Xuất khẩu tôm cả năm có thể giảm 1 tỉ USD

Ngày 30/11, báo cáo về tình hình xuất khẩu thủy sản 11 tháng năm 2015 tại cuộc giao ban Bộ Công Thương, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, nếu năm 2014, Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu tôm hơn 4 tỉ USD, thì năm nay chỉ có thể đạt giá trị xuất khẩu khoảng 3 tỉ USD.
TTXVN cũng dẫn lời ông Hòe cho biết, đến thời điểm này, xuất khẩu thủy sản giảm khoảng 1 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu tập trung vào mặt hàng chủ lực là tôm, do giá xuất khẩu trên thị trường giảm.
Bên cạnh đó, từ giữa năm 2014 đến nay, giá xuất khẩu mặt hàng tôm đã giảm khoảng 30% so với trước đó kéo theo doanh thu xuất khẩu toàn ngành tôm cũng bị giảm.
Tuy nhiên, theo ông Hòe, thị trường 2016 hứa hẹn sẽ có nhiều thuận lợi hơn nhờ các hội nhập thương mại tự do.
Nhưng Việt Nam cũng đứng trước thách thức lớn khi giá thành sản xuất tôm đang đánh mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt sau khi ngành tôm của Indonesia tăng trưởng mạnh với giá thành cạnh tranh.
Do vậy, bên cạnh các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu như xúc tiến thương mại, hỗ trợ thị trường, thuế quan, rào cản thương mại… một vấn đề khác cũng quan trọng là phải giảm giá thành sản xuất và tăng cường kiểm soát kháng sinh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Đồng thời, ngành tôm Việt Nam cũng phải có giá thành sản xuất cạnh tranh và người dân cũng phải tích cực cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, góp phần tăng trưởng xuất khẩu.
Từ thực tế trên, ông Hòe kiến nghị Bộ Công Thương cần có các giải pháp quyết liệt hơn để hỗ trợ cho ngành nuôi tôm, giữ vững xuất khẩu:
“Về giá thì chúng tôi kiến nghị với Bộ, thông qua hệ thống quản lý thị trường, cấp phép, quản lý các yếu tố đầu vào cho nuôi tôm thì cũng có những chỉ đạo, quyết liệt để đảm bảo chất lượng và giá cả các yếu tố đầu vào như thức ăn, chế phẩm phục vụ nuôi tôm như kháng sinh…, giúp người dân tiếp cận được các yếu tố đầu vào với giá trị thực.
Để từ đó có điều kiện đảm bảo giá thành sản xuất thấp hơn, tăng khả năng cạnh tranh của con tôm và ổn định xuất khẩu trở lại”.
Có thể bạn quan tâm

Được chứng kiến những việc làm ý nghĩa của ông Hoàng Văn Lân - Chủ tịch Hội ND xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), chúng tôi mới hiểu vì sao ông được ND nơi đây quý mến.

Chị Lê Kim Phụng, ngụ ấp Bình Phú 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành là một trong những người theo nghề nuôi cút đầu tiên ở xã. Sau 7 năm gầy dựng thành đàn và mở rộng quy mô, cộng với học tập từ những điểm sản xuất giống và các lớp kỹ thuật của Hội Nông dân tổ chức, đến nay, chị đã làm chủ trại cút trên 100 chuồng với 16.000 con, đem lại nguồn thu nhập hàng tháng hơn 15 triệu đồng.

Mấy ngày nay, vùng nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu tôm bị chết hàng loạt. Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, có khả năng nguyên nhân gây ra tình trạng trên là vì ảnh hưởng bởi thủy triều đỏ

Bạc Liêu đã triển khai thí điểm bảo hiểm (BH) trên tôm nuôi tại 3 huyện, thành phố. Tuy nhiên, loại hình BH mới này thật sự chưa được người nuôi tôm và cả doanh nghiệp (DN) mặn mà. Nguyên nhân chính là sản xuất nhỏ lẻ và những rủi ro vốn dĩ quá phức tạp của “nghề bà cậu” này...

Hàng nghìn hộ dân ở 9 xã thuộc huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đang lao đao vì Công ty TNHH Phát triển công nghệ cao Phương Lam, địa chỉ quốc lộ 37A, xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương thu mua hàng nghìn tấn khoai tây vụ đông xuân gần 4 tháng nay chưa thanh toán tiền trả cho nhân dân.