văn Được là một trong những người tiên phong và đã thu lợi nhuận cao từ loại cá này. Ông Được chia sẻ: “Hầu hết người dân ở đây đều sống nhờ vào việc đi biển và nuôi trồng thủy sản.
Trong đó có nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên khá giả cũng nhờ con tôm, con cá và con hàu Thái Bình Dương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tôi nhận thấy mô hình nuôi cá bớp rất có tiềm năng và có giá trị kinh tế cao. Đầu ra cho sản phẩm cũng rất dồi dào. Vì hiện nay, hầu hết các nhà hàng, tiệc cưới đều sử dụng cá bớp để nấu lẩu, nấu ngọt…
Theo ông Được, cá bớp thuộc loại sinh trưởng nhanh, tỷ lệ thất thoát ít. Hơn nữa cá bớp thuộc loại ăn khỏe. Thức ăn của cá chủ yếu là cá tạp nên rất dễ nuôi. Do đó, chỉ trong vòng 8 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng khoảng 4 - 5 kg/con. Với giá bán từ 160 – 170 nghìn đồng/kg như hiện nay thì lợi nhuận mà cá bớp mang lại là “một lời một”.
Sau một thời gian nuôi cá bớp thấy hiệu quả, đồng vốn bỏ ra ít mà lại nhanh thu hồi, ông Được đã chuyển toàn bộ lồng nuôi tôm hùm sang nuôi cá bớp. Hiện tại, ông thả nuôi khoảng 900 con cá bớp theo hai vụ gối đầu. Tính ra, mỗi năm ông thu trên 2 tấn cá bớp, lợi nhuận mang lại trên 100 triệu đồng.
Tiềm năng về nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Quảng Ngãi là rất lớn. Song không phải địa phương nào cũng biết tận dụng lợi thế, khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế. Vì vậy mô hình nuôi cá nước lợ trong lồng ở xã Phổ Thạnh là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả.
Tuy nhiên, để nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững thì các địa phương cần phải có quy hoạch cụ thể, để đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm cản trở việc đi lại của tàu thuyền, cản trở dòng chảy và người dân có thể an tâm thả nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành huyện Thuận Nam quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm đáng kể, góp phần tích cực trong việc cải thiện đời sống nhân dân.
Ít ai ngờ dưới chân núi Cà Đú nắng tháng tư khô khốc là những vườn nho đang mùa cho trái ngọt. Vườn nho tiếp nối vườn nho lá xanh biêng biếc, trái chín treo chật cành. Nông dân địa phương đoàn kết nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu trên vùng đất sỏi bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Anh Nguyễn Văn Hùng, 52 tuổi, khu phố 5, thị trấn Tân Sơn (huyện Ninh Sơn) vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ sản xuất nông nghiệp.
Là một trong những xã nghèo nhất của huyện miền núi Bác Ái, Phước Thành đang tìm kiếm và áp dụng nhiều mô hình kinh tế mới, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giúp nhân dân từng bước thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
Anh Nguyễn Hữu Thành 47 tuổi là nông dân đầu tiên ở thôn Tân Hiệp (Hòa Sơn, Ninh Sơn) ứng dụng máy làm cỏ mía niên vụ 2013- 2014. Máy làm cỏ mía trị giá 28 triệu đồng do Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ theo chương trình cơ giới hóa đồng ruộng. Trong đó, gia đình anh Thành đóng góp 8 triệu đồng.