Bùng Phát Dịch Bệnh Trên Cây Chanh Dây Ở Đác Nông
Một vườn chanh dây ở xã Đác Nia, thị xã Gia Nghĩa bị dịch bệnh tấn công, vườn cây đang chết dần, chết mòn khiến người trồng chanh dây điêu đứng.
Thêm một bài học đắt giá cho người nông dân là việc trồng cây chanh dây tự phát, theo phong trào ở Đác Nông đang khiến chính họ phải chịu thiệt hại nặng nề.
Ngày 9-7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đác Nông cho biết: Từ năm 2013 đến tháng 4-2014, do giá quả canh dây trên thị trường liên tục tăng và có thời điểm đạt mức 25 nghìn đồng/kg quả tươi nên đã kích thích người nông dân trong tỉnh chuyển đổi cây trồng, ồ ạt mở rộng diện tích trồng chanh dây.
Trong đó, nhiều hộ nông dân thậm chí còn chặt bỏ vườn cao su, cà-phê chuyển sang trồng chanh dây, làm cho diện tích chanh dây trên địa bàn tăng mạnh vượt quá mức kiểm soát.
Theo thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT tỉnh Đác Nông, tính đến thời điểm hiện nay tổng diện tích chanh dây trên địa bàn toàn tỉnh là 621 ha, chủ yếu được trồng các huyện phía nam của tỉnh như Đác Glong, Đác R’lấp, Tuy Đức và thị xã Gia Nghĩa… Tuy nhiên, diện tích thực tế còn lớn hơn vì những hộ nông dân trồng nhỏ lẻ chưa thống kê được.
Do việc trồng chanh dây tự phát và vượt quá mức kiểm soát, giống cây trồng không bảo đảm chất lượng… nên hiện nay đã có khoảng 70% diện tích chanh dây trên địa bàn bị nhiễm bệnh bã trầu, lở cỗ rễ và nhiễm vi rút… rất khó chữa trị và hồi phục.
Trong những ngày này, nhiều người trồng chanh dây ở các địa phương trong tỉnh đã chạy đôn, chạy đáo mua các loại thuốc về phun trên cây, lá, xịt xuống gốc nhưng dịch bệnh vẫn không hết. Vì vậy, nhiều vườn chanh dây đang xanh tốt thì bị nhiễm bệnh lá chuyển sang màu vàng rồi rụng dần cả lá lẫn trái và chết toàn bộ, nhất là những vùng trước đây đã trồng chanh dây nhưng xử lý đất chưa kỹ, gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho người trồng chanh dây.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đác Nông Hồ Gấm cho biết: Nguyên dân dẫn đến nhiều diện tích chanh dây trên địa bàn bị nhiễm bệnh là do: Hiện nay trong nước chưa chính thức chủ động sản xuất được cây giống bảo đảm chất lượng mà phải nhập từ Đài Loan.
Nguồn giống nhập khẩu cũng không dễ dàng kiểm soát được chất lượng 100%, đồng thời giá bán cây giống nhập khẩu khá cao. Đến thời điểm hiện nay, mặc dù Viện cây ăn quả miền Nam đã sản xuất được giống chanh dây bảo đảm chất lượng nhưng vẫn chưa được Bộ NN&PTNT công nhận chính thức.
Do giá bán cây giống trên thị trường khá cao nên một số cơ sở đã lén lút nhân giống chanh dây có nguồn gốc không rõ ràng, không bảo đảm chất lượng, bị nhiễm các loại bệnh hại rồi bán cho người dân đem trồng để trục lợi, trong đó nhiều cây giống được chuyển từ các tỉnh lân cận vào địa bàn tỉnh nhưng không được kiểm soát chất lượng.
Từ năm 2012 đến nay, lượng giống chanh dây đề xuất nhập khẩu phục vụ cho nông dân trồng trên địa bàn toàn tỉnh là 260 nghìn cây, nhưng chỉ mới nhập khẩu về được hơn 92 nghìn cây, tương đương với diện tích trồng 123 ha, nhưng trên thực tế người dân đã trồng với diện tích hơn 621 ha, nhiều hơn diện tích cây giống nhập về là 498 ha.
Điều đó cho thấy, vì làm ăn theo kiểu phong trào nên người dân đã sử dụng nhiều nguồn giống không rõ nguồn gốc để trồng dẫn đến dịch bệnh bùng phát như hiện nay.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu về cây chanh dây trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, do đó chưa ban hành được các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản... Trong khi đó, cây chanh dây rất dễ nhiễm các loại bệnh nguy hiểm, chưa có quy trình và thuốc đặc trị, khi vườn cây bị nhiễm bệnh thì chắc chắn mất trắng.
Trong khi nguồn vốn đầu tư và chăm sóc chanh dây khá lớn, bình quân trồng một ha chanh dây người nông dân phải đầu tư gần cả trăm triệu đồng gồm tiền mua trụ, dây kẽm, cây giống, phân bón và công chăm sóc rất lớn… nhưng khi vườn cây bị nhiễm bệnh hoặc giá cả xuống thấp thì người nông dân bị thiệt hại nặng nề.
Trong khi đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ mới có ba cơ sở thu mua sơ chế quả chanh dây ổn định, còn lại là các cơ sở thu mua, sơ chế nhỏ lẻ và làm theo thời vụ. Công nghệ chế biến theo kiểu thủ công, giản đơn và quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế.
Thêm vào đó, thị trường tiêu thụ chanh dây hiện nay chưa được mở rộng, những năm trước đây phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, nay Trung Quốc hạn chế nhập khẩu, còn các thị trường mới mở gần đây lượng tiêu thụ còn hạn chế và yêu cầu chất lượng sản phẩm rất nghiêm ngặt nên sản xuất chanh dây đại trà của người dân hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.
Mặt khác, giá cả sản phẩm chanh dây trên thị trường hiện nay do một số ít công ty quyết định nên rất dễ xảy ra hiện tượng các công ty bắt tay thông đồng hạ giá khi số lượng sản phẩm sản xuất ra lớn.
Ngoài ra, mặc dù diện tích chanh dây trên địa bàn tỉnh tương đối lớn nhưng đến nay vẫn chưa hình thành mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp với nông dân trong đầu tư, sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ. Các doanh nghiệp chưa chủ động, chưa thật sự liên kết với nông dân để xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững.
Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh chỉ mới có một cơ sở sơ chế ở thị xã Gia Nghĩa có ký kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm với người trồng chanh dây nhưng mối liên kết này vẫn chưa thật sự bền chặt, khi sản lượng chanh dây sản xuất ra quá lớn thì doanh nghiệp hạ giá thu mua…
Với những hạn chế nêu trên nên thời gian gần đây sản phẩm chanh dây ở Đác Nông được sản xuất ra khá lớn, vượt khả năng thu mua, năng lực sơ chế và xuất khẩu của các công ty, cơ sở sơ chế trên địa bàn. Do đó, giá chanh dây từ 20 nghìn-25 nghìn đồng/kg nay giảm xuống chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg, thậm chí có nơi thu mua chỉ 5.000 đồng/kg khiến người trồng chanh dây chịu nhiều thiệt hại. Bên cạnh đó, thời gian gần đây các loại dịch bệnh lại bùng phát trên cây chanh dây làm nhiều diện tích chanh dây bị chết, khiến người trồng chanh dây điêu đứng.
Đây là bài học đắt giá cho việc làm ăn theo kiểu phong trào, chạy theo thị trường, khi thấy cây gì giá tăng cao thì ồ ạt đầu tư trồng, đến khi sản phẩm sản xuất ra quá nhiều dẫn đến khủng hoảng thừa, rớt giá, dịch bệnh bùng phát thì lại trắng tay và phải chặt bỏ chuyển sang các loại cây trồng khác… làm cho nền nông nghiệp của tỉnh phát triển thiếu bền vững, đời sống của người nông dân bấp bênh, dễ tái nghèo.
Có thể bạn quan tâm
Nâng niu những trái quýt nặng oằn trên cây, ông Nguyễn Văn Cự tự hào khoe: “Vườn quýt này đã cho gia đình mình thu nhập được 2,6 tỷ đồng rồi đó”.
Với diện tích hơn 2ha trồng cây đinh lăng, mỗi năm anh Đinh Văn Thuận (SN 1985, đội 5, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) “đút túi” gần 1 tỷ đồng
Mạnh dạn phá bỏ vườn cà phê để chuyển sang trồng cây dược liệu đương quy đã giúp gia đình chị Nguyễn Thu Huệ có thu nhập tiền tỉ.
Hằng ngày đều đặn cho thu hoạch từ 40 - 150kg tùy thời vụ. Bán trung bình với giá từ 150.000 - 200.000 đ/kg tại vườn. Nếu tính cả năm gia đình ông thu về cả tỷ
Nhờ trồng bưởi, không ít hộ dân nơi đây đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững với thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.