Nông dân lo lắng vì Hồng hoa rớt giá
Sau năm đầu tham gia trồng thử nghiệm, sang năm 2014, gia đình bà Lường Thị Dúi, bản Lập, thị trấn Tuần Giáo (Điện Biên) mạnh dạn đầu tư 1ha Hồng hoa.
Vụ năm nay, gia đình bà vẫn duy trì diện tích ấy nhưng bao hy vọng, mong đợi vào cây trồng này đã gần như tiêu tan bởi Hồng hoa đang đến độ thu hoạch rộ mà không có người hỏi mua, giá bán trên thị trường thấp.
Nửa quả đồi trồng Hồng hoa của gia đình đang chuyển màu đỏ thẫm, báo hiệu đến độ "chín", nhưng bà Dúi chẳng những không vui mà còn lo lắng.
Bà chia sẻ: Giá thấp như vậy, gia đình tôi không muốn thu hái nữa, hái rồi cũng không biết mang đi đâu bán.
Sau vụ này, gia đình tôi không biết có nên tiếp tục gắn bó với Hồng hoa nữa không.
Cùng chung tâm trạng ấy, gia đình bà Lò Thị Dung, bản Noong, thị trấn Tuần Giáo, 1 trong những hộ tham gia trồng Hồng hoa từ những ngày đầu tiên, cũng thấp thỏm mong giá tăng.
Bà Dung cho biết: Các gia đình tham gia dự án trồng Hồng hoa như chúng tôi đặt nhiều niềm tin vào loại cây này.
Nhiều nhà mạnh dạn chuyển đổi đất sản xuất rau màu, ngô... sang trồng Hồng hoa.
Nếu giá Hồng hoa vẫn thấp như thế cho đến hết mùa thì chúng tôi làm không có công. Hồng hoa là giống cây ngắn ngày, chỉ trồng 1 vụ trong năm nhưng có năng suất cao và dễ thích nghi với nhiều loại đất.
Năm 2013, Hồng hoa lần đầu tiên được trồng thử nghiệm trên diện tích 1,5ha của 5 hộ gia đình trong khu vực thị trấn Tuần Giáo.
Đây là chương trình nằm trong Dự án Tăng cường năng lực và giảm nghèo bền vững được thỏa thuận giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tuần Giáo và Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng (CFRC).
Năm đầu tiên trồng thử nghiệm, Hồng hoa đã cho vụ mùa bội thu.
Nhờ quảng bá tốt và năng suất cao với khoảng 10 tấn tươi/1ha, giá bán 20.000 - 25.000 đồng/kg hoa tươi, 400.000 đồng/kg khô, nhiều hộ gia đình tham gia dự án đã cải thiện được cuộc sống chỉ sau một vụ thu hoạch.
Nhận thấy Hồng hoa có lợi ích kinh tế cao, sang niên vụ 2014, Dự án mở rộng diện tích trồng lên 5ha với 20 hộ tham gia từ nhiều xã trong huyện, bao gồm: Quài Tở, Quài Nưa, Chiềng Sinh, Quài Cang và thị trấn Tuần Giáo.
Ngoài ra còn có nhiều gia đình trồng tự phát không nằm trong Dự án.
Giá Hồng hoa tươi năm 2014 rớt xuống còn 10.000 - 15.000 đồng/kg.
Nhưng mức giá ấy vẫn chưa là gì so với vụ năm nay, Hồng hoa tươi chỉ được giá 3.000 - 5.000 đồng/kg, mà người dân tìm đầu mối thu mua còn chật vật.
Có nhiều lý do cho việc giảm giá mạnh này.
Một trong số đó là việc trồng tự phát Hồng hoa ở nhiều nơi, nhiều huyện.
Việc phát triển chưa có quy hoạch, bán phá giá đã khiến giá thành và đầu ra của Hồng hoa càng trở nên bấp bênh.
Khảo sát tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ - thị trường tiêu thụ lớn nhất của Hồng hoa Tuần Giáo trong những năm trước, chúng tôi được một số tiểu thương phản ánh: Năm nay, hầu hết lượng Hồng hoa bán tại đây đều do các gia đình khu vực lòng chảo Điện Biên trồng tự phát cung cấp.
Bà Quàng Thị Duyên, tiểu thương tại chợ Mường Thanh, cho biết: Năm 2013 và 2014, đến vụ Hồng hoa, tôi đều nhập hàng từ Tuần Giáo về bán.
Nhưng năm nay, nông dân các xã gần thành phố (như Thanh Luông, Thanh Hưng, Pom Lót...) cũng trồng nên tôi nhập tại đây, giá cả không chênh lệch mà sản phẩm ít bị hỏng do vận chuyển gần.
Một nguyên nhân khác làm Hồng hoa liên tục giảm giá qua các năm, theo bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo là: "Do cây Hồng hoa còn khá lạ lẫm với người dân, các sản phẩm làm từ loại cây này vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Hiện tại, chính sách của huyện là vẫn tiếp tục duy trì 5ha Hồng hoa, chưa mở rộng thêm diện tích".
Thực tế, từ khi được triển khai trồng, Hồng hoa đã được quảng bá, giới thiệu ở nhiều hoạt động, sự kiện trong và ngoài tỉnh, nổi bật như "Ngày hội Hồng hoa" thu hút được nhiều sự quan tâm, tham gia tìm hiểu.
Nhưng không biết vì lý do gì mà Hồng hoa vẫn chưa nhận được sự đón nhận của nhiều người dân mặc dù có những công dụng tốt cho sức khỏe.
Điều này đặt ra yêu cầu, chính quyền và ngành nông nghiệp huyện Tuần Giáo cần khảo sát, đánh giá lại giá trị, lợi ích kinh tế của cây Hồng hoa, để có chủ trương đúng đắn, hỗ trợ kịp thời, tìm đầu ra ổn định giúp người nông dân giữ được niềm tin với Hồng hoa nếu cây trồng này thực sự thích hợp phát triển trên mảnh đất Tuần Giáo.
Có thể bạn quan tâm
Đến thời điểm này, sản lượng chè búp tươi của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đạt 729 tấn. Hiện tổng diện tích chè trên toàn huyện Bát Xát là 526 ha, tập trung ở các xã: Mường Hum, Sàng Ma Sáo, Dền Sáng, Dền Thàng, Nậm Chạc, A Mú Sung…
Diện tích tăng chóng mặt, đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc và bị thương lái “đè” giá… nên thanh long Bình Thuận đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nông dân trồng chanh tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đang rất lo lắng khi giá chanh trái đã giảm hơn 20.000 đồng/kg so với thời điểm những tháng đầu năm 2015 và đang có mức giá rất thấp.
Vùng na dai Chi Lăng (Lạng Sơn) có hơn 1.200 ha, với sản lượng năm nay ước đạt hơn 8 nghìn tấn. Hàng năm, cây na bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 7 đến hết tháng 9. Tại các xã: Quang Lang, Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, Mai Sao... nhiều hộ dân trồng từ 0,5 - 3 ha, cây na đem lại giá trị kinh tế cao, đạt hơn 75 triệu đồng/ha, là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc nơi đây.
Với sự năng động, nhạy bén của bà con nông dân, những năm gần đây xã Liên Nghĩa, Văn Giang (Hưng Yên) nổi tiếng với nghề ươm các loại giống cây ăn quả. Cây giống Liên Nghĩa theo chân thương lái đến mọi miền đất nước mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.