Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xuất Khẩu Thủy Sản Đừng Bỏ Trứng Vào Một Giỏ

Xuất Khẩu Thủy Sản Đừng Bỏ Trứng Vào Một Giỏ
Ngày đăng: 25/06/2014

Hiện nay, việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của các doanh nghiệp (DN) Khánh Hòa sang Trung Quốc vẫn ổn định. Tuy vậy, về lâu dài các ngành chức năng cần có các giải pháp để tránh lệ thuộc vào thị trường này.

Xuất khẩu ổn định

Những ngày này, Công ty TNHH Thủy sản Phúc Minh (TP. Nha Trang) đang hối hả thu gom cá mú nuôi của người dân tại các tỉnh Nam Trung bộ để xuất khẩu chính ngạch cá sống sang Trung Quốc bằng tàu thủy. Từ đầu năm đến nay, DN này đã xuất được 5 chuyến tàu, với tổng sản lượng khoảng 150 tấn cá sống, trị giá hàng triệu USD. Cá mú đen đang được DN thu mua tại đìa với giá 250.000 đồng/kg, loại 1,5 kg/con.

Ông Trần Đại Dũng, Giám đốc Công ty cho biết: “Nhà nhập khẩu Trung Quốc rất lo lắng tình hình Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh, nhưng chúng tôi giải thích Nhà nước Việt Nam rất ủng hộ DN xuất khẩu, mọi việc buôn bán phía Việt Nam đều tiến hành bình thường nên họ rất yên tâm. Nguồn cá mú cung cấp từ Việt Nam được các DN Trung Quốc đánh giá rất cao về chất lượng”.

Hiện nay, giá cá mú tại Khánh Hòa đang dao động từ 200.000 - 400.000 đồng/kg, tùy theo từng loại cá. Ngoài lượng cá mú được xuất khẩu chính ngạch, hiện có nhiều mặt hàng thủy sản khác như tôm hùm, ốc hương cũng đang được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Anh Nguyễn Tấn Hải, người chuyên thu mua tôm hùm ở huyện Vạn Ninh cho biết, hiện tôm hùm xuất đi Trung Quốc qua cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc vẫn bình thường, tôm loại 1 đang được thu mua tại lồng với giá 1,7 triệu đồng/kg, ổn định như năm ngoái.

Theo ông Hoàng Kim Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản, các mặt hàng thủy sản như cá mú, tôm hùm, ốc hương... tuy sản lượng không lớn, nhưng giá trị kinh tế rất cao. Đây là những mặt hàng chỉ đạt giá trị cao nếu đảm bảo được còn sống khi đến với khách hàng.

Tuy vậy, ngoài lượng nhỏ tiêu thụ trong nước, hầu hết các mặt hàng này đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong tỉnh cũng chưa có DN nào chế biến các mặt hàng này. “Hiện nay, việc mua bán trao đổi giữa người dân và thương lái đi Trung Quốc vẫn diễn biến bình thường, giá cả không có gì biến động đáng kể”, ông Khánh cho biết.

Nên “bỏ trứng vào nhiều giỏ”

Lâu nay, các mặt hàng thủy sản sống có giá trị cao như: tôm hùm, cá mú, ốc hương hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ông Huỳnh Kim Khánh cho rằng, điều này khiến ngành nuôi trồng thủy sản đang gặp nhiều bất lợi. Chỉ cần phía nhà nhập khẩu hạn chế hoặc dừng thu mua thì các mặt hàng này sẽ lập tức hạ giá. Thời gian gần đây, nhiều DN Khánh Hòa cố gắng tìm kiếm các thị trường tiêu thụ trong nước nhưng kết quả vẫn hạn chế.

Anh Nguyễn Văn Hải, người chuyên thu mua cá mú tại TP. Cam Ranh cho biết, các thị trường như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh rất ưa chuộng cá mú của Cam Ranh, giá thu mua để tiêu thụ nội địa cũng cao hơn giá xuất khẩu khoảng 10.000 đồng/kg. Thế nhưng, sản lượng rất thấp, mỗi chuyến hàng chỉ vài trăm kg, trong khi đó mỗi chuyến xuất khẩu khối lượng lên đến hàng tấn.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các mặt hàng hải sản cao cấp như cá mú, tôm hùm khi đến tay người tiêu dùng trong nước vẫn có mức giá khá cao nên rất khó tiêu thụ với số lượng lớn. Vì thế, việc phụ thuộc thị trường Trung Quốc đang là điểm yếu của nhiều loại nông, thủy sản Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đang tái cơ cấu xuất khẩu, tìm ra các thị trường mới cho xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều DN hy vọng Việt Nam ký kết Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành công sẽ mở rộng được các thị trường cho xuất khẩu thủy sản.

Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh cho biết, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần “bỏ trứng vào nhiều giỏ”, các cơ quan chức năng cần ứng phó ngay, hỗ trợ DN đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thêm đối tác đề phòng trường hợp bị gián đoạn.

Trước mắt, cần ưu tiên tìm kiếm các thị trường gần có chung đặc điểm tiêu thụ thủy sản sống như: Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông... và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Mặt khác, do giá trị đầu tư cao nên ngư dân cũng cần đa dạng hóa các mặt hàng nuôi trồng để tránh rủi ro khi tập trung vốn vào một mặt hàng.

Về lâu dài, Nhà nước cần quy hoạch, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng sản phẩm để đa dạng hóa đầu ra. “Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn nhưng không nên phụ thuộc vào họ. Việc tìm kiếm thị trường mới phải là các cơ quan chức năng chứ người dân không thể làm được việc này” - ông Lăng chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

Giá Cá Điêu Hồng Tăng Lên 42.500 Đồng/kg Giá Cá Điêu Hồng Tăng Lên 42.500 Đồng/kg

Ngày 4-7, ông Nguyễn Văn Thành, nông dân nuôi cá điêu hồng ở phường Tân Long, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, giá cá điêu hồng đã tăng lên 42.500 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 18.000 đồng/kg; cá điêu hồng giống cũng có giá từ 30.000 - 41.000 đồng/kg (tùy kích cỡ).

08/07/2013
Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Gà Ri Lai Ở Phú Thọ Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Gà Ri Lai Ở Phú Thọ

Nằm trong dự án phát triển nông thôn trong giai đoạn hiện nay, xã Hùng Lô được UBND thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đầu tư dự án nuôi thí điểm gà ri lai thả đồi, vườn. 35 hộ trải đều ở 10 khu dân cư trong xã được lựa chọn mô hình nuôi gà thí điểm, đó là những hộ có diện tích đồi, vườn phù hợp, có nhân công lao động, nhiệt huyết chăn nuôi, kinh tế ổn định. Với tổng đàn 7000 con gà 1 ngày tuổi, bình quân 200 con/hộ, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y trong thời gian 4 tháng khi gà đảm bảo thời gian xuất bán.

08/04/2013
Vén Màn Trái Cây Chín Ép Vén Màn Trái Cây Chín Ép

Phải thuyết phục nhiều lần, chị Thắm (một tiểu thương chuyên kinh doanh trái cây ở chợ đầu mối Bình Điền, TP HCM) mới cho tôi tháp tùng nhóm người làm công của chị xuống Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và Cái Mơn (tỉnh Bến Tre) để thu mua sầu riêng, chuối, mít chở lên TP HCM bán.

08/07/2013
Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Khảo Sát Vùng Nuôi Nghêu Xã Tân Thành Ở Tiền Giang Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Khảo Sát Vùng Nuôi Nghêu Xã Tân Thành Ở Tiền Giang

Huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) có diện tích nuôi nghêu khoảng 2000 ha, tập trung ở các cồn Vạn Liễu, cồn Ông Mão, ấp Cây Bàng, Cầu Muống và Tân Phú thuộc xã Tân Thành, hàng năm ngư dân thu hoạch từ 20.000 - 30.000 tấn nghêu thương phẩm đem lại lợi nhuận rất lớn cho ngư dân vùng biển, riêng Ban Quản lý cồn bãi trực thuộc UBND huyện, quản lý, nuôi và khai thác 350 ha thuộc khu vực cồn Ông Mão, hàng năm từ nguồn thu hoạch nghêu, thu về cho ngân sách huyện chiếm gần 50%.

09/04/2013
Mô Hình Nuôi Heo Rừng Lai Cho Thu Nhập Gần 31 Triệu Đồng/hộ Ở Đồng Xuân (Phú Yên): Mô Hình Nuôi Heo Rừng Lai Cho Thu Nhập Gần 31 Triệu Đồng/hộ Ở Đồng Xuân (Phú Yên):

Phòng Kinh tế hạ tầng và Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Đồng Xuân (Phú Yên) vừa phối hợp tổ chức tổng kết mô hình chăn nuôi heo rừng lai tại xã Xuân Quang 3 và thị trấn La Hai.

09/04/2013