Khuyến Khích Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Tập Trung Ở Quảng Nam
Mặc dù đạt được nhiều thành quả trong thời gian qua nhưng nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Tại hội nghị “Nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2007 - 2012 và những định hướng trong thời gian đến” được Sở NN&PTNT Quảng Nam tổ chức vừa qua đã đề ra nhiều giải pháp phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là với đối tượng nuôi chủ lực - tôm thẻ chân trắng.
Thiếu bền vững
Nếu như trước đây, tôm sú là đối tượng nuôi chính, chiếm đến 90% diện tích nuôi trồng thủy sản thì từ năm 2007 đến nay, tôm thẻ chân trắng là đối tượng chủ lực. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, năm 2012, toàn tỉnh thả nuôi 1.419 ha tôm thẻ chân trắng, tổng sản lượng đạt 12.750 tấn (tăng 7.823 tấn so với tổng sản lượng của cả 2 năm 2007, 2008). Từ năm 2007 đến nay, sản lượng tôm thẻ chân trắng không ngừng tăng lên (mức cao nhất là 25 tấn/ha/vụ). Với giá tôm thương phẩm khoảng 100 nghìn đồng/kg, không ít nông dân đã thu được tiền tỷ sau mỗi vụ nuôi.
Mặc dù giá trị sản xuất tăng nhanh nhưng nghề nuôi tôm thẻ chân trắng chưa thật sự bền vững. Trong năm 2012, toàn tỉnh có 74ha tôm nuôi bị chết hàng loạt do dịch bệnh. Điều đáng ngại nhất trong nuôi tôm thẻ chân trắng thời gian qua là hạ tầng vùng nuôi không đảm bảo. Ngoại trừ một số hộ nuôi thâm canh theo hướng công nghiệp, các ao nuôi đều không được trang bị hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt. Ao chứa lắng, ao xử lý nước thải cũng chưa được đầu tư đồng bộ. “Bệnh trên tôm nuôi lây lan thành dịch do vi rút nhiễm bệnh phát tán nhanh ra môi trường xung quanh là chủ yếu. Những năm qua, không có năm nào mà dịch bệnh đốm trắng không hoành hành. Hạ tầng vùng nuôi không đảm bảo đã kéo theo hệ lụy là làm ô nhiễm môi trường. Nước từ ao nuôi không được xử lý khi thoát ra đã khiến cho môi trường xung quanh bị nhiễm bẩn nặng...” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết.
Một vấn đề nan giải khác là việc quản lý con giống tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh rất khó khăn. “Hầu hết tôm giống lưu thông trên địa bàn chưa được kiểm dịch. Nguyên nhân chủ yếu là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống không khai báo kiểm dịch với cơ quan kiểm tra trước khi xuất bán. Cách thức vận chuyển con giống của chủ cơ sở sản xuất giống và người mua bằng nhiều con đường và nhiều thời điểm khác nhau nên không thể kiểm soát được” - ông Đặng Vĩnh Thạch, đại diện Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ nói. Hiện tại, với hơn 1.500 ha ao nuôi, nhu cầu tôm giống trên địa bàn tỉnh rất lớn (không dưới 4 tỷ con/năm) nhưng Quảng Nam vẫn chưa có cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Những cơ sở kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh vẫn ương tôm giống nhận từ nơi khác về bán cho nông dân nhưng không đảm bảo chất lượng. Giá con giống thất thường do nhu cầu thị trường luôn biến động cũng khiến cho việc thả giống của người dân luôn diễn ra trong thế bị động.
Nâng cao tính ổn định
Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh kiêm Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, con giống là một trong những yếu tố quan trọng nhất để có thể đem lại thành công cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh. Trước sự gia tăng nhu cầu giống tôm thẻ chân trắng lên đến hơn 4,5 tỷ con trong năm 2013, ngành chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm dịch chất lượng con giống nhập vào Quảng Nam. “Kiên quyết xử lý nghiêm các loại giống tôm thẻ chân trắng lưu hành trên địa bàn tỉnh không có giấy kiểm dịch. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ chúng tôi sẽ kiểm dịch lại. Việc giám sát chặt chẽ, không để kinh doanh tôm giống trước lịch thời vụ cũng cần được triển khai quyết liệt” - ông Tấn nói.
Cũng theo ông Tấn, việc kêu gọi các công ty sản xuất giống tôm thẻ chân trắng có uy tín, thương hiệu ký bảo lãnh cung ứng giống cũng rất cần thiết. “Quảng Nam đang xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư có tâm, có tầm đầu tư trại giống để cung ứng đủ con giống chất lượng cho nhu cầu của người nuôi. Chính sách ưu đãi cho các công ty có uy tín đầu tư vào khu hạ tầng kỹ thuật - kiểm định giống thủy sản (xã Bình Nam, Thăng Bình) sẽ là động lực để nâng cao sản xuất trong thời gian đến” - ông Tấn cho biết thêm.
Đại diện cho địa phương dẫn đầu về diện tích và sản lượng nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh, ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành đề xuất, trong thời gian đến, Sở NN&PTNT cần khẩn trương rà soát lại quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng, diện tích đất chồng lấn giữa nuôi trồng thủy sản và phát triển công nghiệp, du lịch… để đề xuất với UBND tỉnh bố trí quỹ đất ổn định cho sản xuất và lấy đó làm cơ sở để quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh, tập trung. “Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng cần thống nhất bộ quy tắc về kiểm soát xử lý chất thải trong hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng để các địa phương và người nuôi tuân theo. Việc giám sát môi trường, dịch bệnh để thông báo kịp thời và hướng dẫn cụ thể người nuôi chủ động phòng và chống bệnh, dịch bệnh trên tôm nuôi là điều rất cấp thiết” - ông Hưng nói.
Đồng quan điểm với nhiều ý kiến tại hội nghị, ông Võ Văn Năm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, sở sẽ đề xuất với UBND tỉnh có chính sách đầu tư trọng điểm vào các vùng nuôi tôm sạch tập trung; khuyến khích các cơ sở nuôi tôm đạt các quy chuẩn nuôi trách nhiệm, nuôi an toàn; sắp xếp, cải tiến lại hệ thống ao nuôi tại một số địa phương làm thí điểm đánh giá và nhân rộng khi đạt các quy chuẩn cần thiết; làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai rà soát quy hoạch để thống nhất bố trí diện tích ổn định cho người dân yên tâm sản xuất...
Ổn định nghề nuôi trồng thuỷ sản
Sở NN&PTNT đề ra mục tiêu chung của ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến là phát triển nuôi trồng theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh. Sản phẩm thủy sản nuôi phải đạt chất lượng, đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng kháng sinh. Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chiến lược, tăng cường đầu tư sản xuất theo hướng thâm canh, tăng năng suất, khuyến khích nuôi lót bạt. Đa dạng đối tượng nuôi bằng cách bổ sung nuôi các đối tượng cua, rong cau, cá tại các diện tích nuôi thiếu an toàn. Về nuôi cá nước ngọt, tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng diện tích hiện có, từng bước phát triển các loại cá có giá trị kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Về xã Đắk Sắk (Đắk Mil) hỏi ông Nguyễn Văn Tạo ở thôn Thổ Hoàng 3 thì ai cũng biết. Trong câu chuyện với chúng tôi vào một buổi chiều cuối tháng Chín, ông bộc bạch: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tinh thần lao động và tình yêu thương con người của Bác, đã thôi thúc, hun đúc cho tôi ý chí vươn lên và sau này có điều kiện giúp đỡ mọi người khó khăn hơn mình.
Từ năm 2003, Công ty đã triển khai ứng dụng công nghệ cao vào trồng dược liệu bền vững sinh học trên diện tích 6 ha tại xã Đắk Sin (Đắk R’lấp). Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu và triển khai trồng thí điểm, khảo nghiệm, đến nay nhiều loại cây đã cho kết quả khả quan.
Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bằng những cách thức tuyên truyền sâu rộng, nhiều nông dân ở xã Nam Xuân (Krông Nô) đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa những giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất, nuôi trồng.
Từ mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ nâng lên cơ sở sản xuất và chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Chế biến bột cá Thành Bình (ấp Đôi Ma, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) liên tục được bình chọn là Doanh nghiệp Tiền Giang tiêu biểu trong những năm gần đây.
Theo Sở Công thương, UBND tỉnh đã quyết định và công nhận 7 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014