Yên Bái Đảm Bảo Nguồn Cá Giống Bổ Sung Cho Các Hồ
Yên Bái có tiềm năng về phát triển thủy sản với trên 23.000ha đầm, hồ, đặc biệt hồ Thác Bà có diện tích mặt nước trên 19.000ha là điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Đảm bảo nguồn cá bổ sung cho các hồ sẽ vừa tái tạo nguồn thủy sản cho các hồ vừa tạo công ăn việc làm cho ngư dân.
Hàng năm, tỉnh Yên Bái cấp kinh phí thả bổ sung nguồn lợi thủy sản cho các hồ trên địa bàn nhằm bổ sung, tái tạo một số loài thủy sản bản địa đã suy giảm đồng thời đa dạng các loài thủy sản và giúp cho người dân sống bằng nghề đánh bắt, khai thác thủy sản tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống hàng ngày, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Đảm bảo nguồn cá giống, Chi cục Thủy sản tỉnh chỉ đạo hai trại giống thủy sản là Trại Giống Yên Bình và Nghĩa Lộ thực hiện công tác nuôi ươm các loài cá giống đảm bảo chất lượng để thả bổ sung nguồn lợi thủy sản trên các hồ và phục vụ phong trào nuôi cá trong dân. Các loài thủy sản được thả bổ sung ở các hồ, đầm chủ yếu là cá mè, trôi, vược, rô phi…
Trong năm 2013, hai trại giống đã ương nuôi cá giống thả bổ sung nguồn lợi thủy sản vào hồ Thác Bà và các hồ chứa lớn được 20.336kg. Trong năm 2014, Chi cục Thủy sản tỉnh tiến hành thả bổ sung trên 20 tấn cá với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng tại các hồ chứa trên địa bàn các huyện: Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên, Văn Chấn nhưng chủ yếu vẫn là hồ Thác Bà khoảng 18 tấn.
Ông Hoàng Ngọc Đại - Phó chi cục trưởng chi cục Thủy sản cho biết: "Thả với số lượng lớn nên để đảm bảo cho nguồn cá sau khi được thả sẽ sinh sôi nảy nở là điều quan trọng. Chi cục phối hợp với công an các xã ven hồ Thác Bà đi tuần hồ, bảo vệ trực tiếp tại các khu vực thả cá sau 15 ngày thả, nghiêm cấm toàn bộ ngư dân khai thác, đánh bắt quanh khu vực trong vòng bán kính 500ha".
Cùng với việc thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản, hàng năm, Chi cục phối hợp với lực lượng công an xã Bảo Ái (Yên Bình) và xã Minh Tiến (Lục Yên) để bảo vệ bãi cá đẻ Đồng Lạng và Làng Ven trong thời gian từ giữa tháng 6 đến hết tháng 8. Theo Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 quy định về việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, công an cấp xã có quyền xử lý hành chính đối với ngư dân khai thác trái phép.
Hiện nay, 24 xã, thị trấn có diện tích mặt nước vùng hồ Thác Bà được giao quản lý cũng đã thành lập ban chỉ đạo công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ.
Năm 2013, Chi cục tổ chức 26 chuyến đi hồ kiểm tra đã phát hiện và xử lý 9 vụ vi phạm, thu phạt nộp ngân sách Nhà nước 16.500.000 đồng (8 vụ sử dụng kích điện, 1 vụ sử dụng mìn để khai thác thủy sản). Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp với đội liên ngành 2 huyện Yên Bình, Lục Yên tuần tra trên hồ, phát hiện 9 vụ sử dụng kích điện để khai thác thuỷ sản; xử lý hành chính thu về ngân sách 10,5 triệu đồng; tháo dỡ 246 vó lưới mắt dày kết hợp với ánh sáng đèn.
Mặc dù công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà thời gian qua được quan tâm nhưng do vùng hồ rộng lớn với trên 23.000ha diện tích, trong đó diện tích mặt nước là 19.505ha, trải dài 80km từ thượng nguồn huyện Lục Yên đổ về huyện Yên Bình nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Hàng tháng, hàng quý, hàng năm, Chi cục đều xây dựng kế hoạch tuần tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhưng phương tiện thiếu, nhân lực thiếu nên hiệu quả không cao.
Để quản lý tốt nguồn lợi thủy sản, trước tiên phải là ý thức của các ngư dân, sau đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền cơ sở. Đặc biệt, ý thức của các ngư dân là yếu tố quan trọng nhất trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Mặc dù hàng năm, tỉnh đã trích tiền ngân sách tổ chức thả bổ sung nguồn lợi thủy sản nhưng chỉ như "muối bỏ bể", có khi vừa thả cá xong người dân lại đánh bắt ngay sau đó.
Vì vậy, để bảo vệ được nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cùng chính quyền các cấp, nhất là các xã ven hồ cần tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền để người dân nhận thức rõ việc sử dụng lưới mắt nhỏ, xung điện, vó bè, hóa chất để đánh bắt là tận diệt nguồn lợi thủy sản và như thế cũng có nghĩa là tận diệt nguồn sống của chính các ngư dân.
Các địa phương và các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên hồ, nhất là vào mùa lũ lụt và mùa cá sinh sản.
Chỉ có bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản thì cuộc sống của cư dân quanh vùng hồ mới ổn định và không gây lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
Các nhà xuất khẩu trái cây Việt tìm cách lách vào thị trường nước ngoài qua vụ nghịch để tránh cạnh tranh trực tiếp với trái cây các nước trên thị trường thế giới, tuy nhiên, điều này dễ dẫn tới bảo hòa của thị trường trái cây.
Vừa đọc được tin trên báo Nông Nghiệp Việt Nam, ngay ngày hôm sau tôi đã mò lên Bắc Giang để đi thăm cơ sở nuôi vịt trời đầu tiên ở Việt Nam. Đây là trại nuôi vịt trời của anh Tô Quang Dần ở bên hồ Cây Đa, thôn Đoàn Tùng, xã Đông Phú, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Gắn bó và trồng quýt nhiều năm nay, ông Phạm Văn Thí (ở ấp Bầu Chiên, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được xem là một trong những người trồng quýt giỏi ở vùng này.
Ngày 28/8 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu giải mã gen một số giống lúa bản địa của Việt Nam với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp.
Diện tích đất trồng lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần, do nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng khác thu được lợi nhuận cao hơn.