Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Xuất khẩu tôm năm 2017 tiếp tục tăng trưởng dương

Xuất khẩu tôm năm 2017 tiếp tục tăng trưởng dương
Tác giả: Dương Thảo
Ngày đăng: 09/01/2017

Đó là chia sẻ của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) với Tạp chí Thủy sản Việt Nam về những hoạt động trong năm 2016 và dự báo tình hình xuất khẩu năm 2017 của ngành thủy sản.

Trong ảnh: Năm 2016, xuất khẩu tôm ước đạt 3,1 tỷ USD 

Năm 2016 ngành thủy sản đã hoàn thành và đạt kế hoạch tăng trưởng 5 - 6% với giá trị trên 7 tỷ USD, đánh giá của ông về điều này?

Mức tăng trưởng 6,5% so với năm 2015 trùng với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu thủy sản năm 2016 mà VASEP đã dự báo từ đầu năm. Với những khó khăn của thị trường, thuế chống bán phá giá, biến đổi khí hậu và đặc biệt là sự gia tăng xuất khẩu từ các quốc gia khác trong 6 tháng đầu năm đã khiến cho xuất khẩu tôm trong năm 2016 tưởng chừng không vượt qua được con số 3 tỷ USD. Tuy nhiên với những nỗ lực chung, cải thiện các điều kiện và kiên trì xúc tiến thương mại đã khiến cho tình hình xuất khẩu 6 tháng cuối năm có nhiều kết quả đáng kể, cạnh tranh tốt hơn nên đã giúp cho thủy sản về đích hơn 7 tỷ USD.

Năm 2017 dự báo ngành thủy sản sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì, giá trị xuất khẩu duy trì ở mức độ nào?

Thuận lợi: Dự báo nhu cầu thủy sản trên thế giới vẫn tăng mặc dù không cao như những năm trước (trên 15%). Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp bắt đầu có tác động gia tăng lượng nguyên liệu thủy sản nuôi trồng cung cấp cho chế biến xuất khẩu. Cùng với đó, các hiệp định thương mại với các thị trường chính mở ra cơ hội để thâm nhập sâu hơn.

Khó khăn: Sự cạnh tranh về giá vẫn là xu hướng trong năm 2017 do tình hình phục hồi kinh tế chậm của các thị trường, kiểm soát hóa chất kháng sinh theo chuỗi cung ứng vẫn còn là thách thức lớn; Ngoài ra rào cản thương mại như thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn… tiếp tục là thách thức cho việc tăng trưởng xuất khẩu.

Với những thuận lợi, khó khăn như vậy, theo ông, giải pháp cho các doanh nghiệp thủy sản ra sao?

Doanh nghiệp cần tăng cường các hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng nhằm kiểm soát tốt giá thành, an toàn vệ sinh thực phẩm, hóa chất kháng sinh. Mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng, phát huy lợi thế về công nghệ để có thể gia tăng tỷ lệ hàng chế biến trong cơ cấu xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong xu hướng cạnh tranh về giá giữa các quốc gia trên thị trường thế giới. Đồng thời, tận dụng tối đa các lợi thế do các hiệp định thương mại thế hệ mới mang lại trong năm 2017. Phối hợp trong cộng đồng để vận động và đấu tranh có hiệu quả xóa bỏ các rào cản thương mại của các thị trường.

Con tôm là sản phẩm xuất khẩu chủ lực năm 2016, vậy trong năm 2017, cơ hội của sản phẩm này ra sao, thưa ông?

Dự báo xuất khẩu tôm năm 2017 tiếp tục tăng trưởng dương nhờ vào: Xu hướng gia tăng nhu cầu của thị trường. Thị trường châu Âu sẽ tăng mua tôm đáng kể khi Việt Nam đã áp dụng các biện pháp một cách có hiệu quả bảo đảm kiểm soát hóa chất kháng sinh. Việt Nam sẽ phát huy lợi thế nuôi tôm sú và cung cấp cho thị trường ở các phân khúc cao.

VASEP có nhận định gì về sản phẩm cá tra trong năm 2017?

Cá tra vẫn là mặt hàng quan trọng của thủy sản và dự báo năm 2017 giá trị xuất khẩu sẽ xoay quanh mức 1,7 tỷ USD do những nguyên nhân sau: 20 doanh nghiệp hàng đầu đang xuất khẩu khoảng 80% cá tra trong điều kiện các thị trường ngày càng yêu cầu chất lượng cao hơn nên khó có khả năng gia tăng sản lượng xuất khẩu. Kết quả xuất khẩu và tình hình giá cả của năm 2016 vẫn chưa là động lực làm cho người nuôi quay lại đầu tư nuôi cá. Do đó, lượng cá nguyên liệu trong năm 2017 dự báo cũng không tăng nhiều. Thị trường Trung Quốc mặc dù tăng mạnh trong năm 2016, tuy nhiên do tâm lý e ngại rủi ro nhất là hiện nay tỷ lệ xuất biên mậu chiếm 70% sẽ khiến các doanh nghiệp điều chỉnh để tăng tỷ lệ chính ngạch nên có thể sẽ không tăng mạnh về sản lượng so năm 2016.

Ông có nhận định gì về thị trường Trung Quốc trong năm 2017?

Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng nhưng sẽ chững lại trong hoạt động biên mậu do hạn chế năng lực tiếp nhận, tính thiếu ổn định về chính sách của phía Trung Quốc, rủi ro trong thanh toán… sẽ khiến các doanh nghiệp có xu hướng điều chỉnh tỷ lệ xuất khẩu giữa biên mậu và chính ngạch, điều này dẫn đến khả năng duy trì sản lượng và điều chỉnh về phương thức. Người nuôi cần chọn lựa và nên tin tưởng những doanh nghiệp Việt Nam có uy tín và năng lực thực sự khi muốn tiêu thụ hàng sang Trung Quốc để tránh rủi ro trong thanh toán cũng như kế hoạch sản xuất của mình.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Tôm vẫn là số 1: Thống kê của VASEP cho thấy, trong năm 2016, xuất khẩu tôm tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn có sự tăng trưởng. Dự báo xuất khẩu tôm năm 2016 sẽ đạt 3,1 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm 2015.


Có thể bạn quan tâm

Cá ngừ 212 kg giá hơn 14 tỉ đồng Cá ngừ 212 kg giá hơn 14 tỉ đồng

Một con cá ngừ được bán với giá 74 triệu yen (hơn 14 tỉ đồng) trong phiên đấu giá đầu năm 2017 tại chợ cá Tsukiji nổi tiếng ở Nhật Bản.

05/01/2017
Tôm nước lợ được mùa trong khó khăn Tôm nước lợ được mùa trong khó khăn

Vượt qua muôn vàn khó khăn, ngành sản xuất tôm nước lợ đã cán mốc sản lượng 570.000 tấn, tăng 1,3% so với năm 2016. Đây là bàn đạp tốt để con tôm tăng tốc mạnh

06/01/2017
Cải tiến di truyền của tôm sú Cải tiến di truyền của tôm sú

Hội đồng nghiên cứu Australia (ARC) đã tài trợ 5 năm cho Trung tâm Nghiên cứu Chuyển đổi công nghiệp trong việc lai tạo chọn lọc giống tôm sú

09/01/2017