Xuất Khẩu Tôm Vào Hoa Kỳ Cơ Hội Giải Oan
Nếu được thuế suất 0% trong 3 kỳ xem xét hành chính hàng năm liên tiếp, tôm Việt Nam sẽ có cơ hội rút ra khỏi “cuộc chiến” chống bán phá giá (CBPG) khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa chính thức công bố phán quyết liên quan đến việc Hoa Kỳ áp thuế CBPG với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam.Theo đó, trong số 11 nội dung khiếu nại của Việt Nam, Ban hội thẩm của WTO đã đưa ra phán quyết với 7 nội dung theo hướng có lợi cho Việt Nam, nhất là về thủ tục điều tra và tính toán biên độ phá giá.
Đặc biệt, theo Ban hội thẩm, sử dụng phương pháp quy về 0 (phương pháp zeroing) trong vụ tôm xuất khẩu của Việt Nam là không phù hợp với quy định của WTO, do đó, Hoa Kỳ không được tiếp tục áp dụng phương pháp này.
Vụ việc bắt đầu từ năm 2012, căn cứ vào Hiệp định Thuế quan và thương mại (GATT 1994) trước đây và các điều khoản về CBPG của WTO hiện nay,Việt Nam nhận thấy việc Hoa Kỳ áp dụng biện pháp CBPG nhằm vào tôm đông lạnh của Việt Nam là không phù hợp, đã khiếu nại tới WTO.
Sau 2 năm nghiên cứu, Ban hội thẩm của WTO đã kết luận: Một số biện pháp của Hoa Kỳ không những đã vi phạm GATT 1994 mà còn trái với quy định của WTO về CBPG.
Theo phân tích của ông Trương Đình Hòe- Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- trong kỳ xem xét hành chính (POR) lần thứ 2 và 3, doanh nghiệp Việt Nam đã được hưởng thuế suất 0%. Với phán quyết mới của WTO, Hoa Kỳ sẽ phải tính lại mức thuế trong lần rà soát POR thứ 4. “Nếu không áp dụng phương pháp zeroing, chắc chắn tôm Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng thuế suất 0%”- ông Hòe khẳng định.
Với phán quyết mới của WTO, Hoa Kỳ sẽ phải tính lại mức thuế trong lần rà soát định kỳ thứ 4.
Như vậy, với 3 kỳ liên tiếp được hưởng thuế suất 0%, Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở chứng minh tôm Việt Nam không bán phá giá và yêu cầu Hoa Kỳ phải xem xét lại kết quả của cuộc rà soát hoàng hôn năm 2010. Đây sẽ là luận điểm để Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố Việt Nam không bán phá giá. Lúc đó, Việt Nam mới chấm dứt vụ kiện.
Về các bước đi tiếp theo, ông Hòe cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục kháng cáo tới Ban phúc thẩm của WTO nhằm có được phán quyết đầy đủ hơn. Bởi lẽ, WTO mới thông qua 7/11 nội dung khiếu nại của Việt Nam.
Mặt khác, theo nhận định của ông Hòe, khả năng cao Hoa Kỳ cũng sẽ kháng cáo. Bởi vậy,Việt Nam kháng cáo là việc hết sức cần thiết để tiếp tục đạt được những phán quyết có lợi cho ngành thủy sản trong nước. “Từ đó có thể giúp Việt Nam tham gia vào các hoạt động pháp lý thuận lợi và có kết quả tốt nhất trong quá trình rút ra khỏi vụ kiện”- ông Hòa chia sẻ.
Nguồn bài viết: http://baocongthuong.com.vn/xuat-nhap-khau/72673/xuat-khau-tom-vao-hoa-ky-co-hoi-giai-oan.htm#.VHKVf40cTDc
Có thể bạn quan tâm
Ngày 20/6, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo giới thiệu công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm cá chình bông theo hình thức công nghiệp. Đến dự hội nghị có đại diện các cơ quan chuyên môn, phòng nông nghiệp các huyện và hơn 100 nông dân nuôi cá chình trong tỉnh.
Sở Nông nghiệp và PTNT đã có thông báo về việc cấm nghề giã cào Banh Lông hoạt động khai thác hải sản trên toàn vùng biển Bình Thuận.
Những ngày gần đây, giá cá tra nguyên liệu tại An Giang tăng trở lại nhưng người nuôi vẫn lỗ. Cá tra loại 1 được các công ty mua từ 20.500 – 20.800 đồng/kg (tháng 5 chỉ ở mức 19.500 đồng/kg). Ông Cao Lương Tri, người nuôi cá ở TP. Long Xuyên, cho biết, tuy giá tăng từ 1.000 – 1.300 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn lỗ, bởi giá thành nuôi đến 22.000 đồng/kg.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), 6 tháng đầu năm nay, sản lượng thủy sản toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 15,5 nghìn tấn, tăng gần 1,6 nghìn tấn so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung ở các huyện: Tân Yên, Yên Dũng, Việt Yên và Lạng Giang.
Lâu nay, khi nhắc đến tình trạng trộm cắp nông sản, người ta thường nghĩ đến các loại cây trồng như cà phê, tiêu... Thời gian gần đây, kẻ gian còn lợi dụng sơ hở của bà con nông dân để hái trộm bơ, kể cả khi trái đang còn non...