Xuất Khẩu Gạo, Càphê Sụt Giảm, Thủy Sản Vẫn Là Chủ Lực
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn vừa cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm-thuỷ sản cả nước trong tháng 2/2014 ước đạt 2,08 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành hai tháng đầu năm 2014 lên 4,33 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính như gạo, càphê, chè, sắn, cao su... đều có sự sụt giảm cả về giá và khối lượng, do chịu tác động nhiều từ biến động của giá cả thị trường thế giới và ảnh hưởng lớn từ các yếu tố thời tiết, thiên tai.
Trong số này, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,73 tỷ USD giảm 20,5%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 837 triệu USD, tăng 30,2%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 919 triệu USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2013.
Giảm mạnh nhất là xuất khẩu cao su, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 2 đạt 38 nghìn tấn với giá trị 80 triệu USD, với ước tính này hai tháng đầu năm 2014 xuất khẩu cao su đạt 104 nghìn tấn với giá trị đạt 215 triệu USD; giảm 25,4% về khối lượng và giảm 43,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Tương tự, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 2 ước đạt 343 nghìn tấn, với giá trị đạt 102 triệu USD đưa tổng khối lượng xuất khẩu mặt hàng này hai tháng đầu năm đạt 652 nghìn tấn với giá trị 206 triệu USD; song giảm 32,7% về khối lượng và giảm 30,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2013.
Khối lượng xuất khẩu chè tháng 2 năm 2014 ước đạt 6 nghìn tấn với giá trị đạt 8 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè hai tháng đầu năm ước đạt 15 nghìn tấn với giá trị đạt 24 triệu USD, giảm 18,9% về khối lượng và giảm 15,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2014 đạt 1.689 USD/tấn, tăng 8,83% so với cùng kỳ năm 2013. Khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam giảm 8,86% về khối lượng nhưng tăng 11,17% về giá trị.
Đặc biệt, xuất khẩu gạo trong tháng 2 năm 2014 ước đạt 333 nghìn tấn với giá trị 154 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm 2014 ước đạt 702 nghìn tấn và 330 triệu USD;nhưng giảm đến 12,3% về lượng và giảm 8,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2014 đạt 476,6 USD/tấn, tăng 4,22% so với cùng kỳ năm 2013. Đáng chú ý nhất là thị trường Philippines có sự tăng trưởng đột biến trong tháng 1 với mức tăng gấp 8,78 lần về khối lượng và tăng 9,45 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Với mức tăng trưởng này, Philippines vươn lên vị trí đứng đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 53,54% thị phần, tiếp đến là Trung Quốc và Hồng Kông, chiếm thị phần lần lượt là 16,04% và 4,04%.
Đối với các ngành hàng như càphê cũng có sự sụt giảm cả về khối lượng và giá trị; xuất khẩu cà phê ước đạt 136 nghìn tấn với giá trị đạt 254 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê hai tháng đầu năm ước đạt 279 nghìn tấn và 519 triệu USD, giảm 13,7% về khối lượng và giảm 23,4% về giá trị so cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu hạt tiêu cũng giảm 8,1% về khối lượng và giảm 5,5% về giá trị…
Trong khi đó, lĩnh vực thủy sản tiếp tục là điểm sáng trong kim ngạch xuất khẩu ngành với giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 2 ước đạt 335 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu hai tháng đầu năm đạt 919 triệu USD; tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2013.
Mỹ vẫn duy trì được vị trí là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 26,67% tổng giá trị xuất khẩu. Trong tháng 1, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 155,6 triệu USD, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2013.
Xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng tăng trưởng đáng kể với mức tăng tương ứng đạt 31,45%, 29,27% và 17,85%. Xuất khẩu sụt giảm ở các thị trường như Trung Quốc (giảm 37,79%) và Thái Lan (giảm 7%).
Có thể bạn quan tâm
Năm nay, nắng hạn kéo dài, năng suất tiêu giảm nhưng nhờ tiêu hạt được giá nên người trồng tiêu ở huyện Tây Hòa (Phú Yên) rất phấn khởi. Huyện Tây Hòa đang quy hoạch các vùng chuyên canh cây tiêu gắn với quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo đề án Xây dựng nông thôn mới.
Trước tình hình giá mủ cao su bất lợi, một số hộ dân trồng cao su tại tỉnh Đắk Nông đã có sáng kiến lạ: Thay vì chặt bỏ vườn cây, họ rong tỉa cành cây cao su để làm trụ sống trồng hồ tiêu.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), một số hộ, cơ sở nuôi tôm có sử dụng Oxytetracyline dạng nguyên liệu (thùng 25kg của Trung Quốc), hòa vào nước và tạt xuống ao để hạn chế vi khuẩn vibrio trong môi trường nước nhằm phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính...
Theo ông Trần Giao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Tân, đến nay trên địa bàn xã có hơn 120 hộ trồng tiêu với tổng diện tích trên 26 ha; tập trung nhiều nhất là các vùng gò đồi ở thôn Giao Hội 1, Giao Hội 2 và Đệ Đức 1, trong đó có khoảng 65% diện tích tiêu từ 3 đến 10 năm tuổi.
Theo Bộ Công thương, EU là một trong bốn thị trường XK gỗ chính của Việt Nam, chiếm tới 30% tổng giá trị XK đồ gỗ Việt Nam, các thị trường còn lại bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản.