Yên Bái Nuôi Cá Lăng Trên Hồ Thác Bà Hứa Hẹn Lựa Chọn Mới
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái đã phối hợp với UBND xã Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình) thực hiện mô hình nuôi cá lăng trong lồng trên hồ Thác Bà.
Mô hình thực hiện với quy mô 100m3 lồng, 1.000 con cá giống với 2 hộ tham gia là ông Lê Văn Thư và Hà Văn Đức ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên. Các hộ được hỗ trợ 100% con giống với kích cỡ tối thiểu 5cm/con, không còi cọc, dị hình, không mất nhớt, màu sắc tươi sáng và 50% thức ăn công nghiệp, 50% vôi bột tỏa, 50% thuốc phòng bệnh cho cá. Tổng số tiền hỗ trợ 47.150.000 đồng. Ngoài ra, các hộ nuôi còn được tập huấn về kỹ thuật chuẩn bị lồng nuôi, thả cá, chăm sóc quản lý, phòng bệnh cho cá...
Ông Lê Văn Thư cho biết: "Trong suốt thời gian triển khai mô hình, gia đình tôi đã thực hiện theo đúng kỹ thuật được tiếp thu qua các buổi tập huấn do cán bộ Chi cục trực tiếp hướng dẫn từ cách chăm sóc, quản lý đến phòng bệnh cho cá nên cũng yên tâm". Lần đầu tiên, cá lăng được nuôi trong lồng trên hồ Thác Bà nên người dân thường xuyên theo dõi nhiệt độ, môi trường nước và nhất là chế độ ăn bảo đảm để cá phát triển nhanh. Sau 5 tháng nuôi, bình quân mỗi con đạt 0,95kg. Cá đặc sản mà lớn nhanh thế là rất quý!" - ông Hà Văn Đức cho hay.
Theo ông Thư và ông Đức, tháng đầu và tháng thứ 2 cho ăn 3 bữa sáng, trưa, chiều. Thức ăn chủ yếu là cám viên nổi, cỡ hạt nhỏ hàm lượng đạm 40%. Thức ăn tháng đầu cho ăn bằng 8% trọng lượng cá trong lồng, tháng thứ hai bằng 7% trọng lượng cá trong lồng. Từ tháng thứ 3 trở đi, cho ăn 2 bữa sáng, chiều, lượng thức ăn giảm dần.
Đến tháng 10 và sang tháng 11, chỉ cho cá ăn bằng 1,5% trọng lượng cá trong lồng vì nhiệt độ thời tiết giảm, cá ăn kém, chuẩn bị thu hoạch. Ngoài thức ăn công nghiệp, các hộ nuôi còn cho cá ăn bổ sung thêm sắn, ngô băm nhỏ vừa cỡ miệng cá... Bên cạnh đó, cũng cần bảo đảm cho môi trường cá trong sạch giúp cá không bị bệnh tật bằng cách bón vôi xuống lồng 1 - 2 lần/tháng, mỗi lần bón từ 2 - 3kg/lồng.
Sau 5 tháng nuôi, đến nay, cá phát triển tốt, đạt mọi tiêu chí kỹ thuật về trọng lượng, độ dài và thời gian nuôi. Theo đánh giá, đến thời điểm này, cá đạt trọng lượng trung bình 0,95kg/con và tỷ lệ sống đạt trên 80%.
Với giá bán trên thị trường 150.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, cho lãi trên 49 triệu đồng. Như vậy, lợi nhuận trung bình trên 400.000 đồng/m3 trong 1 vụ nuôi 5 tháng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi loại cá lồng truyền thống.
Ông Lê Văn Thư cho biết thêm: "Cá lăng phát triển tương đối chậm nhưng ít nhiễm bệnh, giá bán cao và được thị trường rất ưa chuộng. Hàng tháng, cán bộ kỹ thuật của Chi cục đều xuống kiểm tra các yếu tố môi trường và hướng dẫn chúng tôi quản lý và chăm sóc cá tốt hơn. Bởi vậy, dù là đối tượng nuôi mới nhưng chúng tôi rất tin tưởng vào thành công của mô hình".
Thông qua mô hình này, người dân có thêm nhiều lựa chọn đối tượng nuôi bằng lồng trên hồ chứa. Trong những năm tới, Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các xã có diện tích mặt nước hồ Thác Bà.
Có thể bạn quan tâm
Theo ông Lê Thiết Cương- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT Hà Nội), trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, dồn điền, đổi thửa là một nội dung rất quan trọng quyết định đến các tiêu chí khác.
Nhím là loài vật hoang dã, thịt nhím được nhiều người ưa chuộng, vì thế nhiều hộ chăn nuôi ở Đông Hưng (Thái Bình) đã tìm nuôi loài vật mới lạ này và coi đó là cách làm giàu hiệu quả.
Dựa vào các bãi triều dọc theo sông, bằng những mành lưới nhỏ vây xung quanh, nhiều người dân xã đảo Long Sơn (TP. Vũng Tàu) đã tạo ra những khu nuôi sò huyết lý tưởng. Tuy diện tích nuôi của mỗi hộ không nhiều, hoàn toàn dựa vào thiên nhiên nhưng mỗi công (1.000 m2) đất, người nuôi sò huyết cũng thu lợi nhuận đến hơn 50 triệu đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Chính Cương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lào Cai, việc thí điểm xây dựng thành công mô hình tưới phun mưa cho cây chè tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chè Phong Hải đang được nhân rộng nhằm phục vụ chiến lược sản xuất hàng hóa cây trồng cạn trong thời gian tới của tỉnh Lào Cai.
Dựa vào các bãi triều dọc theo sông, bằng những mành lưới nhỏ vây xung quanh, nhiều người dân xã đảo Long Sơn (TP. Vũng Tàu) đã tạo ra những khu nuôi sò huyết lý tưởng. Tuy diện tích nuôi của mỗi hộ không nhiều, hoàn toàn dựa vào thiên nhiên nhưng mỗi công (1.000 m2) đất, người nuôi sò huyết cũng thu lợi nhuận đến hơn 50 triệu đồng/năm.