2 Giống Bí Xanh Mới
Cả 2 giống đều có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống cũ của địa phương như: Cây sinh trưởng khỏe hơn, khả năng thích nghi và chống chịu sâu bệnh tốt hơn; tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao hơn; năng suất cao, chất lượng tốt hơn, được nông dân hồ hởi đón nhận. Giống đã được Bộ NN- PTNT công nhận và cho phép SX trên diện rộng ở các tỉnh khu vực phía Bắc.
Đặc điểm giống- Giống bí xanh số 1: Thời gian sinh trưởng 100- 110 ngày với vụ thu đông, 110- 120 ngày vụ xuân hè. Chiều dài thân chính 3- 3,5m, cứng, khỏe, phân cành trung bình, lá xanh đậm. Quả dài 50- 65cm, màu xanh, khi chín có phủ một lớp phấn trắng, ruột đặc, màu trắng phớt xanh, ăn không chua, thích hợp cho ăn tươi (xào, luộc, nấu canh) và chế biến mứt, kẹo. Bí xanh số 1 có khả năng chống chịu bệnh héo xanh, phấn trắng khá. Năng suất bình quân 45- 55 tấn/ha vụ xuân hè và 40- 45 tấn/ha vụ thu đông.
- Giống bí xanh số 2: So với giống số 1, bí xanh số 2 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn (95- 110 ngày với vụ thu đông, 100- 110 ngày vụ đông xuân). Do có vỏ dày, cứng nên bí xanh có thể bảo quản lâu dài, chịu vận chuyển tốt; là loại rau dự trữ giáp vụ và dùng cho các vùng thiếu rau xanh. Năng suất bình quân đạt từ 45- 55 tấn/ha ở vụ đông xuân, 40- 45 tấn/ha ở vụ thu đông. Quả dài 60- 70cm, khối lượng bình quân từ 2,5- 3,5kg/quả; quả chắc, cùi dày, ít hạt, ăn ngọt và giòn; thích hợp với nhiều cách chế biến khác nhau: làm mứt, kẹo, luộc, xào, nấu canh.
Đặc biệt, giống bí xanh số 2 có ưu điểm nổi trội là khả năng chịu lạnh tốt nhất trong các giống hiện có, trồng được vụ đông xuân (gieo hạt từ tháng 1) và vụ thu đông (gieo hạt từ tháng 8, tháng 9); thời gian từ trồng đến thu quả từ 65- 85 ngày (tùy mục đích ăn quả non hay quả già) cho hiệu quả kinh tế cao.
- Cả 2 giống đều tỏ ra thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu các tỉnh phía Bắc, có thể trồng được 2 vụ chính là xuân hè và thu đông.
Hiệu quả kinh tế
- Kết quả các mô hình thâm canh vụ đông xuân ở các xã Tráng Liệt (Bình Giang), Thông Kênh (Gia Lộc), Đại Đức (Kim Thành); vụ hè thu ở 4 huyện: Thanh Miện, Gia Lộc, Ninh Giang, Nam Sách của tỉnh Hải Dương năm 2011 cho thấy: Với vốn đầu tư từ 15- 18 triệu đồng/ha, giá bình quân 3.000- 4.000 đồng/kg, mỗi ha trồng 2 giống bí xanh mới cho thu nhập 65- 80 triệu đồng/vụ; lãi thuần đạt 35- 55 triệu đồng/ha/vụ.
- Để khẳng định tính thích nghi của giống trên nhiều vùng sinh thái khác nhau, vụ đông 2011, Viện Cây lương thực- cây thực phẩm tiếp tục xây dựng thêm 4 mô hình thâm canh tại 2 huyện Đông Hưng và Thái Thụy, tỉnh Thái Bình với quy mô 228 ha gồm 238 hộ gia đình tham gia. Đến nay toàn bộ diện tích 2 giống bí xanh số 1 và số 2 của các mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt; nông dân đang tập trung thu hoạch năng suất đạt từ 1,3- 1,5 tấn/sào, nhiều diện tích thâm canh tốt đạt năng suất cao tới 2 tấn/sào.
Tại cuộc hội thảo đầu bờ mới đây, các đại biểu và bà con nông dân đều có chung nhận xét tốt về 2 giống bí xanh mới: Là giống ngắn ngày, chịu rét khá, chống chịu sâu bệnh tương đối tốt, có thể trồng được nhiều vụ trong năm; đặc biệt cho hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất vụ đông, cho thu nhập 6,5- 7,5 triệu đồng/sào. Như vậy 1 ha bí xanh tại mô hình cho thu nhập khoảng 180- 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 80-120 triệu đồng/ha/vụ.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh Hải Dương, Thái Bình tham gia cuộc hội thảo đều đánh giá cao kết quả chọn tạo giống mới của Viện Cây lương thực- cây thực phẩm, đồng thời khẳng định sẽ đưa 2 giống bí xanh số 1 và số 2 vào cơ cấu giống rau để bố trí vào các vùng chuyên canh theo hướng SX hàng hóa của địa phương; đặc biệt là SX vụ đông trong những năm tới.
Có thể bạn quan tâm
Trong các chuỗi sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hà Nội, có lẽ chuỗi tiêu thụ rau an toàn (RAT) tốn nhiều công sức của các cấp ngành, người dân và doanh nghiệp nhất.
Thời gian gần đây, cá lồng bè tại xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương và xã Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) bị chết hàng loạt khiến người nuôi lo lắng.
Sau khi thu hoạch quả là thời kỳ cây nhãn bị tổn thương lớn nhất trong năm, giai đoạn này cây yếu nhất.
Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang vừa phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Sơn, UBND xã Mỹ Bằng tổ chức tổng kết mô hình chăn nuôi gà ri lai an toàn trên nền đệm lót sinh học.
UBND huyện Thuận Bắc (Bình Thuận) vừa phối hợp với Sở KH-CN tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá Đề án nhân rộng ứng dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” SX lúa vụ HT năm 2015 tại xã Bắc Phong.