Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Heo Bằng Kỹ Thuật Sử Dụng Đệm Lót Lên Men

Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Heo Bằng Kỹ Thuật Sử Dụng Đệm Lót Lên Men
Ngày đăng: 29/10/2013

Anh Lê Thanh Phong, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú (An Giang) vừa nghiên cứu thành công đề tài “Ứng dụng mô hình nuôi heo bằng kỹ thuật sử dụng đệm lót lên men trên địa bàn huyện An Phú”. Đây là hình thức chăn nuôi mới, nuôi trên nền chuồng đệm lót với các vi sinh vật có ích.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ An Giang: Đề tài thử nghiệm hiệu quả mô hình kỹ thuật làm đệm lót lên men trong chăn nuôi heo, từ đó đưa ra khuyến cáo phù hợp với phương thức chăn nuôi heo tại địa phương; góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, từng bước thực hiện tốt chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho các hộ dân nhàn rỗi. Trên diện tích nền chuồng chăn nuôi cũ trước đây, anh Phong tận dụng cải tạo lại kiểu chuồng hở, nền đất với diện tích 1,3 m2/con, sát trùng chuồng trại. Anh làm đệm lót bằng trấu với chế phẩm sinh học Balasa-N01: Rải lớp trấu dày 30cm, phun nước sạch lên lớp trấu, dùng cào đảo cho trấu ẩm đều và làm phẳng mặt đạt độ ẩm 40%, tưới đều 100 lít dịch men, sau đó rải đều một phần bột bắp có trong dịch men lên trấu; tiếp tục rải mùn cưa dầy 30cm lên lớp trấu; phun nước sạch và đảo đến khi đạt độ ẩm 20%, rải đều 5kg bột bắp qua xử lý, tưới đều 100 lít dịch men còn lại lên lớp mùn cưa, làm phẳng, đậy kín toàn bộ bề mặt bằng bạt hoặc nylon, là quá trình lên men sẽ được thực hiện. Thí nghiệm được bố trí 3 nghiệm thức: Với nghiệm thức 1, nuôi heo trên đệm lót sinh thái; nghiệm thức 2, nuôi heo trên nền xi măng (đối chứng); nghiệm thức 3, nuôi có hệ thống biogas xử lý chất thải. Theo dõi mùi hôi, tỷ lệ bệnh, mức độ tăng trọng, chi phí và lợi nhuận.

Kết quả thí nghiệm cho thấy: 15 con heo dùng nuôi trong thí nghiệm đều tăng trọng tốt. Heo nuôi ở chuồng có hầm ủ biogas tăng trọng cao nhất (108,6 kg/con) kế đến là đối chứng (99 kg/con), thấp nhất là heo nuôi trên đệm lót sinh thái (97,1 kg/con). Khử mùi khí NH3 và H2S tốt nhất thuộc về nghiệm thức nuôi bằng đệm lót sinh thái, khả năng phòng bệnh ở mô hình nuôi trên đệm lót sinh thái cũng tốt, heo không bị bệnh và cho hiệu quả kinh tế, kế đến là biogas và đối chứng - anh Phong phấn khởi.

Anh Phong cho biết: Thay vì nuôi trên nền xi măng hoặc nền gạch, phải tắm, dọn phân mỗi ngày thì mô hình nuôi heo trên nền chuồng bằng đất nên tiết kiệm được chi phí này. Anh Phong tính toán: “Với mô hình này, người nuôi có thể tiết kiệm 80% nước, 60% nhân lực, 10% chi phí thức ăn, thuốc thú y phòng trừ dịch bệnh. Đặc biệt, trong đệm lót chứa các vi sinh vật có lợi nên sẽ rất hiệu quả trong phòng, chống các bệnh dịch hại, như: Lở mồm long móng, tai xanh, cúm... Chi phí lót và dung dịch men vi sinh thấp, với hơn 1 triệu đồng/chuồng 20m2, có thể nuôi 22-24 con heo nhỏ hoặc 16-18 con lớn”. Anh Phong phân tích: “Lớp đệm lót và men vi sinh tác dụng nhằm phân giải phân, nước tiểu do vật nuôi thải ra, hạn chế sinh khí hôi, thối; ức chế và tiêu diệt sự phát triển của vi sinh vật có hại; giữ ấm cho vật nuôi. Mô hình không hoặc ít gây ô nhiễm môi trường vì các chất thải từ chăn nuôi không ra môi trường, không có mùi hôi, hạn chế ruồi muỗi. Đặc biệt, tạo ra sản phẩm thịt, trứng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có màu, mùi vị gần với chăn nuôi hữu cơ. Sau một thời gian sử dụng, các chất đệm lót được đưa ra và sử dụng bón cho các cây trồng như phân hữu cơ vi sinh rất tốt nhờ có hàm lượng dinh dưỡng cao”.

Chăn nuôi trên đệm lót sinh thái có hiệu quả về mặt kinh tế cao hơn vì tiết kiệm rất nhiều công lao động, nguyên liệu đầu vào cho chi phí sản xuất. Kỹ thuật chăn nuôi trên đệm lót sinh thái với việc làm chuồng chuẩn bị đệm lót và chăm sóc vật nuôi đơn giản, người nuôi hoàn toàn có thể áp dụng tốt. “Cần tiếp tục mở rộng phạm vi thí nghiệm như giống, lứa tuổi, trên các loài vật nuôi khác để thấy hiệu quả của việc sử dụng đệm lót sinh thái và phổ biến các lợi ích của việc nuôi heo trên đệm lót sinh thái trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường” - anh Phong đề nghị.


Có thể bạn quan tâm

Sáng tạo làm giàu trên đất cát bạc màu Sáng tạo làm giàu trên đất cát bạc màu

Chưa ai dám nghĩ đến việc có thể sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, và thực tế đã có không ít người thất bại khi liều chinh phục những thửa đất cát khô khốc này

08/04/2017
Trồng cây tiền tỷ: Cách trồng hoa lily- loài hoa đẹp nhất thế giới Trồng cây tiền tỷ: Cách trồng hoa lily- loài hoa đẹp nhất thế giới

Là loài hoa nhập ngoại song hoa lily đã và đang là hướng đi phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng cho người dân

10/04/2017
Nuôi chồn hương - một vốn hơn bốn lời Nuôi chồn hương - một vốn hơn bốn lời

Mô hình nuôi chồn vòi hương (còn gọi chồn hương, chồn mướp) của ông Trương Minh Thuấn là một điển hình. Mỗi năm, ông Thuấn thu lãi hàng trăm triệu đồng

10/04/2017
Thu nhập cao từ nuôi gà xương đen Thu nhập cao từ nuôi gà xương đen

Đó là mô hình chăn nuôi gà xương đen của gia đình chị Lý Thị Chấu, dân tộc Mông (Hà Giang), mỗi năm cho thu lãi trên 60 triệu đồng.

12/04/2017
Bí quyết làm giàu: Trồng sơ ri trên đất phèn Bí quyết làm giàu: Trồng sơ ri trên đất phèn

Từ khi chuyển qua trồng sơ ri trên đất phèn, hơn 100 hộ dân ở xã Mỹ Thuận (H.Bình Tân, Vĩnh Long) đã từng bước ổn định kinh tế, vươn lên khá giả.

14/04/2017