2,5 Triệu Đồng/con Nhím Cảnh Màu Độc

Nhím màu thường có giá 250.000 - 500.000 đồng/con, màu đặc biệt như pintos, cam đến 2,5 triệu đồng/con giúp nhiều người kinh doanh loại động vật cảnh này kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Do tích lũy được nhiều kinh nghiệm sau 2 năm chơi nhím cảnh, anh Nguyễn Bá Lộc ở Giảng Võ, Hà Nội quyết định thuê cửa hàng bán nhím cảnh phục vụ người chơi.
Giá nhím cảnh phụ thuộc vào màu lông. Nhím màu chocolate, muối tiêu, trắng có giá 250.000 - 500.000 đồng/con. Riêng nhím màu pintos (trắng đen hoặc trắng xám), giá lên đến 1 triệu đồng/con. Ngoài ra, những con màu cam hiếm có, khó tìm giá cao gấp 3 lần màu thường, giá lên đến 5 triệu đồng/cặp.
Anh Lộc cho biết, từng nuôi nhím sinh sản, nhưng do thời tiết miền Bắc phân mùa rõ rệt nên lượng nhím con không năng suất.
Do vậy, anh đầu tư cho một số người quen trong miền Nam để họ nuôi nhím sinh sản và cung cấp nhím con ra Hà Nội. Hiện tại, anh Lộc duy trì khoảng 120 - 150 cặp nhím mẹ ở TP.HCM, và tổng các trại cung cấp từ 150 đến 170 nhím con/tháng.
“Nhím đẻ trong miền Nam cho năng suất cao, khoảng 3 tháng một lứa, mỗi lứa từ 4 đến 6 con. Mình đầu tư tiền và giống nhím tốt sau đó mình bao tiêu luôn đầu ra. Như vậy vừa có nguồn cung ổn định lại kiểm soát được chất lượng nhím con”, anh Lộc cho hay.
Nhím nuôi dễ, chi phí rẻ nên khách hàng là học sinh, sinh viên nuôi nhiều. Anh cho biết, hai năm trở lại đây, trào lưu nuôi nhím nở rộ nên bán rất chạy. Ngày thường bán 5 - 10 con, buổi đắt khách bán hơn 20 con/ngày.
Ngoài cung cấp nhím con, anh Lộc còn bán thêm những phụ kiện giành cho nhím như nhà ngủ, bể kính, khay cho ăn, bình nước, thức ăn khô, giá từ 45.000 - 100.000 đồng/sản phẩm. Tất cả sản phẩm đều được anh Lộc đặt làm thủ công. Tổng doanh thu từ tiền bán nhím và phụ kiện anh Lộc thu về đến 2 - 3 triệu/ngày.
Tuy nhiên, kinh doanh nhím con cũng khá rủi ro. Anh Lộc cho biết, nhím còn non, phải vận chuyển đường xa từ Sài Gòn ra Hà Nội nên nguy cơ bị chết, ốm rất cao. “Hiện tại, mốt kinh doanh nhím khá nhiều nên cạnh tranh về giá cả khiến giá nhím con hạ thấp nên lợi nhuận không được như trước”, anh nói.
Nhím cảnh có thể vừa chơi vừa kiếm tiền, nên rất nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để đầu tư nuôi, thu bạc triệu trong năm.
Nguyễn Ngọc Hân (Cầu Giấy, Hà Nội), từng mua nhím ở cửa hàng anh Lộc cho biết, ban đầu thích thú nên nuôi chơi, nhưng sau nhím mẹ sinh được 5 nhím con, không nuôi xuể nên đem bán, không ngờ, khách gọi mua đông, giá mỗi con lên đến 500.000 đồng nên chuyển sang nuôi. Hiện tại, Hân sở hữu 2 cặp nhím đẻ, cho thu gần 10 triệu mỗi năm.
Hân chia sẻ, nuôi nhím rất dễ, chỉ cần cho ăn ngày 4 bữa/ngày, chăm dọn vệ sinh định kỳ và giữ nhiệt độ ổn định thì chúng sẽ phát triển rất tốt. Hân cho biết, chi phí nuôi nhím không quá đắt, chỉ phải bỏ tiền để mua nhà ở hoặc bể kính, khoảng 45.000 đến 100.000 đồng.
Thức ăn của nhím là hạt khô, giá khoảng 23.000 đồng/gói 400 gram. Nuôi nhím tiết kiệm được nguồn thức ăn bởi nhím ăn tạp. Hân thường cho nhím ăn cơm, thịt, rau củ nên không hề tốn kém.
Hân bật mí, nuôi nhím cần thận trọng bởi nhím rất nhạy cảm. Đặc biệt khi nhím mẹ sinh con rất dữ, có thể xù gai đâm rất đau. Ngoài ra, muốn thuần hóa được nhím con phải mất một thời gian dài vuốt ve, gần gũi để quen hơi người. “Điều đặc biệt, nhím cảnh không bao giờ phóng gai nên tương đối an toàn cho người chơi”, Hân nói.
Có thể bạn quan tâm

Sản lượng tôm nuôi của tỉnh tăng mạnh là do năm nay tình hình thời tiết tương đối ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, giá thương phẩm cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng luôn ở mức cao nên người dân mạnh dạn đầu tư thả nuôi.

Từ đây, su su được chuyển bằng ô tô đông lạnh lên Lào Cai, xuất qua Trung Quốc. Một ngày, gia đình ông Bảo xuất từ 5 – 6 tấn su su rau qua bên kia cửa khẩu. Tại thị trường trong nước, mỗi ngày, ông Bảo chuyển từ 1,5 – 2 tấn su su cho các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng.

Ngày 10/12 vừa qua, tại hội thảo “Tăng năng suất sản xuất nông nghiệp: Sử dụng phân bón và hóa chất”, do Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT và UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức, đa số nông dân kiến nghị các cơ quan chức năng quản lý tăng cường các biện pháp kiểm tra nạn mua bán phân bón giả, kém chất lượng tràn lan. Trong khi chi phí phân bón chiếm 30-50% giá thành nông phẩm nông dân làm ra.

So với cùng kỳ năm ngoái, XK nhân điều trong 11 tháng qua đã tăng 18,2% về lượng và 22,6% về giá trị. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của nhân điều Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm nay, Mỹ chiếm 32,79% giá trị điều XK của Việt Nam, tiếp đó là Trung Quốc 15,02%, Hà Lan 11,17%...

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, họ luôn có khát khao cháy bỏng. Một trong những mong ước đó là muốn làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương và dạy dỗ con cái trưởng thành. Chúng tôi đã gặp những con người như thế!