Xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng trưởng trong tháng 9/2015
XK tôm quý 3 đạt 840,8 triệu USD, tăng từ 573,9 triệu USD của quý 1 và 716,2 triệu USD của quý 2 tuy nhiên vẫn giảm 26,6% so với cùng kỳ năm 2014.
XK tôm tăng đều từ tháng 7 đến tháng 9 từ gần 263,5 triệu USD lên gần 305 triệu USD.
9 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt 2,1 tỷ USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Kinh tế sụt giảm khiến nhu cầu tiêu thụ ở các nước NK chính ảm đạm, đồng tiền của các thị trường NK chủ lực như Nhật, EU, Hàn Quốc… mất giá mạnh khiến giá NK giảm trong khi đồng tiền của các nước cung cấp tôm lớn trên thế giới cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Trung Quốc… lại phá giá mạnh tới 30%, nguồn cung ở các nước Đông Nam Á cải thiện khiến XK tôm trong quý 3 và 9 tháng đầu năm nay vẫn liên tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tôm chân trắng vẫn là mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2015 mặc dù giá trị XK giảm 27,5% so với cùng kỳ năm 2014 xuống còn 1,2 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam.
XK tôm sú cũng giảm tới 31,7% còn 711,4 triệu USD, chiếm 33,4%.
Tôm sú và tôm chân trắng nguyên liệu đông lạnh vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng XK tôm Việt Nam.
Tôm biển được XK chủ yếu dưới dạng chế biến khác.
Chín tháng đầu năm 2015, tỷ trọng tôm chân trắng tương đương với cùng kỳ năm ngoái trong khi tỷ trọng tôm sú giảm 2,1%; tỷ trọng tôm biển tăng 2,1%.
Tính tới hết tháng 9 năm nay, DN nỗ lực mở rộng thị trường XK trong bối cảnh XK sang các thị trường chính truyền thống gặp khó khăn.
Tôm Việt Nam được XK sang 92 thị trường, tăng 6 thị trường so với cùng kỳ năm 2014 (86 thị trường).
Top 10 thị trường chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, ASEAN và Thụy Sỹ, chiếm gần 95% tổng giá trị XK tôm.
XK tôm sang top 3 thị trường chính đều giảm mạnh như sang Mỹ giảm 45%, sang Nhật Bản giảm 19,7%, sang EU giảm 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bức tranh XK tôm sang các khối thị trường chính đều giảm, XK sang một số thị trường đơn lẻ lại tăng so với cùng kỳ 2014 như Anh (+16%), Hồng Kông (+2,6%), Singapore (+0,7%) và Malaysia (+40,4%).
Đáng chú ý là thị trường Anh-thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU-ngày càng tăng nhu cầu đối với tôm nước ấm.
XK tôm sang Mỹ trong tháng 9/2015 đạt 77,6 triệu USD, tăng gần 29% so với tháng 8/2015 và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Tổng XK tôm sang Mỹ trong quý 3 đạt 188,8 triệu USD, tăng 62,3% so với quý 1/2015 và tăng 29% so với quý 2/2015 tuy nhiên vẫn giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2014.
XK tôm sang Mỹ trong tháng 9 tăng trưởng so với các tháng trước đó là do các nhà NK nước này tăng cường nhập hàng để dự trữ và phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm.
Kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam khá tốt cũng có thể tạo hiệu ứng giúp tăng trưởng XK sang đây trong những tháng cuối năm.
Mặc dù tăng trưởng đều trong các tháng của quý 3 nhưng XK tôm sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay vẫn giảm 45% so với cùng kỳ năm 2014 với giá trị XK đạt 451,5 triệu USD.
Nguyên nhân là do USD tăng mạnh, các nước đổ xô XK tôm sang Mỹ, các nhà NK Mỹ có cơ hội gây sức ép lên giá tôm.
Giá thành sản xuất cao dẫn tới giá XK tôm của Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với mặt bằng chung trên thị trường Mỹ.
Đồng tiền của các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Trung Quốc… lại phá giá mạnh 20 - 30%, trong khi đồng VNĐ chỉ mất giá nhẹ, làm cho giá tôm của Việt Nam trên thị trường cao hơn 2- 3 USD/kg so với các đối thủ trên.
Tháng 9/2015 là tháng giá trị XK tôm sang EU đạt cao nhất kể từ đầu năm nay.
XK tôm sang EU trong tháng 9 đạt 55,9 triệu USD, tăng 13,3% so với tháng 8/2015 tuy nhiên mức tăng này không đủ để bù đắp cho doanh số XK giảm 24,7% với gần 157 triệu USD trong quý 3/2015.
Lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 403,3 triệu USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Nhu cầu NK của các thị trường chính đều giảm trong khi giá tôm thế giới từ đầu năm đến nay giảm hơn 30%.
Biến động tỷ giá USD so với các tiền tệ khác đã làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam đồng thời tác động mạnh tới doanh thu XK tôm Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2015.
Dự báo trong quý 4/2015, XK tôm Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi xu hướng sụt giảm so với năm trước với mức giảm khoảng 20 - 25% đạt khoảng 800 triệu USD.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu (XK) hàng hóa, tận dụng cơ hội từ hội nhập, Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thời kỳ 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030”.
Trước những bất lợi về giá, sức tiêu thụ kém của thị trường nhập khẩu từ đầu năm đến nay, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo: Xuất khẩu (XK) thủy sản năm nay giảm khoảng 15% so với năm 2014.
Hà Tĩnh đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất cây giống, chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi…, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường.
Một công ty ở Hải Dương đã bị phát hiện sử dụng chất vàng ô có thể gây ung thư vào sản phẩm thức ăn chăn nuôi.
Trên đà thắng lợi của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Tĩnh đã mạnh dạn xây dựng thêm tiêu chí thứ 20 “khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu’’.