58 Hộ Được Hưởng Lợi Từ Dự Án Hỗ Trợ Phát Triển Đàn Trâu

Với mục tiêu phát triển đàn trâu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo việc làm, giúp xóa đói giảm nghèo cho các hộ dân, dự án “Hỗ trợ phát triển đàn trâu trong vùng đồng bào dân tộc” được thực hiện liên tục từ năm 2007 đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Quy mô ban đầu của dự án là 56 con trâu (2 trâu đực và 54 trâu cái), đến nay qua 3 giai đoạn luân chuyển trâu, số nghé sinh ra được 131 con, giúp 58 hộ dân được hưởng lợi.
Dự án được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh xây dựng và triển khai từ năm 2007, tại xã Thiện Hưng (Bù Đốp) và xã Phước Minh (Bù Gia Mập). Tham gia dự án, mỗi hộ được nhận nuôi 3 con trâu mẹ, riêng hộ trình diễn nhận nuôi 4 con (1 trâu đực và 3 trâu cái), sau 2 năm sẽ luân chuyển hộ khác. Để chăn nuôi đúng kỹ thuật và đạt hiệu quả, các hộ tham gia dự án được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh thú y, phòng bệnh cho đàn trâu.
Kết quả thực hiện dự án cho thấy, tổng số trâu, nghé được sinh ra tại xã Thiện Hưng là 69 con, đạt 107% kế hoạch đề ra và có 10 trâu mẹ đang mang thai. Tổng số trâu, nghé được sinh ra tại xã Phước Minh là 63 con, đạt 97,6% kế hoạch và có 5 trâu mẹ đang mang thai. Một số hộ trong 2 năm nuôi 2 con trâu mẹ đã sinh được 4 con nghé.
Do dịch bệnh, ảnh hưởng của thời tiết, tỷ lệ trâu cũng bị hao hụt nhưng trong khoảng cho phép của dự án. Trâu bị bệnh, chết, thanh lý là 14 con, số tiền thu được đã nộp lại Kho bạc nhà nước. Với số trâu cái và đực giống còn lại (42 con) sẽ thanh lý vào quý 4/2013, bình quân mỗi con thu 7 triệu đồng, ước tính số tiền nộp lại ngân sách khoảng 294 triệu đồng (kế hoạch của dự án thu 224 triệu đồng).
Ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng cho biết: Dự án được chính quyền cơ sở đánh giá cao. Đây là một trong những mô hình an sinh xã hội hiệu quả, tạo việc làm cho một bộ phận người dân. Rất mong dự án được tiếp tục triển khai trong những năm tới và có thêm nhiều hộ dân được hưởng lợi.
Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện dự án liên tục đến năm 2017.
Có thể bạn quan tâm

Với nghị lực phi thường, anh Đặng Anh Tuấn (sinh năm 1957), trú ở xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đã một mình chinh phục những quả đồi hoang lập trang trại. Giấc mơ được sánh vai với những tỷ phú nông dân trên thế giới của anh đã trở thành hiện thực…

“Nhờ được Agribank hỗ trợ kịp thời nguồn vốn 3,5 tỷ đồng, con tàu đánh bắt xa bờ 510CV đã hoàn thành đúng tiến độ và chuẩn bị ra khơi hứa hẹn đón những mẻ cá đầu tiên”- ngư dân Lê Văn Thức, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) chia sẻ.

Đến nay, toàn huyện Đông Giang (Quảng Nam) có hơn 450ha trồng chuối chuyên canh, trong đó hơn 300ha trồng tập trung, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, vùng ngập mặn, ven biển thuộc hai huyện Cầu Ngang và Duyên Hải hiện có hơn 1.000 hộ dân thả nuôi khoảng 300 triệu con tôm thẻ chân trắng giống, trên diện tích gần 500ha theo hình thức thâm canh.

Xã Lý Nhơn được xem là nơi sản xuất muối chiếm diện tích lớn nhất tại huyện Cần Giờ, TP.HCM. Những năm gần đây, nhiều nông dân xã đã mạnh dạn chuyển đổi từ hình thức sản xuất muối truyền thống (trên nền đất) sang sản xuất muối sạch trên bạt (muối trải bạt).