Giá Cà Phê Sẽ Do Chúng Ta Định Đoạt?
Việc “thủ phủ” cà phê Arabica toàn cầu là Brazil bị mất mùa, sẽ là cơ hội vàng cho cà phê Robusta của Việt Nam (chiếm 60% lượng Robusta XK toàn cầu), tạo cú hích về giá bán trong niên vụ tới…
Đó là dự báo của ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch CLB 20 DN XK cà phê lớn nhất Việt Nam (CLB G20).
Chủ tịch CLB G20 Đỗ Hà Nam cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi Brazil thiếu mưa nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng cà phê.
Nước này cũng phải đối mặt với tình trạng nhiều diện tích cà phê bị thối rễ, sản lượng dự báo chỉ 25 – 30 triệu bao, con số thấp khủng khiếp. Vì thế, tổ chức cà phê thế giới ICO đã khẳng định, giá cà phê thời gian tới bắt buộc phải lên”.
Tuy nhiên, giá cà phê Robusta (chiếm trên 90% sản lượng cà phê của Việt Nam) tăng không nhanh bằng giá Arabica. Điểm thuận lợi là khi Arabica thiếu thì có thể Robusta sẽ được sử dụng pha trộn để đáp ứng tiêu dùng. Đây sẽ là thời điểm để giá Robusta tăng lên (lịch sử năm 2001 cũng có diễn biến rất giống niên vụ sắp tới).
Ông Nam cũng cảnh báo: “Giá cà phê Robusta lên xuống ra sao, quan trọng nhất vẫn là do giới đầu cơ trên thế giới muốn gì? Chúng ta hiểu và chặn họ thế nào? Theo quan điểm cá nhân tôi, Việt Nam đang chiếm 60% Robusta XK toàn cầu, vì thế, giá bán cà phê vụ tới sẽ có cơ hội nằm trong tay các DN nước ta. CLB G20 kêu gọi các DN thống nhất hành động để nắm bắt cơ hội này”.
Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa): “Chúng ta phải hiểu và nắm rõ giá nào là thực, là ảo. Khi giá Arabica lên cao hay thiếu hụt thì Robusta (loại 1) sẽ được sử dụng nhiều để pha trộn. Tôi đi thăm nhiều nơi và thấy nhiều nước đã làm như thế, điều này chắc chắn sẽ giúp tăng nhu cầu về Robusta”.
Ông Đỗ Hà Nam: Niên vụ cà phê 2014 – 2015 người nông dân sẽ giữ giá trên 40 triệu đồng/tấn, khi Brazil mất mùa thì nông dân càng quyết tâm giữ hàng, G20 ủng hộ nông dân, cam kết mở kho để nông dân gửi hàng. G20 thống nhất không có đơn vị nào ký bán trừ lùi quá 100 USD và không ký bán hợp đồng dài hạn (cố gắng mua ngay bán ngay), DN nào vi phạm sẽ công khai tên.
Ông Tự cũng cho rằng, nông dân trồng cà phê của nước ta mấy năm nay đã “có sức” hơn trước, điều kiện vay vốn sản xuất cũng dễ hơn, khi biết giá lên thì họ sẽ giữ hàng lâu hơn và giúp giá bán tốt hơn. “Vicofa đang làm công văn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ vốn, Chính phủ cũng có yêu cầu tăng tín chấp vay cho nông dân trồng cà phê trong thời gian tới”, ông Tự nói.
Thử thách lớn nhất hiện nay là giới đầu cơ quốc tế bắt đầu tung thông tin “hỏa mù” rằng cà phê Robusta tại Việt Nam đang được mùa, cung sẽ vượt cầu.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Hải, Tổng GĐ Tổng Cty cà phê VN (Vinacafe) cho biết: Chỉ có một số vườn cà phê tái canh (giống mới, công nghệ tưới tiêu tốt…) mới đạt năng suất cao, còn lại hầu hết đều giảm do ảnh hưởng của thời tiết.
Tại một số vùng như Đăk Lăk, Gia Lai vào thời điểm cây cà phê nở hoa (tháng 1 - 2) sau tết có đợt không khí lạnh đột ngột gây hiện tượng “cúm hoa” (nở không đầy đủ). Vì thế, dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2014 – 2015 sẽ giảm từ 10 - 15%.
Theo Vicofa, niên vụ cà phê 2013 – 2014 vừa qua có thể khẳng định đạt thắng lợi nhất từ trước đến nay, trên mọi mặt. Tính đến đầu tháng 10/2014, sản lượng cà phê XK của ta đạt 1.662.000 tấn, kim ngạch 3,4 tỷ USD. Hầu hết các DN đạt hiệu quả kinh doanh cao, nông dân cũng bán được giá tương đối tốt (thời gian bán trên 40 triệu đồng/tấn kéo dài).
Đặc biệt là việc bãi bỏ thuế VAT đã tạo ra mặt bằng kinh doanh bình đẳng, không lo chuyện DN trốn thuế để cạnh tranh không lành mạnh như trước đây. Đồng thời, lãi suất ngân hàng niên vụ vừa qua chỉ còn 6 – 7% (trước đây trên dưới 20%) đã giúp cả DN XK và nông dân trồng cà phê có một năm làm ăn khá thuận lợi.
Có thể bạn quan tâm
Tại huyện miền núi Sơn Hòa có hơn 11.800ha mía, do thời tiết nắng hạn kéo dài nên có hơn 70ha mía bị cháy và hơn 3.920ha mía khô héo.
Sau 1 tháng gà bị cầm chuồng, trong giai đoạn tăng trưởng này, mỗi ngày đàn gà 8.200 con “ngốn” mất 10 triệu đồng tiền thức ăn. Vị chi qua 1 tháng cầm chuồng, người nuôi đã mất thêm 300 triệu đồng tiền thức ăn.
Thời gian qua, mặc dù ngành chuyên môn đã tăng cường nhiều biện pháp phòng, chống nhưng tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn tiếp tục xảy ra trên địa bàn huyện Năm Căn (Cà Mau). Tác nhân gây hại chủ yếu là virus đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp.
Theo Sở NN&PTNT, đến nay, tổng diện tích thả nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh trong tỉnh Bến Tre là 882ha, diện tích bị thiệt hại là 143ha. Tôm chết giai đoạn từ 30-35 ngày tuổi, do bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, tập trung tại các xã: Định Trung, Đại Hòa Lộc và các địa phương nuôi ngoài vùng qui hoạch, như: Thới Lai, Phú Vang, Lộc Thuận (Bình Đại).
Thời gian qua dù cơ quan chức năng thành phố đã tăng cường kiểm tra xử lý, nhưng nhiều hộ chăn nuôi cá bè trên sông Cái (thuộc nhánh sông Đồng Nai) vẫn lén lút nhập nguồn thức ăn cho cá là nội tạng gia súc, gia cầm, trong đó có hàng trăm ký lòng gà, lòng vịt.