Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trà Việt gặp hạn

Trà Việt gặp hạn
Ngày đăng: 13/07/2015

Xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An những ngày đầu tháng 7 trời vẫn nắng như đổ lửa. Trải dài trên cánh đồng trà, những búp non ngả màu vàng, đen sạm do bị nắng táp.

Chết cháy hàng loạt

Đứng cạnh vườn trà đã khô héo hết lá, ông Trần Văn Đức (ngụ xã Hạnh Lâm) buồn bã: “Chưa năm nào nắng hạn như năm nay, không có lấy một giọt mưa. Nắng quá nên toàn bộ mấy sào trà của tôi bị cháy hết, không thu hoạch được gì cả”.

Cách đồi trà của ông Đức không xa là vườn trà của bà Trần Thị Ánh cũng đang bị chết héo. “Thu nhập của gia đình trông chờ vào mấy sào trà này, giờ xem như trắng tay” - bà rầu rĩ.

Dọc theo đường Hồ Chí Minh qua các xã Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Hương, Thanh Thịnh... của huyện Thanh Chương, đâu đâu chúng tôi cũng thấy những rẫy trà rũ lá vàng úa. “Nắng nóng, khô hạn khiến hơn 1.000 ha trà trên địa bàn bị cháy khô. Huyện đang thành lập đoàn tới các xã thống kê thiệt hại cụ thể của các hộ dân” - ông Lê Đình Thanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương, cho biết.

Tại các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp… ở tỉnh Nghệ An, nông dân cũng đang khốn đốn vì diện tích trà chết lan rộng. Riêng huyện Anh Sơn, thống kê của UBND huyện cho biết có khoảng 300 ha trà chết, 1.500 ha bị ảnh hưởng. Xã có diện tích trà bị thiệt hại lớn nhất là Thành Sơn với 55 ha, kế đến là Phúc Sơn 40 ha, Hùng Sơn 35 ha, Cẩm Sơn 30 ha, Khai Sơn 30 ha...

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Nghệ An, đến nay, toàn tỉnh có trên 2.260 ha trà cháy lá, thiệt hại từ 30% - 70% và gần 850 ha bị cháy trên 70% buộc phải phá để trồng lại.

Tại Hà Tĩnh, nắng nóng kéo dài cũng khiến hàng trăm hecta trà ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê chết héo. Nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh trắng tay khi vườn trà chết cháy hàng loạt.

Khóc ròng vì tắc đầu ra

Trong khi đó, ngành trà Lâm Đồng đang vùng vẫy trong khó khăn do hàng ngàn tấn sản phẩm xuất khẩu bị tồn kho.

Đáng chú ý là trong thời gian gần đây, trà Lâm Đồng liên tiếp bị phía Đài Loan cáo buộc nhiễm dioxin và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng cho phép. Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 3.620 tấn trà đen tồn kho không thể xuất khẩu do bị phía Đài Loan cho rằng nhiễm dioxin và dư lượng Fipronil (loại thuốc dùng để diệt côn trùng) vượt ngưỡng cho phép.

Việc trà Lâm Đồng bị phía Đài Loan cáo buộc như trên kéo dài nhiều năm qua. Ngành trà và cơ quan chức năng trong nước đã yêu cầu đính chính nhưng vẫn chưa có kết quả. Trong khi đó, ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Lâm Đồng, xác nhận một số kết quả kiểm nghiệm trong nước cho thấy một lượng trà bị nhiễm thuốc BVTV là có thật.

Trước thực trạng đáng lo ngại nêu trên, mới đây, Chi cục BVTV - Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Công ty CP Trà Lâm Đồng đã tổ chức họp khẩn bàn các biện pháp giảm thiểu dư lượng thuốc BVTV trên cây trà.

Ông Bùi Quang Khoa, Tổng Giám đốc Công ty Trà Lâm Đồng, cho rằng việc kiểm soát thuốc BVTV trên cây trà phải bắt đầu từ người dân. Bởi hiện nay, hầu hết các nhà máy sản xuất trà đen đều phải mua nguyên liệu từ nông dân. Do vậy, không thể nào kiểm soát được quá trình trồng và chăm sóc trà cũng như những hoạt chất thuốc BVTV nào đã được sử dụng trên nguyên liệu từ trước đó.

“Làm cách nào để người trồng trà từ bỏ những loại thuốc BVTV độc hại đang là vấn đề nan giải. Bởi lẽ, chúng ta chưa tìm ra sản phẩm thay thế có thể đáp ứng yêu cầu của nông dân và đáp ứng được những tiêu chí của hàng hóa khi xuất khẩu” - ông Khoa nhấn mạnh.

“Vấn đề đặt ra là cần nhanh chóng loại hoạt chất Fipronil cũng như các loại thuốc BVTV không được phép lưu hành khác ra khỏi cây trà. Đồng thời, cần nghiên cứu các loại sản phẩm thuốc thay thế phù hợp với những yêu cầu từ phía đối tác nhập khẩu. Có như vậy thì uy tín cũng như sản phẩm trà của chúng ta mới có thể bền vững được” – ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Lâm Đồng, nhìn nhận.

Nghệ An, Hà Tĩnh cần hỗ trợ 232 tỉ đồng

Trong đợt nắng nóng vừa qua, tỉnh Hà Tĩnh có gần 200 ha trà bị khô, chết. Ông Nguyễn Trọng Hoài, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê, cho biết UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa gửi công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, cấp kinh phí 80 tỉ đồng để hỗ trợ chống hạn.

Riêng tỉnh Nghệ An kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 152 tỉ đồng.


Có thể bạn quan tâm

Người đầu tiên mang cây măng cụt về Long Khánh Người đầu tiên mang cây măng cụt về Long Khánh

Nông dân Võ Thành Lập (ảnh), ngụ ấp Nông Doanh, xã Xuân Tân được xem là người đầu tiên trồng cây măng cụt trên vùng đất Long Khánh. Từ 20 cây măng cụt đầu tiên ông mang từ tỉnh Sông Bé cũ về trồng vào năm 1973, đến nay khu vườn rộng 2hécta của ông đã có trên 600 cây măng cụt lớn nhỏ khác nhau.

02/07/2015
Đầu tư máy móc nông nghiệp còn manh mún Đầu tư máy móc nông nghiệp còn manh mún

Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là yêu cầu không thể thiếu để ngành nông nghiệp có thể cạnh tranh khi bước vào sân chơi chung. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, như: Nghị định 68 ưu đãi vốn cho doanh nghiệp, nông dân mua máy móc, thiết bị từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến nông sản; Nghị định 210 ưu đãi cho dự án ứng dụng công nghệ cao…

02/07/2015
Giải cứu vải thiều khi thương lái Trung Quốc ngừng mua Giải cứu vải thiều khi thương lái Trung Quốc ngừng mua

Từ doanh nghiệp cho đến một số cá nhân đang tìm cách đẩy mạnh bán trong nước để giải phóng số vải đang chín rộ, sau khi thương lái đột ngột ngừng mua khiến giá rớt kỷ lục.

03/07/2015
Tìm giải pháp ổn định đầu ra cho trái dâu Phong Điền Tìm giải pháp ổn định đầu ra cho trái dâu Phong Điền

Dâu hiện là một trong những loại cây ăn trái chiếm diện tích khá lớn tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Trong đó, dâu hạ châu là loại cây ăn trái đặc sản tại địa phương đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Để duy trì và phát triển bền vững diện tích trồng dâu trên địa bàn Phong Điền, các cấp, các ngành chức năng tại địa phương và thành phố đã và đang rất quan tâm giúp nông dân ổn định đầu ra sản phẩm.

03/07/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.