06 tháng đầu năm tình hình nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn
Tổng sản lượng NTTS 06 tháng đầu năm đạt 31.515 tấn. Trong đó: Tôm sú, có 17.307 lượt hộ thả nuôi, diện tích 17.480ha, số lượng con giống gần 1,4 tỷ con, sản lượng thu hoạch 2.950 tấn, tăng 1.085 tấn so cùng kỳ, đạt 19,77% so kế hoạch; tôm thẻ chân trắng, có 5.172 hộ thả nuôi, diện tích 2.350ha, số lượng con giống gần 1,3 tỷ con, sản lượng thu hoạch 5.670 tấn, giảm 3.260 tấn so cùng kỳ, đạt 22,24% so kế hoạch... Ông Trần Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết, sản xuất thủy sản 06 tháng qua gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn.
Các hộ nuôi và doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng vì tài sản thế chấp còn hạn chế, dẫn tới nhiều hộ "treo" ao. Thời tiết nắng nóng là nguyên nhân chính gây bệnh trên tôm, toàn tỉnh Trà Vinh có 5.328 hộ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại, diện tích trên 3.694ha, số lượng con giống trên 631 triệu con. Tâm lý lo ngại dịch bệnh và tình trạng thiếu vốn dẫn đến người nuôi chưa mạnh dạn thả nuôi. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng phục vụ NTTS chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều địa phương chưa chú trọng tới công tác quy hoạch vùng NTTS hợp lý, ảnh hưởng đến người nuôi.
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị sơ kết tình hình nuôi thủy sản 06 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 06 tháng cuối năm 2015. Các đại biểu dự hội nghị đều cho rằng, trong 06 tháng cuối năm, dự báo kinh tế thế giới chưa có khả năng phục hồi nên khó khăn về xuất khẩu thủy sản vẫn còn nhiều. Việc thắt chặt chi tiêu công, tín dụng và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục tác động lớn đến sản xuất thủy sản. Trong khi đó, thời tiết 06 tháng cuối năm luôn tiềm ẩn những diễn biến bất thường (sự xuất hiện của các cơn bão, mưa…) và 06 tháng cuối năm cũng là thời điểm giá các nguyên liệu đầu vào, như điện, xăng dầu… chịu nhiều sức ép.
Do đó, để sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển bền vững và đạt được kế hoạch đề ra, ông Kim Ngọc Thái, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Từ nay đến cuối năm, ngành hữu quan cần thực hiện tốt quy hoạch phát triển thủy sản và quy hoạch sản xuất giống thủy sản đến năm 2020; các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện tốt các công tác do mình phụ trách, phối hợp với Phòng NN-PTNT và UBND các xã triển khai thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực NTTS theo quy định; các huyện căn cứ chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh thực hiện đảm bảo đạt các chỉ tiêu đề ra.
Củng cố thành lập đội kiểm tra liên ngành cấp huyện, thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, chỉ đạo Phòng NN-PTNT và UBND các xã thực hiện tốt quản lý Nhà nước về NTTS; đội ngũ cán bộ kỹ thuật từ tỉnh đến xã phải thường xuyên nắm tình hình thời tiết, dự đoán, dự báo tình hình dịch bệnh để có biện pháp giúp người nuôi an tâm sản xuất; thanh tra nông nghiệp cần tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y, thủy sản để có biện pháp xử lý kịp thời sai phạm về lĩnh vực nuôi thủy sản; phối hợp với viện, trường theo dõi và hỗ trợ nông dân trình diễn các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả để nhân rộng.
Theo kế hoạch, 06 tháng cuối năm 2015, Sở NN-PTNT phấn đấu tổng sản lượng NTTS cả năm đạt 108.125 tấn. Trong đó, 19.900ha nuôi tôm sú, 5.000ha nuôi tôm thẻ chân trắng, 13.800ha nuôi cua biển, 2.200ha nuôi nghêu, 1.500ha nuôi tôm càng xanh, 290ha nuôi cá lóc, 40ha nuôi cá tra. Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN-PTNT yêu cầu các đơn vị ngành nông nghiệp cũng như các địa phương cần rà soát lại quy hoạch vùng nuôi thủy sản để có hướng phát triển bền vững; tăng cường tuyên truyền để người dân tích cực phòng, chống dịch bệnh, đa dạng hóa đối tượng nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường và giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển tôm giống sạch bệnh và đạt chất lượng tốt; đẩy mạnh việc áp dụng VietGAP trong NTTS; công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý giống cần được rà soát bảo đảm đúng hướng, phục vụ trực tiếp cho người nuôi, doanh nghiệp trong phát triển sản xuất.
Trước tình hình dịch bệnh trên NTTS diễn biến phức tạp và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường xuất khẩu về chất lượng sản phẩm, người nuôi nên áp dụng quy trình NTTS theo hướng VietGAP, GlobalGAP để quản lý được dịch bệnh, ứng dụng chế phẩm sinh học, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi, nhằm giảm giá thành, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời tạo ra sản phẩm thủy sản đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Có thể bạn quan tâm
Hai bàn tay trắng, dắt díu vợ con chọn vùng đất nhiễm phèn nặng giữa Tứ giác Long Xuyên để mưu sinh, vậy mà bây giờ Phan Thành Tiến, ở ấp Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã trở thành tỷ phú. Bí quyết gì? Tất cả nhờ vào cây khoai lang tím Nhật
Cách đây hơn 10 năm, như nhiều ND ở Chợ Gạo (Tiền Giang), vợ chồng chị Trần Thị Kim Hoàng ở ấp Hòa Mỹ, xã Bình Ninh chỉ nuôi ít heo nái sinh sản bán giống cho cô, bác trong ấp.
Phần lớn hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh là kênh đất, nên hiệu quả tưới tiêu mang lại không cao, gây thất thoát lượng nước khá lớn trong quá trình vận hành, tưới tiêu.
Dạy cho chính những người nông dân thực thụ cách trồng lúa đúng quy trình, chăm sóc lúa đúng cách... Đó là hình thức dạy nghề tại chỗ rất hiệu quả cho bà con nông dân ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Ở nhiều địa phương trong tỉnh Nam Định, việc trồng cây dược liệu cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến dược phẩm và cho thị trường tiêu dùng đã cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cấy lúa